Tình huống: Anh J (quốc tịch Mỹ) và chị M (quốc tịch Việt Nam) kết hôn với nhau vào năm 2013 tại Việt Nam và có 01 con chung với nhau là cháu T (2 tuổi). Sau khi kết hôn và cả hai có mua một căn chung cư diện tích 200m2 (giá căn nhà tại thời điểm xảy ra ly hôn là 9.000.000.000 đồng) thì đến năm 2019 do dịch Covid bùng nổ khiến cho công việc kinh doanh của anh J thua lỗ. Sau đó, anh J bắt đầu uống rượu nhiều và bắt đầu xúc phạm, đánh đập chị M khiến cho chị M phải bỏ đi. Hiện tại cả hai đang trong quá trình ly thân và anh J yêu cầu nếu ly hôn thì con sẽ do anh J nuôi và căn chung cư là của anh J. Chị M muốn khi ly hôn thì chị được nhận lại ½ giá trị căn chung cư của hai người và quyền nuôi con đồng thời anh J phải chu cấp cho con là 10.000.000 VNĐ/ tháng. Hãy tư vấn cho chị M?
Đối với trường hợp này chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
Theo khoản 2 Điều 59 Luật HNGĐ 2014 quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn, Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Do trong thời gian chung sống anh J có các hành vi xúc phạm, đánh đập chị M là vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng nên chị M có thể nhận được nhiều hơn 50% giá trị ngôi nhà .
Tuy nhiên, tài sản chung của hai vợ chồng ở đây là căn nhà chung cư nên theo khoản 3 Điều 59 Luật HNGĐ 2014 quy định, Tài sản chung của vợ chồng nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị”.
Do đó, Tòa án sẽ xem xét các yếu tố về công sức, hoàn cảnh và lỗi của vợ chồng anh J chị M để thực hiện việc chia tài sản theo giá trị căn hộ cho người không nhận được căn nhà nhằm đảm bảo quyền lợi của hai bên.
Thứ hai, về vấn đề quyền nuôi con sau khi ly hôn
Xét theo độ tuổi của cháu T là 2 tuổi theo quy định khoản 3 Điều 81 Luật HNGĐ về việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con sau khi ly hôn, Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, sau khi ly hôn, chị M muốn dành ( Giành ch quyền nuôi con thì chị M phải có các căn cứ chứng minh đủ điều kiện nuôi con về chỗ ăn ở, thu nhập hàng tháng, thời gian chăm sóc con,… Nếu đáp ứng được điều kiện để nuôi con thì quyền nuôi cháu T sẽ thuộc về chị M.
Thứ ba, về vấn đề cấp dưỡng cho con cái
Do vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài – anh J quốc tịch Mỹ, theo Khoản 1 Điều 129 Luật HN&GĐ có quy định như sau: “Nghĩa vụ cấp dưỡng tuân theo pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú”. Hay, nghĩa cụ cấp dưỡng được tuân theo quy định pháp luật của nước chị M đang cư trú là pháp luật nước Việt Nam.
Theo đó, Điều 110 Luật HN&GĐ quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con, Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong trường hợp không sống chung với con. Vì vậy, theo quy định của pháp luật sau khi anh J và chị M ly hôn buộc anh J phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu T và phương thức cấp dưỡng là hàng tháng theo yêu cầu của chị M.
Theo quy quy định tại khoản 1 Điều 116 Luật HN&GĐ 2014 Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Nếu chị M và anh J không thể thỏa thuận được mức cấp dưỡng thì sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết. Hiện nay, các Tòa án khi giải quyết trường hợp nghĩa vụ cấp dưỡng với mức tiền cụ thể thì sẽ xét theo từ 15%-30% thu nhập của người cấp dưỡng.
Vì vậy, nếu chị M muốn yêu cầu mức cấp dưỡng là 10.000.000 đồng/ tháng thì tiền cấp dưỡng đó phải là khoảng từ 15%-30% so với thu nhập của anh J.
Thủ tục ly hôn
Để tòa án có thể xem xét giải quyết các yêu cầu của chị M thì chị làm theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị khởi kiện
- Đơn khởi kiện ly hôn ( Mẫu số 23 – DS – Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP)
- Các tài liệu chứng minh hành vi xúc phạm, đánh đập của anh A : video, hình ảnh, giám định thương tổn,…
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản gốc)
- Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực): con 2 tuổi
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (bản sao có chứng thực)
- Các giấy tờ tài liệu khác: chứng minh về điều kiện chỗ ở, thu nhập, nuôi dưỡng con của chị M
Bước 2: Nộp đơn tới Tòa án có thẩm quyền
Do anh J có quốc tịch nước Mỹ, do đó tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết theo điểm b khoản 1 Điều 470 BLTTDS 2015: “Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam” và Tòa án có thẩm quyền giải quyết là TAND cấp tỉnh theo điểm a khoản 1 Điều 37 và điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015: “ Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc tranh chấp về hôn nhân và gia đình có đương sự ở nước ngoài.”
Như vậy, TAND cấp tỉnh nơi anh J cư trú, làm việc sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ ly hôn giữa anh J và chị M.
Bước 3: Nộp án phí
Theo Khoản 1 Điều 195 BLTTDS 2015, sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Tiền tạm ứng án phí này sẽ được nộp tại Chi cục thi hành án cấp tỉnh nơi TAND cấp tỉnh giải quyết vụ án ly hôn. Và theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/ UBTVQH14 thì số tiền ứng sẽ theo danh mục án phí về tranh chấp hôn nhân gia đình có giá ngạch
Và theo quy định tại khoản 4 Điều 147 BLTTDS 2015, Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Tóm lại, ngay khi có thông báo của Thẩm phán về việc nộp tiền tạm ứng án phí, chị M phải đến Chi cục thi hành án cấp tỉnh nới TAND cấp tỉnh giải quyết vụ án ly hôn.
Người viết: Nguyễn Hương Ly
Gmail: ly79455@gmail.com
Điện thoại: 0842 59 59 55
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi