Bản chất của khoản phí thi hành án dân sự là một khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được các lợi ích vật chất từ hoạt động thi hành án dân sự. Theo đó, cơ quan thi hành án dân sự là chủ thể cung cấp dịch vụ, còn đương sự là người thụ hưởng dịch vụ đó. Đây cũng chính là một trong những cơ sở quan trọng để tiến hành xã hội hóa công tác thi hành án dân sự theo tinh thần của Nghị quyết 49-NQ/TW đã khẳng định: “Từng bước thực hiện việc xã hội hoá và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”.
Vào thời gian trước đây, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989 được ban hành lần đầu và sau nhiều lần đổi mới các quy định Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì các nhà làm luật vẫn chưa đề cập về quy định thu phí thi hành án dân sự. Để củng cố và hoàn thiện công tác thi hành án dân sự cũng như là thực hiện theo Đường lối chủ trương của Đảng theo Nghị quyết 49-NQ/TW, tại khoản 7 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Điều 2 Thông tư 216/2016/TT-BTC đã bổ sung thêm quy định đối tượng phải nộp phí thi hành án dân sự là người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh; phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại. Trong đó, người được thi hành án gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành.
Đối với từng mức tiền, giá trị tài sản mà người được thi hành án thực nhận thì người này phải thực hiện nộp mức phí thi hành án dân sự tương ứng theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC. Theo đó, mức phí thấp nhất mà người được thi hành án phải nộp là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận tương ứng với số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định đến 5.000.000.000 đồng; mức phí cao nhất mà người được thi hành án phải nộp là 245.000.000 đồng cộng với 0,01% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 15.000.000.000 đồng.
Ngoài ra, nếu người được thi hành án thuộc một trong các trường hợp sau thì sẽ được miễn phí thi hành án dân sự theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 216/20216/TT-BTC:
– Được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
– Thuộc diện neo đơn được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận; thuộc diện tàn tật hoặc ốm đau kéo dài có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận.
– Người được thi hành án xác minh chính xác sau khi cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014) và cơ quan thi hành án dân sự xử lý được tài sản để thi hành án.
Bên cạnh đó, người được thi hành án được giảm án phí thi hành án dân sự theo khoản 2 Điều 7 Thông tư 216/2016/TT-BTC trong các trường hợp sau:
– Giảm đến 80% phí thi hành án dân sự đối với người có khó khăn về kinh tế thuộc chuẩn hộ nghèo và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận.
– Giảm 30% phí thi hành án dân sự tương ứng với số tiền thực nhận từ việc xử lý tài sản của người phải thi hành án nếu đáp ứng các điều kiện sau:
+ Người được thi hành án xác minh chính xác tài sản để thi hành án khi yêu cầu thi hành án;
+ Cơ quan thi hành án dân sự xử lý được tài sản để thi hành án mà không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cần huy động lực lượng, trừ trường hợp tài sản đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại.
– Giảm 20% phí thi hành án dân sự trong trường hợp hai nêu trên nếu phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cần huy động lực lượng, trừ trường hợp tài sản đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi các chuyên viên pháp lý, luật sư tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng về lĩnh vực thi hành án nói chung và vấn đề mức phí thi hành án nói riêng thường bỏ sót trong việc xác định khách hàng của mình có phải là một trong những đối tượng được miễn giảm án phí hay không. Chính vì thế, điều này vô hình trung làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.
Như vậy, phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền. Khi đó, cơ quan thi hành án sẽ thu phí thi hành án dựa trên mức khoản tiền hoặc giá trị tài sản mà người được thi hành án nhận được. Lưu ý, người được thi hành án dân sự cần tìm hiểu các quy định, xác định mình có thuộc trường hợp được miễn giảm phí thi hành án dân sự hay không. Đồng thời, chuyên viên pháp lý, luật sư phải giải thích rõ ràng cho khách hàng về khoản phí thi hành án dân sự mà họ phải chịu để tránh trường hợp tranh chấp không đáng có./.
Người viết: Hương Ly – VPLS Đồng Đội
Người hướng dẫn: Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng VPLS Đồng Đội.
___
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội