Hiện nay, nhiều vụ án giết người bằng cách đầu độc xyanua đã gây rúng động dư luận bởi sự tàn nhẫn, mất nhân tính của người phạm tội. Chẳng hạn như vụ Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) là nghi phạm sử dụng xyanua đầu độc khiến 3 người thân (chồng và 2 cháu) tử vong và bị tình nghi liên quan tới 2 trường hợp tử vong khác là cha ruột và con trai Bích. Hay vụ việc nữ sinh Tống Thị Tùng Linh (21 tuổi, ngụ TP.Bà Rịa) đã dùng chất độc xyanua để đầu độc cha ruột rồi giấu xác, sau đó đốt nhà tạo hiện trường giả.
(Xem chi tiết vụ việc tại:
Trước liên tiếp các vụ giết người sử dụng thủ đoạn đầu độc bằng xyanua, bên cạnh trách nhiệm hình sự của người phạm tội, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ công chúng đó là: Lượng lớn xyanua mà người phạm tội sở hữu đến từ đâu? Người bán xyanua có phải chịu trách nhiệm hay không và nếu có phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Mặc dù xyanua được xếp vào loại chất cực độc có thể gây chết người dù chỉ một lượng rất nhỏ, tuy nhiên, căn cứ Nghị định 113/2017/NĐ-CP, xyanua không thuộc loại hàng hóa cấm kinh doanh mà thuộc loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện, do đó, loại hóa chất độc này có thể được mua bán nếu thực hiện đầy đủ các quy định nghiêm ngặt.
Trách nhiệm của người bán hóa chất độc được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 14, 15 Luật hóa chất 2007, cá nhân, tổ chức kinh doanh hóa chất độc phải đáp ứng các điều kiện về chuyên môn sử dụng, cơ sở vật chất – kĩ thuật, cũng như bảo đảm an toàn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh trong trường hợp pháp luật quy định.
Đồng thời, trong việc thực hiện giao dịch mua bán hóa chất độc, người bán cần phải tuân thủ các quy định về phiếu kiểm soát theo Điều 23 Luật hóa chất 2007. Cụ thể, theo quy định này, người bán phải xác nhận, lưu giữ phiếu kiểm soát ít nhất 5 năm và phải xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, theo khoản 2 Điều 23 Luật này, phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc bao gồm các thông tin về tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng; tên, chữ ký của người mua, người bán; địa chỉ, số Giấy chứng minh nhân dân của người đại diện bên mua và bên bán; ngày giao hàng.
Theo quy định pháp luật, trách nhiệm của người bán xyanua gây chết người được xác định như thế nào ?
Người bán chịu trách nhiệm đối với hành vi kinh doanh của mình. Trường hợp có hành vi vi phạm, người bán phải chịu trách nhiệm pháp lý tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi trái pháp luật đó.
Thứ nhất, cần xác định ý chí chủ quan của người bán khi bán hóa chất độc. Trường hợp người bán biết rõ về ý định giết người của người mua hóa chất độc và vẫn thực hiện hành vi bán chất độc cho người đó thì khi xảy ra hậu quả chết người do đầu độc xyanua, người bán được xác định là đồng phạm tội giết người theo Điều 17 Bộ luật hình sự 2015. Nếu người bán không biết về động cơ, mục đích giết người của người mua hóa chất thì khi xảy ra hậu quả chết người do đầu độc bằng xyanua, người bán hóa chất không bị xem xét là đồng phạm tội giết người.
Thứ hai, nếu người bán hóa chất không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thì người bán được xác định phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc theo Điều 317 Bộ luật hình sự 2015.
Ngoài ra, trường hợp người bán không biết về động cơ, mục đích giết người của người mua và có đầy đủ giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thì cần xem xét người bán thực hiện giao dịch mua bán hóa chất đã đáp ứng yêu cầu thủ tục về phiếu kiểm soát hay chưa. Căn cứ Điều 21 Nghị định số 71/2019/NĐ-CP, nếu bên bán không xác nhận phiếu kiểm soát hoặc phiếu kiểm soát không có đầy đủ các thông tin theo quy định thì sẽ bị xử phạt 100.000 – 300.000 đồng. Trường hợp mua bán hóa chất độc không có phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc, mức phạt là phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Thực trạng xử lý trách nhiệm pháp lý của người bán xyanua gây chết người diễn ra như thế nào?
Mặc dù pháp luật đã quy định chi tiết việc xử lý trách nhiệm của người bán xyanua trong các trường hợp cụ thể như trên, tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm của người bán xyanua trên thực tế vẫn còn bị bỏ ngỏ ngay cả khi đã xảy ra nhiều vụ án giết người bằng xyanua gây bức xúc, nhức nhối. Điều này cho thấy sự thiếu nghiêm minh trong việc thực thi pháp luật, đi ngược lại nguyên tắc thượng tôn pháp luật của nhà nước.
Sự lỏng lẻo trong việc quản lý, giám sát giao dịch mua bán, phân phối hóa chất độc cũng như không thực thi nghiêm ngặt các chế tài xử phạt đã dẫn đến tình trạng hóa chất độc trở nên dễ dàng tiếp cận, trở thành công cụ phạm tội đắc lực. Trong khi đó, những mâu thuẫn, tranh chấp luôn tiềm ẩn trong mỗi gia đình, ngay cả những tranh chấp cãi vã nhỏ nhặt có thể khiến thành viên trong gia đình nảy sinh ý định phạm tội và thực hiện hành vi phạm tội.
Trong trạng thái bị kích động mạnh mà lại dễ dàng có được công cụ phạm tội là một điều vô cùng nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người, đến an toàn, trật tự xã hội.
Chừng nào công tác thực thi pháp luật còn thiếu nghiêm minh, trách nhiệm của người bán xyanua còn chưa được xử lý triệt để, thì sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những vụ án đầu độc thương tâm, tính mạng, sức khỏe con người luôn bị đe dọa.
Do đó, cần thiết phải đẩy mạnh công tác xây dựng chế tài xử phạt đối với người bán xyanua, đặc biệt là chế tài vi phạm hành chính. Mức xử phạt hành chính do vi phạm thủ tục về phiếu kiểm soát chỉ từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng, trong khi hành vi vi phạm này tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người. Cơ quan có thẩm quyền cần có sự đánh giá chính xác, đầy đủ để điều chỉnh mức xử phạt phù hợp cho hành vi này.
Đồng thời, công tác thực thi chế tài đối với người bán xyanua phải được thực hiện nghiêm minh. Trường hợp người bán xyanua có dấu hiệu phạm tội, cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành điều tra, xác minh rõ để truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người đúng tội, đảm bảo tính răn đe, giữ gìn an toàn, trật tự xã hội.