Thuật ngữ “chứng minh” dùng để chỉ dạng hoạt động phổ biến của con người trong đời thường như chứng minh khi tranh luận trong các cuộc hội thảo, chứng minh khi phát biểu bảo vệ quan điểm trên các diễn đàn nhằm “làm cho thấy rõ là có thật, là đúng bằng sự việc hoặc lý lẽ, dùng suy luận logic vạch rõ một điều gì đó là đúng”.
Trong tố tụng dân sự (TTDS), chứng minh cũng là một dạng hoạt động tố tụng, cụ thể là hoạt động sử dụng chứng cứ với mục đích tái hiện lại trước Tòa án vụ việc dân sự đã xảy ra trong quá khứ một cách chính xác và tỉ mỉ nhất có thể. Qua đó Tòa án có thể xác định có hay không có các sự kiện, tình tiết khách quan, làm cơ sở cho yêu cầu hay phản đối của các bên đương sự trong vụ việc dân sự. Chứng minh trong tố tụng dân sự vừa là quyền vừa là nghĩa vụ, kể từ khi bắt đầu khởi kiện, nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn đã được đặt ra. Vấn đề chứng minh trong Tố tụng dân sự gồm: thu thập chứng cứ, công khai chứng cứ, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ, tình tiết, sự kiện khách quan để tranh luận. Đối tượng chứng minh là những tình tiết, những vấn đề cần phải làm rõ trong quá tình giải quyết vụ việc dân sự. Đối tượng chứng minh được chia làm 2 loại: những tình tiết thuộc về nội dung, bản chất của vụ án và những tình tiết khác của vụ án dân sự.
Ví dụ : Anh A và chị B kết hôn năm 2009, có 2 con một trai một gái, đều chưa đủ 18 tuổi. Trong quá trình chung sống, anh A phát hiện chị B có nhân tình, hai vợ chồng đã xảy ra mâu thuẫn dẫn tới việc muốn ly hôn. Anh A khởi kiện chị B ra tòa vì chị B đã ngoại tình trong thời kỳ hôn nhân. Anh A muốn được chia phần lớn tài sản vì anh A là người đi làm và chị B chỉ ở nhà nội trợ, đồng thời muốn tranh giành quyền nuôi con trai.
Trong trường hợp này, do anh A muốn kiện chị B vì chị B vi phạm chế độ một vợ một chồng, chung sống như vợ chồng với người khác trong thời kỳ hôn nhân của hai người nên anh A có nghĩa vụ phải chứng minh rằng chị B đã ngoại tình có thể bằng ghi âm, ghi hình, hình ảnh hay bất kỳ tài liệu, chứng cứ có thể. Tòa án sẽ dựa theo chứng cứ anh A cung cấp để xác định có hay không sự việc chị B ngoại tình trong thời kỳ hôn nhân.
Tuy nhiên, có những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015:
Điều 92. Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh
- Những tình tiết, sự kiện sau đây không phải chứng minh:
- Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận;
- Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật;
- Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp.
2. Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh.
3. Đương sự có người đại diện tham gia tố tụng thì sự thừa nhận của người đại diện được coi là sự thừa nhận của đương sự.
Ví dụ, một bên trình bày rằng họ đã kết hôn và xuất trình giấy chứng nhận kết hôn. Trong trường hợp này, giấy chứng nhận kết hôn là căn cứ pháp lý và không cần chứng minh thêm.
- Nghĩa vụ chứng minh trong Tố tụng dân sự
Nghĩa vụ chứng minh của đương sự trong TTDS có thể hiểu là những hành vi mà đương sự bắt buộc phải thực hiện theo quy định của BLTTDS để chứng minh cho yêu cầu hay phản đối yêu cầu của các bên đương sự, trong trường hợp đương sự không thực hiện nghĩa vụ chứng minh thì phải chịu những hậu quả bất lợi theo quy định của BLTTDS.
Về nguyên tắc thì Tòa án không có nghĩa vụ chứng minh mà nghĩa vụ chứng minh trước hết thuộc về đương sự. Đương sự là đối tượng chính trong vụ việc, có điều kiện cung cấp các thông tin về vụ việc và nguồn gốc của nó. Đương sự có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vụ việc dân sự nên họ sẽ quan tâm và tìm mọi biện pháp để khẳng định yêu cầu đó là có cơ sở. Tuy nhiên để giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự thì Tòa án vẫn cần xác định xem cần phải chứng minh, làm rõ những tình tiết sự kiện nào, các chứng cứ, tài liệu đã đủ chưa. Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập chứng thì Tòa án có thể tiến hành các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ theo Điều 97 BLTTDS.
Thứ nhất, đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người bị yêu cầu theo khoản 1 điều 91 BLTTDS 2015:
“1. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
b) Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án.
Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động;
c) Các trường hợp pháp luật có quy định khác về nghĩa vụ chứng minh.”
Thứ hai, đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó.
Thứ ba, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ tư, đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được thêm những chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc.
Ví dụ, trong các vụ án chia thừa kế, nếu một bên đương sự cố tình làm giả chứng cứ là bản di chúc thì bên khởi kiện phải có nghĩa vụ thu thập chứng cứ,.. chứng minh được rằng bên bị đơn cố tình làm giả bản di chúc thì Tòa án mới có thể căn cứ vào chứng cứ đó để chấp nhận yêu cầu của bên khởi kiện.
- Về thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn
Khi nguyên đơn cho rằng quyền lợi bị xâm phạm thì nguyên đơn phải có chứng cứ, chứng minh mối quan hệ biện chứng, nhân quả giữa hành vi xâm phạm và quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng/thiệt hại. Ngay khi khởi kiện, chưa cần Tòa án thụ lý vụ án thì nguyên đơn đã có thể chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp từ thời điểm nộp đơn khởi kiện như quy định tại khoản 1 Điều 6 của BLTTDS.
Ví dụ: Nguyên đơn A khởi kiện đối với bị đơn B về hợp đồng tín dụng thì kèm theo đơn khởi kiện nguyên đơn A đã cung cấp các chứng cứ về giao kết hợp đồng và giải ngân các khoản vay, đồng thời cũng chứng minh việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán của bị đơn. Như vậy, nguyên đơn đã chứng minh được 2 vấn đề ngay từ thời điểm khởi kiện đó là: Sự kiện pháp lý xảy ra là có thật và việc vi phạm nghĩa vụ cũng là thật.
Về thời điểm kết thúc nghĩa vụ chứng minh, “thời điểm kết thúc nghĩa vụ chứng minh cố định” tức là khi Tòa án có “Quyết định đưa vụ án ra xét xử” khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án từ nhiều nguồn chứng cứ khác nhau để đưa ra quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Do đó thời điểm kết thúc nghĩa vụ chứng minh thông qua việc cung cấp tài liệu chứng cứ được giới hạn bởi thời điểm Tòa án ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử và tại phiên tòa sơ thẩm cũng các giai đoạn tiếp theo của việc giải quyết vụ án với điều kiện nguyên đơn cũng như đương sự khác chứng minh được việc họ chậm giao nộp theo yêu cầu là có lý do chính đáng. Nếu các trường hợp cần chứng minh không phải quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời điểm kết thúc nghĩa vụ chứng minh phải tuân theo Điều 96 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Điều này có nghĩa là thời điểm kết thúc phải luôn luôn cố định.
- Hệ quả của đương sự khi không thực hiện nghĩa vụ chứng minh
Nghĩa vụ chứng minh là trách nhiệm cung cấp bằng chứng để chứng minh cho một yêu cầu, lời khẳng định hoặc lập luận của đương sự trong một vụ việc. Khi không thực hiện nghĩa vụ chứng minh, đương sự có thể sẽ có một số hệ quả pháp lý.
Thứ nhất, không đạt được yêu cầu khởi kiện hoặc phản tố. Theo nguyên tắc “ai yêu cầu thì phải chứng minh”, nếu bên yêu cầu (nguyên đơn hoặc bị đơn có yêu cầu phản tố) không cung cấp đủ bằng chứng để chứng minh yêu cầu của mình, tòa án có thể bác bỏ yêu cầu đó.
Thứ hai, Tòa án có thể ra quyết định theo hướng bất lợi cho bên không thực hiện nghĩa vụ chứng minh, dựa trên các chứng cứ có trong hồ sơ.
- Những hạn chế về nghĩa vụ chứng minh của đương sự
Theo quy định pháp luật, khi đương sự không thu thập được chứng cứ và có đơn yêu cầu thì Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ thu thập chứng cứ theo Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự. Mục đích, sự hỗ trợ của Tòa án trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự nhằm bảo đảm các yếu tố khách quan và có thể hạn chế những hậu quả bất lợi cho đương sự trong trường hợp họ không thể thực hiện nghĩa vụ chứng minh.
Việc phân định đâu là nghĩa vụ chứng minh của đương sự, đâu là trách nhiệm hỗ trợ của Tòa án khi có đương sự yêu cầu là cần thiết. Bởi vì, trong tố tụng dân sự, nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp thuộc về đương sự, còn Tòa án chỉ có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong một số trường hợp.
Như vậy, khi nguyên đơn đưa ra một yêu cầu khởi kiện thì nguyên đơn phải là người có nghĩa vụ chứng minh đầu tiên, sau đó đến bị đơn có yêu cầu phản tố theo quy định tại Điều 200 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì mới phải chứng minh. Nghĩa vụ chứng minh của bên đưa ra yêu cầu đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan và là một trong những căn cứ để đưa vụ án ra xét xử, đồng thời cần được hiểu theo cách phổ quát như đã phân tích nêu trên để từ đó các bên đương sự nhận thức đúng đắn về quyền và nghĩa vụ của mình để thực hiện việc tranh tụng làm sáng tỏ vụ án.
Ngô Chi – Thực tập sinh Văn phòng Luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi