Trong nền kinh tế phát triển như hiện nay, nghĩa vụ bảo lãnh như một chiếc “phao cứu sinh” nhằm tăng cường bảo đảm với bên cho vay và củng cố lòng tin giữa các bên trong quan hệ giao dịch tài chính. Dưới tình huống rủi ro cao khi bên vay không còn tài sản thì bảo lãnh không chỉ là biện pháp bảo đảm an toàn mà còn là nền tảng duy trì sự ổn định và tin cậy cho cả hệ thống tài chính.
Thực tiễn từ một vụ án mà Văn phòng Luật sư Đồng Đội đang giải quyết. Công ty cổ phần A là bên vay, ngân hàng X là bên cho vay và anh T là bên bảo lãnh. Để công ty A tiếp cận vốn vay bổ sung thuận lợi, anh T, tổng giám đốc công ty đã đứng ra bảo lãnh cho khoản vay của công ty A. Thậm chí, do không đủ điều kiện, anh T còn mượn sổ đỏ của bà H và giữa hai bên có ký hợp đồng ủy quyền nên anh T có thể thế chấp quyền sử dụng đất cho ngân hàng X.
Tuy nhiên, công ty A đã không thực hiện đúng hạn nghĩa vụ thanh toán, dẫn đến khoản vay bị chuyển sang nợ quá hạn. Mặc dù đã nhiều lần cam kết, công ty A vẫn không thể trả toàn bộ khoản nợ cho ngân hàng X, dẫn đến tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa công ty A và ngân hàng X. Theo quy định, nếu bên vay không trả được nợ, bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trả thay. Do đó, nghĩa vụ bảo lãnh của anh T phát sinh, nhưng bên thế chấp là bà H lại không bàn giao tài sản bảo đảm. Bởi lẽ bà H đã cho anh T mượn sổ đỏ để vay tiền mà không hề biết rằng việc ký hợp đồng ủy quyền thế chấp quyền sử dụng đất cho anh T đã dẫn đến tài sản của bà H buộc phải bảo đảm cho khoản vay của công ty A. Trong vụ án này, hợp đồng ủy quyền thế chấp giữa anh T và bà H bị tuyên vô hiệu, khiến anh T không còn tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Vậy nghĩa vụ bảo lãnh là gì?
Xét theo chiều dài lịch sử, bảo lãnh là một trong những chế định bảo đảm truyền thống được ra đời từ rất sớm. Tại Việt Nam, chế định này được pháp điển hóa lần đầu tiên trong Quốc triều Hình luật (Bộ luật Hồng Đức) của thời kỳ phong kiến nhà Lê, theo điều 590 “Người vay nợ trốn mất, thì người đứng bảo lãnh phải trả thay tiền gốc thôi; nếu trong văn tự có nói người sẽ trả thay, thì người ấy phải trả như người mắc nợ, trái luật thì xử phạt 80 trượng; nếu kẻ mắc nợ có con thì được đòi ở con”.
Tới thời điểm hiện tại, pháp luật Việt Nam không chỉ kế thừa từ luật cổ mà cũng chịu ảnh hưởng lớn từ dân luật của Pháp, quy định khá rõ ràng về nghĩa vụ bảo lãnh. Từ Điều 335 đến Điều 343 trong Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 là cơ sở pháp lý chính để điều chỉnh các giao dịch bảo lãnh tại Việt Nam. Theo khoản 1, điều 335 của BLDS 2015, bảo lãnh là sự cam kết của người thứ ba (bên bảo lãnh) với bên có quyền (bên cho vay) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên vay) nếu bên này không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ khi đến thời hạn. Khi bên vay không còn tài sản, người bảo lãnh phải thực hiện toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ tài chính, tùy thuộc vào thỏa thuận và điều kiện của hợp đồng bảo lãnh.
Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (theo khoản 2, điều 336 của BLDS 2015)
Ngoài ra, người bảo lãnh có quyền truy thu khoản tiền đã thanh toán thay từ bên vay khi bên vay có tài sản hoặc thu nhập trong tương lai (theo điều 340, BLDS 2015). Điều này tạo ra sự công bằng và đảm bảo rằng bên bảo lãnh chỉ là người “cứu nguy” tạm thời, đồng thời khuyến khích bên vay có trách nhiệm hơn với các nghĩa vụ tài chính của mình.
Các loại bảo lãnh thường gặp
- Bảo lãnh tín dụng
Là hình thức bảo đảm tài chính mà một bên thứ ba (thường là ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm) đứng ra bảo lãnh cho khách hàng vay vốn từ tổ chức tài chính khác. Điển hình, bảo lãnh tín dụng cho khoản vay doanh nghiệp. Một doanh nghiệp nhỏ muốn vay vốn để mở rộng hoạt động, nhưng lại không có đủ tài sản thế chấp. Để giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, một tổ chức tài chính sẽ cung cấp bảo lãnh tín dụng giúp củng cố niềm tin của ngân hàng cho doanh nghiệp vay. Nếu doanh nghiệp không trả được nợ, tổ chức bảo lãnh sẽ đứng ra trả thay.
- Bảo lãnh thực hiện hợp đồng
Một bên đảm bảo đối tác sẽ hoàn thành hợp đồng, thường dùng trong các giao dịch xây dựng, thương mại. Khi một công ty xây dựng (bên nhận thầu) ký hợp đồng xây dựng một dự án nhà ở với chủ đầu tư, để bảo đảm công ty này thực hiện đúng cam kết về tiến độ và chất lượng công trình, chủ đầu tư yêu cầu bên nhận thầu cung cấp một chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác.
Trong trường hợp này, ngân hàng sẽ cam kết thanh toán một khoản tiền nhất định (thường là 2-10% giá trị hợp đồng theo khoản 4, Điều 68 Luật Đấu Thầu 2023) cho chủ đầu tư nếu bên nhận thầu vi phạm hợp đồng hoặc không hoàn thành công trình theo đúng thỏa thuận. Nếu bên nhận thầu gặp vấn đề về tài chính hoặc không thể tiếp tục dự án, chủ đầu tư có quyền yêu cầu ngân hàng bồi thường khoản tiền bảo lãnh này, giúp giảm thiểu rủi ro tài chính.
- Bảo lãnh thanh toán
Cam kết của bên bảo lãnh về việc thanh toán khi bên được bảo lãnh không trả đúng hạn, loại hình này thường dùng phổ biến trong các hoạt động bảo lãnh thanh toán quốc tế (letter of credit – L/C). Trong thương mại quốc tế, các doanh nghiệp xuất khẩu thường yêu cầu bảo lãnh thanh toán từ người mua. Ví dụ, một công ty xuất khẩu cà phê từ Việt Nam bán hàng cho một nhà nhập khẩu ở nước ngoài có thể yêu cầu bảo lãnh thanh toán. Trong trường hợp nhà nhập khẩu không thanh toán đúng hạn, bên bảo lãnh (thường là ngân hàng của nhà nhập khẩu) sẽ chi trả thay cho người mua, đảm bảo quyền lợi của công ty xuất khẩu.
Thách thức nào khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong tình huống bên vay không còn tài sản?
Dù đóng vai trò quan trọng, bên bảo lãnh cũng không tránh khỏi một số thách thức đáng kể khi bên vay mất khả năng thanh toán.
– Áp lực tài chính đối với bên bảo lãnh: Khi phải thực hiện nghĩa vụ bão lãnh theo thỏa thuận hợp đồng, bên bảo lãnh sẽ phải đối diện với áp lực tài chính rất lớn, đặc biệt nếu nghĩa vụ tài chính đó có giá trị cao. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của chính bên bảo lãnh, nhất là đối với một tổ chức tài chính. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của các bên, bên bảo lãnh có thể xem xét tái cơ cấu tài chính để tạo nguồn lực đảm bảo cho nghĩa vụ bảo lãnh. Việc này bao gồm vay vốn bổ sung, chuyển đổi tài sản không thanh khoản thành thanh khoản, hoặc thậm chí hợp tác với bên thứ ba để hỗ trợ tài chính. Mặt khác, bên bảo lãnh cần tham khảo ý kiến pháp lý để hiểu rõ các quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng bảo lãnh. Một luật sư có thể đưa ra giải pháp phù hợp để đảm bảo quyền lợi của bên bảo lãnh, giúp tránh được các rủi ro pháp lý khi đối mặt với áp lực tài chính.
– Rủi ro truy thu khó khăn: Sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay, người bảo lãnh có quyền truy thu từ bên vay. Tuy nhiên, việc này thường gặp khó khăn khi bên vay không còn tài sản hoặc thu nhập trong tương lai. Rủi ro này có thể dẫn đến tổn thất tài chính cho bên bảo lãnh và làm giảm hiệu quả của biện pháp bảo lãnh. Do đó, bảo hiểm tín dụng là một công cụ tài chính hữu ích nhằm khắc phục tình trạng khi bên vay không còn tài sản diễn ra. Lúc này công ty bảo hiểm sẽ chi trả một phần khoản nợ cho bên bão lãnh. Thực tế, với các quy định hiện hành hiện nay, có nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn cho bên bảo lãnh trước khi đứng ra bảo lãnh do chỉ đảm bảo thu hồi nợ đối với bên bảo lãnh mà thiếu đi trách nhiệm liên đới để đảm bảo quyền lợi của các bên, tức là yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản áp dụng cho cả hai bên.
– Hạn chế trong các biện pháp cưỡng chế thi hành: Nếu bên vay không có khả năng thanh toán dài hạn hoặc phá sản, khả năng truy thu sẽ rất thấp, và nghĩa vụ bảo lãnh trở thành gánh nặng tài chính cho bên bảo lãnh. Trong một số trường hợp, các biện pháp cưỡng chế thi hành án hoặc tuyên bố phá sản cũng không thể giúp giải quyết toàn bộ vấn đề, gây ra rủi ro cho cả bên bảo lãnh và hệ thống tài chính.
Các bước xử lý của bên nhận bảo lãnh khi nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh
Trong trường hợp bên vay không còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ bảo lãnh sẽ phát sinh để bảo vệ quyền lợi của bên cho vay (bên nhận bảo lãnh). Khi đó, bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ thay cho bên vay theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo lãnh.
Dưới đây là các bước và biện pháp mà bên nhận bảo lãnh có thể thực hiện như sau:
Bước 1: Yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ
– Bên nhận bảo lãnh (thường là ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng) có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán toàn bộ hoặc phần còn lại của khoản nợ thay cho bên vay.
– Bên bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thanh toán này theo các điều kiện đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo lãnh
Bước 2: Bên bảo lãnh có quyền truy thu từ bên vay
Sau khi đã thanh toán khoản nợ cho bên nhận bảo lãnh, bên bảo lãnh sẽ trở thành chủ nợ của bên vay và có quyền yêu cầu bên vay hoàn trả lại số tiền mà mình đã thanh toán thay. Nếu bên vay không có tài sản ngay lập tức, bên bảo lãnh có thể thực hiện quyền truy thu khi bên vay có khả năng tài chính trong tương lai hoặc thông qua thủ tục thi hành án khi bên vay phát sinh thu nhập hoặc tài sản sau này.
Bước 3: Trường hợp cả bên bảo lãnh và bên vay đều không còn khả năng thanh toán
Nếu cả bên vay và bên bảo lãnh đều không có khả năng thanh toán (mất khả năng chi trả), bên cho vay có thể đối diện với rủi ro mất mát khoản nợ. Trong trường hợp này, bên cho vay có thể yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản đối với bên vay (nếu là doanh nghiệp), hoặc thực hiện thủ tục thi hành án để kê biên tài sản của bên bảo lãnh (nếu có).
Bước 4: Xử lý nợ xấu
Nếu bên nhận bảo lãnh là một tổ chức tín dụng, khoản nợ này có thể được xếp vào nhóm nợ xấu và sẽ được xử lý theo quy trình quản lý nợ xấu, bao gồm việc bán nợ cho các công ty quản lý tài sản, sử dụng các quỹ bảo hiểm tín dụng hoặc các giải pháp pháp lý khác.
Bước 5: Thỏa thuận thanh lý tài sản hoặc miễn giảm nợ (nếu áp dụng)
Trong một số trường hợp, bên nhận bảo lãnh và bên bảo lãnh có thể thỏa thuận về việc thanh lý hoặc giảm nhẹ một phần nghĩa vụ nếu việc truy thu không khả thi hoặc kéo dài quá lâu. Mặt khác, nếu bên bảo lãnh vẫn có một số tài sản khác, bên cho vay có thể yêu cầu tòa án kê biên tài sản của bên bảo lãnh để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán.
Nhìn chung, nghĩa vụ bảo lãnh giúp cân bằng quyền và nghĩa vụ trong các giao dịch tài chính. Bên cho vay có được sự bảo đảm vững chắc hơn, trong khi bên vay có được sự hỗ trợ cần thiết, giúp họ tiếp cận được nguồn vốn hoặc các nguồn lực cần thiết khác. Đây là yếu tố then chốt giúp kích thích các hoạt động kinh doanh, đầu tư, và tiêu dùng trong nền kinh tế.
Giang An – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
SDT: 0818383886
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi