“NGÀY TÔI RA HÀ NỘI” là những trang nhật ký đầu được chắp bút bởi Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội. Bài viết như tái hiện lại một cách chân thực sự khó khăn khi theo đuổi nghề Luật sư của Luật sư Tiền. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, nghị lực, nhiệt huyết người đàn ông đã cống hiến hơn nửa đời người tại các cơ quan nhà nước đã chứng minh được nếu bạn có quyết tâm thì không có khó khăn nào có thể đánh gục được bạn và khi bạn nhìn lại những gì đã qua bạn sẽ không hối hận.
Dưới đây là một bài viết tâm huyết và là một trong những đứa con tinh thần Luật sư muốn gửi đến bạn đọc. Mời quý bạn đọc cùng theo dõi:
Sau bao đắn đo và được sự quan tâm của lãnh đạo Sở Tư pháp Ninh Bình, giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Ninh Bình, tôi được cử đi học lớp Luật sư. Cùng với bao bạn trẻ, tôi nhập học lớp 8.1. Tôi đi học, mục đích là để tìm kiếm cơ hội ra làm Luật sư vì từ khi làm việc ở Thi hành án đến khi chuyển sang Trợ giúp pháp lý, dù công việc hay nhưng tôi vẫn bỏ, bởi làm Nhà nước gò bó về không gian, thời gian và công việc theo kế hoạch tuyên truyền là chính. Thời gian làm ở Trung tâm Trợ giúp pháp lý cũng cho tôi nếm cái hương vị của tình người, giá trị cao cả của nghề Luật sư nên dù thuộc diện miễn đào tạo trở thành Luật sư nhưng tôi vẫn xin đi học để tích lũy, nâng cao kiến thức, và là bước chuẩn bị an toàn khi rời Nhà nước.
Quyết định ra Hà Nội học và hành trang đi đường của tôi là cái xe máy Trung quốc cà tàng đã cũ được anh bạn vừa bán vừa cho. Hôm đi từ Ninh Bình, tôi chỉ lo xe hỏng giữa đường, may chỉ thủng săm và đến nơi an toàn.
Tới Hà Nội, việc đầu tiên là lo đi lại, ăn ở ra sao, tìm việc làm thêm như thế nào để nuôi sống bản thân.
Mới đầu, tôi ở nhờ nhà anh trai. Ở đó, anh em gần gũi, thân tình, quan tâm, chăm sóc nhưng mà một thời gian tôi xin chuyển ra ngoài. Cả gia đình anh tôi ở chung cư; thỉnh thoảng có anh em, bạn bè, khách khứa của anh đến chơi, nên sinh hoạt nhiều lúc cũng bất tiện. Hơn nữa, tôi không ít lần trăn trở, bằng tuổi này, con cái cũng đã lớn mà vẫn ở cùng anh chị, được anh chị chu cấp như vậy cũng ngại. Thêm vào đó là, mình thì đang cô đơn, bố con phải xa nhau, nhìn gia đình anh chị hạnh phúc, vợ chồng con cái sum vầy vui vẻ, nhiều lúc tôi không khỏi cảm thấy chạnh lòng. Vừa là để anh chị không phải lo lắng, bao bọc cho mình nữa, vừa là để bản thân có thể độc lập, tự mình bươn chải ở Hà Nội, nên tôi mau chóng tìm kiếm chỗ ở mới.
Anh em xa nhau đã nhiều năm, trưởng thành, mỗi người một nơi, nên 6 tháng sống cùng gia đình anh chị là khoảng thời gian tôi như được quay trở về những ngày thơ ấu, được kể lại cho nhau nghe về những kỉ niệm ngày xưa, nơi có vòng tay che chở của anh trai. Và đó cũng là khoảng thời gian để tôi làm quen với Hà Nội, quen thuộc với từng ngóc ngách, phố phường của mảnh đất thủ đô.
Thời điểm đó, qua những lớp học buổi tối, bởi thấy “anh bộ đội” đi học chăm chỉ, ý kiến nhiệt tình, nên một Giáo viên lớp Luật sư đã mời tôi tới học việc vào ban ngày tại Công ty Luật. Cảm động hơn khi anh còn lo cho tôi một chỗ ở tập thể. Mọi việc cũng hay, cũng tiện, nhưng cũng chỉ được 6 tháng vì công việc ở chỗ làm ít và tôi cũng muốn tìm chỗ khác để học việc thêm.
Làng sinh viên Hancinco là nơi tôi ở và làm cho Công ty Luật đầu tiên, cũng là nơi chứa đựng rất nhiều kỉ niệm buồn vui. Nghe cái tên thôi cũng hình dung được phần nào về “thành phần dân cư” ở nơi này. Đây là khu chung cư được xây dựng để phục vụ nhu cầu về chỗ ở cho sinh viên, học viên các trường đại học, cao đẳng, và người đi làm đang học tập và làm việc trên địa bàn Hà Nội.
Thật là một điều không dễ dàng cho một “ông chú” gần năm mươi có nhà cao cửa rộng ở quê, con cái lớn khôn, đã từng là sếp nọ, sếp kia, giờ đây phải ngủ giường tầng, sinh hoạt, ăn ở chung với 5, 6 cậu trai trẻ bằng tuổi con, tuổi cháu của mình. Nhưng vì công việc bèo bọt, lại chẳng có tiền, mà đã trót yêu Hà Nội, khát vọng muốn trở thành Luật sư giỏi để bám trụ mảnh đất này nên tôi cũng phải làm quen. Cuộc sống tập thể vốn đã phức tạp, lại thêm khoảng cách thế hệ, và nếp nghĩ của người cán bộ Nhà nước lâu năm nên cũng có nhiều vấn đề phát sinh trong khoảng thời gian này.
Ở chung với nhau toàn là những anh em khó khăn, các cháu sinh viên mới ra trường, đồng lương còi cọc nên ăn uống, sinh hoạt tự lo, vô cùng đơn giản và bần hàn. Tôi nhớ mãi kỉ niệm mình “đầu tư” mua hẳn một thùng mì tôm đem về để trong phòng (thứ đồ rất quý với tôi lúc bấy giờ). Nhưng vì có công việc, phải đi công tác, lúc về thì hết tong (ai ăn chả biết), thậm chí những đồ dùng nhỏ nhặt như xà phòng, thuốc đánh răng tôi quên không cất cũng chẳng còn… Tôi không tiếc, không bực, không buồn, thậm chí tôi còn cảm thấy biết ơn vì chính nhờ việc sống giữa các bạn trẻ, dù còn non nớt, thiếu kinh nghiệm nhưng đầy nhiệt huyết, ước mơ và hoài bão mà tôi cũng cảm thấy bản thân trẻ ra, càng thêm quyết tâm, kiên định nghỉ việc Nhà nước để theo nghề Luật sư.
Chỗ ở thứ 3 của tôi là do sự giới thiệu của khách hàng được tôi giúp tư vấn chia tài sản trong vụ việc ly hôn. Câu chuyện là thế này: khách hàng là Tiến sỹ, biết tôi trên mạng qua các bài viết về hôn nhân gia đình, nên nhờ giải quyết việc phân chia tài sản với vợ kế của bố mình. Mẹ mất được một thời gian, thương người bố làm công chức Nhà nước ở một mình, hai chị em khách hàng muốn bố có người bầu bạn, tâm sự. Nhưng ít lâu sau, cuộc sống chung xuất hiện nhiều mâu thuẫn, lúc đến với nhau thì hứa hẹn cho cô ấy căn nhà tập thể nhưng rồi lúc không vui lại không muốn cho, hoặc có chỉ cho một phần.
Luật sư tôi đã tìm hiểu, tư vấn hoà giải được êm đẹp vụ việc nên khách hàng rất quý mến, cũng chia sẻ và biết tôi đang khó khăn về chỗ ở nên đề xuất mời tôi đến ở cùng bố bạn cho vui, không phải lo lắng tiền thuê. Nghe lời mời cũng rất hợp tình và đang trong hoàn cảnh như vậy nên tôi dọn đến, được ở gác xép của căn hộ khu phố Kim Mã.
Được một thời gian, khoảng mấy tháng, tôi mới vỡ nhẽ ra là bác ấy ở một mình lâu nên hay chơi bời, rượu chè, lương hưu không đủ con cái phải trợ cấp. Nói là ở miễn phí nhưng tiền ga, tiền điện bác ấy không có hoặc không trả để tôi trả. Thậm chí nhiều lần đi ăn sáng, bác kéo thêm bạn đến ăn để cho mình trả tiền; mời đi nhậu tôi cũng phải “cam-pu-chia”… Nhiều vấn đề như vậy khiến tôi cũng nản dần, lại thêm chuyện trong giai đoạn đó, hai cô con gái bác tìm cho bố người giúp việc với ý muốn họ làm ô sin cả tối cho ông…(Phức tạp quá!)
Dù là người giúp việc nhưng người ta cũng có nhân cách, cũng có lòng tự trọng của mình nên thấy tôi tử tế, đàng hoàng, không bê tha như ông chủ nên lại quan tâm, giúp tôi từng cái quần, cái áo, bát cơm hơn ông chủ. Cái gì đến cũng đến, hai bên dần dà căng thẳng, ghen ăn, tức ở nên đối xử thể hiện hết sự phũ phàng và ghẻ lạnh. Thậm chí, ông ta còn tỏ thái độ coi thường với cả khách của tôi đến chơi.
Lần đó, một cô bạn học phổ thông của tôi ghé qua. Chứng kiến cảnh bạn mình – người cán bộ ngày trước nay lại ở nhờ nơi nhà tập thể lụp xụp, và chính cô cũng nhận sự tiếp đón đầy ghẻ lạnh của chủ nhà mà cô khóc như mưa, vô cùng thương cảm cho tôi. Thấy bạn khóc, tôi cũng xúc động, tôi vui vì có người bạn luôn dõi theo, luôn quan tâm và đồng cảm với những thăng trầm, biến cố mà mình phải trải qua. Tôi cũng không muốn cuộc sống như vậy, nhưng vì tiền đâu mà ra ngoài thuê phòng nên phải chấp nhận, làm sao có thể sống thoải mái như trước được nữa.
(Bây giờ, mỗi khi có dịp gặp nhau, bạn vẫn hay nhắc lại câu chuyện hồi đó. Ôn cố tri tân, bạn vừa mừng cho sự nghiệp Luật sư của tôi vừa ngạc nhiên, thán phục với sự vượt khó vươn lên của tôi ngày xưa.)
Nhiều vấn đề là vậy nên tôi phải lo sao tìm chỗ, rời đi sớm nhất để còn học hành, còn làm việc chứ sống như tra tấn thế này sao được…
Sau lần đó, thông qua bà chị con ông bác giới thiệu, tôi ở tại căn nhà vườn của anh Luật sư có tiếng, nguyên là Trưởng khoa của Đại học Luật Hà Nội. Anh cùng quê, giàu có, lại có nhà trên khu Xuân Đỉnh để không. Nơi này mua từ khi còn rẻ, đất rất rộng nên anh làm nhà vườn và nuôi đủ thứ (lợn rừng, chó béc, công, trĩ, trăn… ). Tôi đồng ý luôn vì mình vừa có chỗ để ở mà anh cũng có có người trông nhà buổi tối, hai bên đều vui vẻ.
Nhớ lần từ Đào Tấn, lái con xe máy cà tàng theo sự dẫn đường của anh để lên khu nhà vườn ở Xuân Đỉnh. Đi đằng sau, anh thì cứ lao vun vút, còn tôi cứ dừng tại một ngã tư để chờ đèn xanh là y như rằng không thấy cả người và xe anh đâu, nên lại căng mắt để tìm, để bám sát. Trong đầu tôi lúc đó bỗng xuất hiện suy nghĩ: “Anh giỏi thế! Sao đường Hà Nội đầy ngõ ngách là thế mà anh đi mượt như vậy?”
Rồi lần tiếp theo được dẫn đến, tôi vẫn chưa nhớ được đường, vẫn phải hỏi thăm người dân. Rồi dần dần, phần vì bắt buộc bản thân phải nhớ, phần vì đi lại nhiều nên tôi cũng quen. Chuyện đời vốn là vậy, nhiều chuyện cũng như việc nhớ đường Hà Nội vậy, cũng không ghê gớm gì, nhưng vì mình chưa ép bản thân vào khuôn khổ, chưa toàn tâm toàn ý vào làm thì luôn thấy nó khó, lại ngưỡng mộ người ta giỏi. Quen chân thì nhớ đường, cứ làm nhiều, thực hành nhiều thì sẽ biết. Trong trường hợp bản thân không có sự lựa chọn nào khác, có lòng quyết tâm, thì bắt buộc sẽ có cách. Cái khó ló cái khôn…
Ở đó, đất rộng mà cây cối um tùm, ở một mình nhiều khi cảm tưởng như nhà hoang, lại thêm mùi hôi của đám lợn, gà. Nhưng đường xa cũng đã quen lối quen nẻo, khó khăn gì cũng khắc phục được hết, chịu được hết. Hai anh chị chủ thì rất tốt, đối đãi với tôi tử tế, nhưng cậu con trai mới lớn thỉnh thoảng lên huấn thị chú mấy câu. Nghe một cậu trai đáng tuổi con, tuổi cháu mình mặt nặng mày nhẹ, nói bóng nói gió mình như vậy cũng đau, cũng tức chứ! Nhưng nghèo thì thường đi đôi với hèn, đang ở nhờ ở đợ nhà người ta thì cũng cam chịu thôi, tháng đôi ba lần cậu ấy mới đến thôi mà! Nhưng vốn đời, chê là không ai thích, nhất là lúc đang sa cơ lỡ vận, lại thân cô thế cô, nghĩ nó buồn lắm, mà càng nghĩ lại càng cả nghĩ và càng “đau” kiểu tâm lý. Nhiều hôm đi làm xa hàng chục cây số mà không muốn về, kiếm chỗ ngồi ở gần nhà để trời tối hẳn, đến khi ông làm vườn về mới mò về vì chẳng muốn tiếp xúc với ai. Mấy hôm trưa hè oi bức, mồ hôi vã ra như tắm, chỉ mong sao về để nằm nghỉ một tý cho đỡ mệt, cũng không về, còn cafe hay nhà nghỉ thì lại càng không dám (Tiền đâu mà vào?)…
Ở không ổn, việc cũng không có, anh Luật sư chuyên về án hình sự là chính, có vài việc hành chính giao cho tôi nhưng toàn việc khó nhai. Lúc đó, dù tôi đã nhận thẻ Luật sư nhưng án hình sự tôi không giúp được bởi anh làm theo uy tín cá nhân, anh nói “Họ nhờ tau đích danh chứ không nhờ mi”. Tôi bấy giờ muốn cậy nhờ được ở gần để học hỏi, cọ xát, được tập dượt chứ đâu có mải hy vọng kiếm tiền (tiền nuôi tôi lúc đó là viết bài lấy nhuận bút là đủ ăn). Không thấy chút hy vọng, lại thêm bao lo toan khó khăn, con cái lớn sắp lo dựng vợ gả chồng, bao nhiêu lần tôi bế tắc không biết phải làm gì đây?
Đêm nằm một mình, tôi lục lại mối quan hệ bạn bè, anh em trong khi làm ở Nhà nước. Thấy số nên đánh liều điện cho anh bạn ở Vĩnh Phúc, biết được gia đình bạn đang cần luật sư, thế là có 1 việc, bạn của con ở HH có nợ nần, đây là việc thứ 2. Cứ như thế, dần dà, tôi tự có việc, tự nuôi thân.
Đến việc mở VPLS Đồng Đội và viết bài cho web của LS Đồng Đội
Trong lúc tôi đang ở nhà anh T và ghi danh ở văn phòng anh, tôi đã âm thầm mở VPLS. Chuyện này cũng tế nhị, không tiện nói ra, hơn nữa bản thân tôi cũng mờ mịt về tương lai, không biết có đi đến đâu không nên chưa dám nói chuyện này với anh. Tận đến lúc anh hỏi thì thì mới nói ra hết. Tưởng anh giận nhưng không ngờ anh vui vẻ và ủng hộ tôi hết lòng.
Cái tên VPLS Đồng Đội chính là được tôi “thai nghén” từ chính những ngày mất ngủ, trăn trở hàng tháng trời khi ở nhà anh T. Tên đã xong, thì lại đối diện với vấn đề tìm địa chỉ để treo biển làm văn phòng. Tiền đâu mà thuê nên đành lân la các mối quan hệ thân thiết mà tìm người nhờ địa chỉ để treo biển. Trong lúc vui bạn vui bè, chén chú chén anh thì ai nấy cũng đều đồng ý hết, “Có gì anh cứ gọi em. Em cho mượn nhà, không lấy tiền đâu.”, nhưng tới khi mình gọi thì ai cũng chối lấy chối để, cũng viện mọi lý do, đại loại như “Để em về em hỏi vợ em đã?” rồi im bặt.
Cuối cùng, nhờ được nhà anh bạn học cùng sĩ quan ô tô làm văn phòng. Nhưng gia đình bạn cũng không hiểu nghề Luật sư là như thế nào, sợ mình đụng chạm lại liên lụy họ nên không cho treo biển. Dở khóc dở cười khi cơ quan Thuế đến kiểm tra, không có biển nên chưa làm được vụ nào mà đã mất một đống tiền nộp phạt.
Cũng đen, nhưng tôi cũng chẳng trách gì anh bạn cả, bởi tôi hiểu ai mà chẳng có cuộc sống riêng cần phải lo lắng, điều đó dễ hiểu thôi. Sau tất cả, tôi càng thấm thía, trên đời này, “không có gì quý hơn độc lập tự do”, chả ai thương mình bằng chính mình thương mình cả, không ai cứu mình thì mình tự cứu lấy mình. Cho nên, tôi càng chăm chỉ viết bài, viết ngày đêm để kiếm nhuận bút, để giới thiệu bản thân đến khách hàng, và cũng được thỏa sức với nghề.
Làm được gì hay là tôi viết, tôi đúc rút kinh nghiệm, tôi mổ xẻ và rèn kĩ năng. Tôi đã viết bằng cả đam mê và đó là cách duy nhất để có thể tồn tại vì lúc đó không ai cho việc, không ai cho tiền, không ai cho danh. Ngòi bút và tâm huyết của tôi đã lan tỏa, do đó, web cũ, giao diện cũ đã có 5 triệu lượt truy cập. Nhiều bài viết hay, chân thật, giàu tính nhân văn đã làm cho bao người thâu đêm suốt sáng đọc từ bài nọ đến bài kia. Rồi tiếng lành đồn xa, tôi bắt đầu chủ động tìm kiếm được khách hàng. Đúng là trời không phụ lòng người, sự nghiệp Luật sư của tôi tiếng tăm bắt đầu từ nghiệp viết cho đến lúc có tiền đi thuê nhà để ở và làm văn phòng.
(Còn tiếp…..)
Những trang nhật ký tiếp theo sẽ được chúng tôi cập nhật trong thời gian tới, cảm ơn Quý độc giả đã xem. Hy vọng với những trang viết mộc mạc, giản dị này sẽ giúp các quý độc giả có thêm niềm tin và vững bước, quyết tâm trước những khó khăn, thử thách của cuộc đời.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi