LY HÔN ĐƠN PHƯƠNG CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Không một gia đình nào là hoàn hảo, vẫn có cãi vã, vẫn có chiến tranh, thậm chí là sự lạnh lùng trong một thời gian rất dài, xong mỗi gia đình lại chọn cách giải quyết khác nhau.
TƯ VẤN:
1.Vậy Ly hôn đơn phương là gì ?
Ly hôn đơn phương là ly hôn theo yêu cầu của một bên, nếu muốn được Tòa án chấp nhận và ra quyết định, bản án ly hôn thì vợ hoặc chồng phải chứng minh được người còn lại có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, làm cho đời sống hôn nhân trở nên căng thẳng kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.
Ví dụ: Chị A nộp làm đơn ly hôn anh C vì anh suốt ngày đánh đập chị, nhưng anh C không đồng ý ly hôn. Nên chị A đã làm đơn yêu cầu ly hôn đơn phương.
2.Để đơn phương ly hôn thì cần điều kiện gì ?
Căn cứ Điều 56, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau:
“Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Theo quy định trên thì nếu muốn đơn phương ly hôn với vợ, chồng thì phải có cơ sở chứng minh các điều sau:
+ Thứ nhất: Chứng minh vợ/chồng có hành vi bạo lực gia đình làm đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được
+ Thứ hai: Chứng minh vợ/chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được
+ Thứ ba: Chứng minh vợ/chồng bị Tòa án tuyên mất tích
+ Thứ tư: Chứng minh vợ/chồng có hành vi bạo lực đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần người kia.
Như vậy để ly hôn đơn phương thì cần phải chuẩn bị những hồ sơ gì để yêu cầu đơn phương ly hôn?
3.Hồ sơ yêu cầu đơn phương ly hôn
+ Đơn ly hôn (Theo nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP)
+ Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
+ Sổ hộ khẩu, CMND/CCCD của vợ và chồng (Bản sao chứng thực/công chứng)
+ Giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh của các con (Nếu có tranh chấp)
+ Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản (Nếu có tranh chấp)
+ Tài liệu chứng minh vi phạm theo Điều 56, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
4.Nộp đơn ly hôn ở đâu ?
Trường hợp 1: Không có yếu tố nước ngoài
Nếu không có yếu tố nước ngoài:
+ Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, nơi làm việc của người muốn ly hôn trong trường hợp hai bên thỏa thuận.
+ Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, làm việc của người còn lại trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận.
(Căn cứ pháp lý: Điểm a khoản 1 Điều 35; khoản 3, Điều 35 BLTTDS 2015)
Trường hợp 2: Có yếu tố nước ngoài
Tình huống: Anh A và chị B là người Việt Nam, nhưng hiện tại anh A đang sống và làm việc ở Đài Loan, còn chị B đang ở Việt Nam sống cùng một cô con gái – con chung giữa hai anh chị. Nay anh A muốn đơn phương ly dị chị B, anh A xin tư vấn về thủ tục giải quyết?
Do anh A đang sinh sống tại Đài Loan nhưng Vợ của anh lại đang sinh sống ở Việt Nam nên trường hợp ly hôn của anh A là ly hôn mang yếu tố nước ngoài.
– Vậy trước hết ta cần tìm hiểu Ly hôn có yếu tố nước ngoài là gì ?
Căn cứ theo quy định tại Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, ly hôn có yếu tố nước ngoài được quy định như sau:
- Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
- Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
- Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Theo đó ly hôn có yếu tố nước ngoài được hiểu như sau:
+ Chủ thể:
- Giữa công dân Việt Nam với công dân người nước ngoài
- Giữa công dân Việt Nam với nhau sống ở nước ngoài nhưng có nơi cư trú chung lâu dài tại Việt Nam hoặc là giữa một trong hai người đang sinh sống tại nước ngoài
- Giữa Công dân người nước ngoài với nhau cư trú tại Việt Nam.
+ Hành vi: yêu cầu ly hôn
Tại điểm d khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng có quy định như sau:
Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
- Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:
…
d) Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
Theo đó đối với trường hợp ly hôn của anh A thuộc trường hợp quy định tại Điều 127, của Luật Hôn nhân gia đình là vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
- Vậy anh A nên nộp đơn đến thẩm quyền Tòa án cấp nào để giải quyết ?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 35, BLTTDS 2015 quy định về Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện như sau:
…
- Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
…..
Căn cứ điểm c, khoản 1, Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định Thẩm quyền của TAND cấp Tỉnh như sau:
“Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này”
Như vậy đối với ly hôn có yếu tố nước ngoài thì:
- Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú, nơi làm việc của người muốn ly hôn trong trường hợp hai bên thỏa thuận.
- Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú, làm việc của người còn lại trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận.
Lưu ý: Đối với trường hợp ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam.
6.Giữa anh A và chị B còn có một người con gái chung. Nếu anh A yêu cầu ly hôn đơn phương và muốn giành quyền nuôi con thì phải làm như thế nào ?
Căn cứ Điều 81 quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
1.Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2.Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3.Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Căn cứ quy định trên, trong trường hợp của bạn, con bạn mới được gần 3 tuổi như vậy thuộc trường hợp con dưới 36 tháng tuổi nên theo quy định quyền nuôi con được ưu tiên cho người mẹ. Mẹ sẽ được trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Tuy nhiên nếu vợ, chồng có thỏa thuận thì Tòa vẫn sẽ tôn trọng sự thỏa thuận của hai người và quyết định giao con cho người đã thỏa thuận nuôi.
Theo đó nếu anh A và chị B ly hôn thì anh chị vẫn có quyền và nghĩa vụ chăm sóc bé gái. Nếu bé đã trên 7 tuổi trở lên thì anh chị hỏi nguyện vọng của con mình. Nếu bé là trẻ dưới 36 tháng thì phần nuôi con sẽ ưu tiên mẹ, trừ trường hợp chị B không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc anh chị có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
7.Nếu khi ly hôn cả anh A và chị B đều không có đủ điều kiện để nuôi dưỡng chăm nom con gái chưa thành niên?
Điều 104 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu như sau:
- Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.
- Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Điều 105 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em như sau:
Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.
Điều 106 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột như sau:
Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp người cần được nuôi dưỡng không còn cha, mẹ, con và những người được quy định tại Điều 104 và Điều 105 của luật này hoặc còn nhưng những người này không có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Như vậy, nếu bố mẹ ly hôn nhưng không ai có điều kiện để trông nom, nuôi dưỡng con chưa thành niên, thì ông bà nội, ông bà ngoại; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột là những người có quyền và nghĩa vụ chăm nom, nuôi dưỡng con theo các quy định được trích dẫn ở trên.
8.Khó khăn chung đối với ly hôn có yếu tố nước ngoài
- Một trong những khó khăn của vấn đề ly hôn có yếu tố nước ngoài chính là sự có mặt tại TAND có thẩm quyền nơi bị đơn cư trú. Bởi lẽ từ lúc nộp hồ sơ, nguyên đơn đã phải nộp hồ sơ đến TAND có thẩm quyền nơi bị đơn cư trú. Thứ hai là thủ tục hòa giải đối với vụ án ly hôn thì phải có mặt hai bên, thế nên việc có mặt là rất khó đối với người đang sống làm việc tại nước ngoài, vì họ sẽ phải mất rất nhiều thời gian và tiền của để đi lại thậm chí có những trường hợp còn không thể về nước.Thế nên đối với vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài là rắc rối và mất rất nhiều thời gian, tiền bạc đi lại.
- So với các vụ ly hôn thông thường thì khoảng cách địa lý chính là một mắt xích quan trọng việc hàn gắn mối quan hệ giữa vợ chồng vì hai bên có thể trực tiếp giải bày tâm tư, nguyện vọng cho nhau biết để tìm cách giải quyết khắc phục khác thay vì lựa chọn ly hôn. Đối với ly hôn có yếu tố nước ngoài thì cả hai bên rất khó khăn trong việc thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhau một cách chân thành, vì người xưa thường có câu “xa mặt cách lòng”.
Trong hôn nhân ai cũng mong muốn cuộc sống gia đình được viên mãn hạnh phúc, thế nên trước khi đưa ra một quyết định nào đó cha mẹ phải nghĩ đến con cái đầu tiên vì tương lai của một đứa trẻ được quyết định phần lớn dựa trên tình yêu thương, chăm lo quan tâm từ cha mẹ. Nhưng không có nghĩa là chúng tôi cổ xuý mọi người hãy chấp niệm, nhịn đắng nuốt cay, cam chịu một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Qúy vị là các bậc cha mẹ chắc chắn sẽ chọn những con đường, lối đi đúng đắn nhất để nuôi dưỡng con cái của mình, cho chúng một cuộc sống yêu thương như bao đứa trẻ khác.
Vũ Thị Ánh Tuyết
Email: vuthianhtuyet26011994@gmail.com
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi