Nhiều người nghe hai chữ “đòi nợ” là hình dung đến điều gì đó căng thẳng, đối đầu, thậm chí tiêu cực. Nhưng với tôi – người có hơn 15 năm làm công tác thi hành án và thu hồi nợ – thì đó là một nghề rất cần bản lĩnh, đạo đức và cái tâm. Là nghệ thuật ứng xử giữa người với người. Là bài học về thu phục nhân tâm, về sự mềm rắn tùy khách, tùy thời điểm.
Đòi nợ không đơn giản chỉ là lấy lại tiền, mà còn là nghệ thuật kết hợp giữa kỹ năng, tâm lý và sự tinh tế trong ứng xử.
1. Thu nợ không chỉ lấy tiền
Nhiều vụ việc, nếu chỉ chăm chăm đòi bằng được tiền, dễ làm sứt mẻ quan hệ, tổn thương danh dự hai bên. Trong khi nếu biết ứng xử khéo léo, giữ chữ tín, tạo điều kiện cho con nợ hợp tác, thì không chỉ thu được tiền, mà còn giữ được mối quan hệ, giữ được cái nghĩa – cái tình, thậm chí còn giúp họ vực dậy sau khó khăn.
Có lần, tôi chỉ cần gặp gỡ, phân tích phải trái, nhắc họ nghĩ đến uy tín bản thân, thì họ đã chủ động trả dần, không cần đến biện pháp pháp lý.
Người đi đòi nợ cần giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp với con nợ, tôn trọng họ dù đang có khó khăn. Đồng thời, nên hỗ trợ con nợ bằng các phương án trả góp hoặc giãn nợ phù hợp, tránh gây mất uy tín cho cả hai bên.
2. Hiểu người – chọn cách
Mỗi con nợ là một hoàn cảnh, một tính cách. Có người thực sự lâm vào cảnh khó khăn, không xoay xở nổi. Có người thì chây ì, né tránh, thậm chí coi thường chủ nợ. Đòi nợ không thể chỉ cứng hoặc chỉ mềm – phải biết chọn cách tiếp cận cho phù hợp.
Người có thiện chí, nên dùng lời nhẹ nhàng khuyến khích. Người cố tình trốn tránh, phải kiên quyết áp dụng các biện pháp pháp lý, có khi phải khởi kiện. Nhưng luôn giữ thái độ đúng mực, tuyệt đối không đe dọa, xúc phạm, vì thu được tiền mà mất nhân cách thì chẳng còn gì là nghề luật sư.
3. Lạt mềm buộc chặt – tạo áp lực hợp lý
Đừng tưởng lời nói mềm không có sức nặng. Đôi khi chính sự điềm đạm, kiên trì, phân tích đúng sai rõ ràng lại khiến đối phương phải tâm phục khẩu phục. Tôi vẫn hay nói: “Dọa khéo còn hơn làm thật.” Khi họ thấy được hậu quả, thấy sự kiên quyết nhưng hợp lý, họ sẽ chủ động tìm cách trả, để giữ danh dự và tránh rắc rối pháp lý.
Cứng quá, họ sợ rồi bỏ trốn. Mềm quá, họ lờ luôn. Chỉ khi đủ sức tạo áp lực, nhưng vẫn để họ một lối thoát, thì họ mới quay lại bàn thương lượng.
4. Bản lĩnh và văn hóa trong thu nợ
Người thu nợ phải kiên trì, giữ bình tĩnh, không bị áp lực làm mất phong thái. Luôn ứng xử văn hóa, không dùng bạo lực hay lời lẽ xúc phạm. Thu nợ còn là việc giữ gìn uy tín và đạo đức nghề nghiệp, xây dựng mối quan hệ bền vững cho tương lai.
Đòi nợ – thoạt nghe tưởng chỉ là chuyện tiền bạc, nhưng thực chất lại là một nghệ thuật tinh tế, đòi hỏi sự khéo léo, hiểu người, và tầm nhìn dài hạn. Đó là sự cân bằng giữa lý trí và cảm xúc, giữa nguyên tắc và linh hoạt, giữa việc bảo vệ quyền lợi và gìn giữ mối quan hệ. Một người làm tốt công việc thu hồi công nợ không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo dòng tiền, mà còn thể hiện bản lĩnh giao tiếp, khả năng thương thuyết và sự nhạy bén trong quản lý rủi ro.
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi