Kháng cáo là thủ tục được thực hiện sau khi có bản án, quyết định của Tòa cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Do không đồng ý bản án sơ thẩm nên các đương sự gửi đơn kháng cáo để yêu cầu xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Vậy, người kháng cáo vắng mặt hai lần bị đình chỉ đình chỉ giải quyết vụ án?
Căn cứ tại khoản 2, 3 Điều 296 BLTTDS 2015 quy định về việc hoãn phiên tòa phúc thẩm, cụ thể:
* Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất:
Người kháng cáo, người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.
*Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai:
Người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt thì bị coi như từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của người đó, trừ trường hợp người đó đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.
Trường hợp người kháng cáo vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Trường hợp có nhiều người kháng cáo, trong đó có người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt nhưng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì coi như người đó từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Trong phần quyết định của bản án, Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt đó.
Người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị và những người tham gia tố tụng khác đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 312 BLTTDS 2015 về việc đình chỉ xét xử phúc thẩm, khi người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà không có mặt theo quy định tại khoản 3 Điều 296 của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án có người khác kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Do đó, nếu người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm và không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì được coi là từ bỏ việc kháng cáo, Tòa án sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của người đó. Trong trường hợp người kháng cáo vắng mặt do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Như vậy, việc người kháng cáo đã được tòa triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt, không có đơn xin xét xử vắng mặt thì Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm./.
Người viết: Lê Thanh Bình – Văn phòng luật sư Đồng Đội
___
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi