Mạng xã hội đang trở thành một trong những kênh giao tiếp, công cụ truyền thông, giải trí thông dụng của nhiều người. Theo thống kê của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2018, Việt Nam có 55 triệu người dùng mạng xã hội. Tới năm 2020, con số này đã tăng lên 72 triệu người. Thời gian sử dụng mạng xã hội trung bình trong một ngày của mỗi người là 2 giờ 21 phút. Các mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay là Youtube, Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok…
Bên cạnh rất nhiều tiện ích vượt trội, mạng xã hội cũng là “con dao hai lưỡi”, nơi lan truyền nhiều thông tin tiêu cực, sai lệch, nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa, thậm chí là vi phạm pháp luật. Nhiều người sử dụng mạng xã hội để thực hiện những mục đích xấu, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức, gây bức xúc cho xã hội, dẫn đến không ít hệ luỵ khôn lường. Sự phát triển nhanh chóng, khó kiểm soát của mạng xã hội cũng mang lại nhiều tác động xấu tới những giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc, đòi hỏi cần có giải pháp quản lý kịp thời.
PV: Tối 22/6, bản tin VTV24 đã lấy ví dụ về một số ca sĩ, diễn viên, người mẫu có phát ngôn chưa chuẩn mực liên quan tới chủ đề “Giải pháp nào dọn “rác” trên mạng?”. Phóng sự đã nhấn mạnh, vòng xoáy phát ngôn gây thù ghét còn cuốn theo những người nổi tiếng, trong đó có một ca sĩ thần tượng rất quen mặt với khán giả, nam diễn viên từng ghi dấu ấn với nhiều phim truyền hình…
Vì lộng ngôn, hành xử vô văn hóa trên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận mà đã có không ít những nghệ sĩ phải nhận “trái đắng”.
Thưa luật sư Trần Xuân Tiền. Ông có suy nghĩ như thế nào về câu chuyện những phát ngôn gây tranh cãi của người nổi tiếng trên mạng xã hội? Đặc biệt là đặt trong bối cảnh cả nước đang phải căng mình chống dịch như hiện nay mà lại có những phát ngôn thiếu suy nghĩ, thậm chí vô căn cứ về hoạt động phòng, chống dịch bệnh từ phía một số nghệ sĩ nổi tiếng?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Bên cạnh những mặt tốt đẹp, mạng xã hội đang phơi bầy những góc khuất, mảng màu đen tối. Phát ngôn là quyền của mỗi người nhưng khi đã phát ngôn trên không gian mạng thì không còn là câu chuyện cá nhân. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến việc dùng mạng xã hội để kích động, tẩy chay và trả đũa nhau khốc liệt đến vậy. Chưa bao giờ văn hóa ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội lại đáng báo động như hiện nay.
Trước hết chúng ta phải lên án những phát ngôn lệch chuẩn của một số nghệ sĩ trên mạng xã hội. Đừng nghĩ rằng, là người nổi tiếng, được nhiều người biết đến, nhiều người tung hô, thì muốn nói năng, hành xử sao cũng được. Càng là người nổi tiếng, càng phải rèn luyện để giữ gìn hình ảnh cá nhân nhiều hơn.
Người nổi tiếng hay người bình thường ai cũng có những cảm xúc riêng muốn được giãi bày, chia sẻ lên trang cá nhân của mình. Tuy nhiên, người nổi tiếng có rất nhiều người quan tâm, thần tượng, vậy nên đôi khi chỉ cần một câu nói của họ cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý đám đông. Đó cũng là điều khiến cho người nghệ sĩ lúc nào cũng phải suy nghĩ cẩn trọng trước khi đăng tải, phát ngôn một điều gì đó.
Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid đang diễn biến phức tạp như hiện nay, mọi phát ngôn sai trái liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch đều là hành vi vi phạm. Những người dân bình thường có phát ngôn sai sự thật đã không thể chấp nhận được thì với người có tiếng nói trong xã hội thì lại càng đáng trách, đáng bị lên án.
PV: Với những phát ngôn gây sốc, hay những quan điểm mang tính kích động, nhiều người nổi tiếng đã bị xử phạt hành chính vì phát ngôn không phù hợp thuần phong mỹ tục, thậm chí là chửi bậy trên facebook. Lí giải cho điều này, phải chăng họ đang cho rằng facebook là trang cá nhân nên được tự ý thể hiện quan điểm cũng như cách hành xử?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Trong thời đại công nghệ số, nghệ sĩ có nhiều cơ hội để tương tác với khán giả một cách gần gũi hơn. Đó là nhờ các mạng xã hội. Thông qua những kênh này, các nghệ sĩ hoàn toàn có thể bày tỏ các quan điểm cá nhân, trò chuyện cùng người hâm mộ. Nhưng tuy nhiên, mạng xã hội cũng là con dao hai lưỡi nếu như nghệ sĩ đó không kiểm soát được cảm xúc, không ý thức được trách nhiệm với những phát ngôn của mình trước công chúng.
Tôi nghĩ, có nhiều nguyên nhân khiến một số nghệ sĩ lộng ngôn trên mạng. Trong đó có một phần xuất phát từ bản tính nghệ sĩ. Đối với các nghệ sĩ, để có thể sáng tạo, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có nét riêng, cái tôi cá nhân của nghệ sĩ rất lớn, nhiều lúc họ cũng thể hiện bản thân mình nhiều hơn. Cũng có người vì thiếu kinh nghiệm, chưa biết cách ứng xử trên môi trường mạng, và cũng vì chưa có bộ quy tắc ứng xử để điều tiết hành động nên họ lúng túng trong việc nói gì, viết gì, đưa hình gì lên trên mạng xã hội. Còn một số người khác thì lợi dụng câu chuyện, những thông tin giật gân để tạo ra sự quan tâm, muốn được chú ý nhiều hơn. Họ muốn gây dựng tên tuổi bằng scandal, phát ngôn gây sốc…
Nghệ sĩ nói riêng và người nổi tiếng nói chung có sức ảnh hưởng nhất định đến xã hội nên phát ngôn luôn phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng. Họ cần ý thức rằng mạng xã hội là phương tiện truyền thông xã hội thay vì chỉ là “chơi Facebook”. Tài khoản Facebook cá nhân không đơn giản chỉ là cá nhân vì nó mang tính cộng đồng nếu đăng tải ở chế độ công khai. Do đó, bản thân người viết hay sẻ chia những thông tin công khai phải chịu trách nhiệm trước những phát ngôn đó, đặc biệt là người của công chúng. Tài khoản mạng xã hội là nơi dư luận hướng vào họ, bất kỳ động thái nào của người nổi tiếng trên mạng xã hội đều mặc nhiên hiểu là hướng đến đám đông.
Hiểu đúng bản chất của mạng xã hội, người nổi tiếng sẽ không nói rằng: “Facebook là nơi riêng tư của tôi”. Một câu nói đùa giỡn, chia sẻ bông đùa trên Facebook cá nhân của nghệ sĩ – những điều tưởng chừng là rất “riêng tư” cũng sẽ trở thành “của chung”. Việc nghệ sĩ được hàng ngàn, hàng triệu đôi mắt dõi theo, đồng nghĩa với việc hành động, phát ngôn của họ có sức nặng và tác động tới từng đó con người. Lời họ nói, điều họ làm, tất cả đều sẽ trở thành chủ đề bàn luận. Do đó, nghệ sĩ không chỉ tuỳ hứng thoả mãn cái tôi của mình mà còn phải nghĩ đến trách nhiệm với những gì bản thân phát ngôn.
Mỗi một lời nói ra, nghiễm nhiên sẽ tác động tích cực hoặc tiêu cực đến rất nhiều người. Đó là quyền lợi, nhưng cũng đặt ra cho người sử dụng một trách nhiệm rất lớn từ chính cách hành xử, phát ngôn. Mạng không còn là ảo, một thao tác đăng tải có thể đánh đổi bằng quyết định xử phạt hành chính và thiệt hại về uy tín trong mắt khán giả.
Nghệ sĩ hay người bình thường khi dùng mạng xã hội đều phải cân nhắc phát ngôn của mình. Muốn nổi bật trong showbiz, bên cạnh tài năng người nghệ sĩ còn cần cá tính riêng biệt không trộn lẫn, thế nhưng, cá tính thế nào cũng là yếu tố phải chọn lọc kỹ lưỡng. Các quy định pháp luật được áp dụng chung, do đó ai vi phạm cũng sẽ bị xử phạt.
– PV: Nhiều người nổi tiếng hiện nay đang lạm dụng quyền tự do được bày tỏ quan điểm trên không gian mạng để phát ngôn tùy tiện, xúc phạm danh dự, bôi nhọ người và tổ chức khác. Trên mạng xã hội, những người trẻ, người hâm mộ đang xem họ là thần tượng thì theo ông, sự ảnh hưởng và hệ lụy từ những phát ngôn “gây sốc” ấy như thế nào?
Với sự phát triển của mạng xã hội, sức ảnh hưởng của người nghệ sĩ ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh những người nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật chân chính, thời gian gần đây, vài cái tên bỗng trở thành tâm điểm khi vô tư nói tục, đăng ảnh có phát ngôn phản cảm lên mạng xã hội thu hút đông đảo sự chú ý của cộng đồng mạng.
Thói thường tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa, việc tốt chưa chắc được biết đến rộng rãi nhưng những chuyện xấu luôn gây xôn xao nhanh chóng. Với sức ảnh hưởng của người nổi tiếng, khả năng tác động còn mạnh mẽ hơn gấp bội.
Nghệ sĩ có lượng người hâm mộ rất lớn, nhất là giới trẻ – họ thậm chí còn thường xuyên học và làm theo thần tượng. Thế nên, những nghệ sĩ có lối sống, phát ngôn, suy nghĩ lệch lạc, sẽ tác động rất tiêu cực đến đời sống xã hội, đặc biệt là đến nhận thức và hành động của giới trẻ.
Những phát ngôn tiêu cực, thiếu chuẩn mực đó vô tình khiến một bộ phận giới trẻ hùa theo “thần tượng”, cổ súy cho thói quen dùng ngôn ngữ thô tục, đại ca giang hồ, coi thường đạo đức và xúc phạm nét đẹp của tiếng Việt, coi thường người nghe. Khi giới trẻ theo tâm lý đám đông, ban đầu “ủng hộ thần tượng”, đến lúc bị cuốn vào cổ súy cho những hành vi sai trái đó lúc nào không hay. Từ suy nghĩ dẫn đến hành động, hành động tạo ra thói quen, thói quen buông tuồng, tục tĩu sẽ tạo ra những công dân có nhân cách méo mó, dễ sa đọa và thỏa hiệp với cái xấu. Hệ lụy sẽ rất khó lường.
– PV: Thưa Luật sư, ông đánh giá như thế nào về việc thay vì “dẹp loạn”, những phát ngôn hay livestream có ngôn từ bậy bạ, tục tĩu, thậm chí có phần thiếu suy nghĩ của người nổi tiếng lại được tung hô, thậm chí còn rất thu hút, có lượt tương tác, chia sẻ nhiều?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Rất dễ để nhận thấy rằng việc tổ chức những livestream và có thông báo trước với người xem để phát đi các nội dung công kích, xúc phạm người khác rộ lên ở Việt Nam thời gian gần đây.
Nguyên nhân dẫn đến những phát ngôn, livestream có ngôn từ tục tĩu, bậy bạ chính là từ sự tung hô ảo của nhiều người theo dõi. Khi được tán dương, tung hô, một số người nổi tiếng ảo tưởng, ngộ nhận về danh tiếng, bản thân.
Phía những đối tượng tung hô có không ít kẻ tò mò, thích nghe và muốn biết những câu chuyện đời tư nghệ sĩ, đằng sau hậu trường nhân vật showbiz, cho nên sẽ sẵn sàng tán dương, tung hô các nghệ sĩ này bất chấp những nội dung livestream có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật.
Trong đó, có người chỉ cần nắm bắt hời hợt một vấn đề, chưa rõ sự tình đã nhảy vào bình luận hay lan truyền thông tin không chính xác theo cách rất dễ gây tổn thương, xúc phạm người khác.
Theo tôi, cần phải xem xét trách nhiệm của các mạng xã hội, đã để lọt những nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của họ. Đối với các nội dung như vậy cơ quan chức năng nên mạnh tay xử lý.
– PV: Thưa Luật sư, ông có suy nghĩ gì về những thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội hiện nay? Pháp luật nước ta đã có những chế tài gì đối với hành vi đưa những thông tin bịa đặt, không có căn cứ, mang tính bôi nhọ, xúc phạm cá nhân, tổ chức lên mạng xã hội?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Thông tin chia sẻ trên mạng xã hội có tốc độ tán phát rất nhanh, thu hút hàng trăm nghìn lượt người theo dõi, chia sẻ, bình luận, gây tác động rất lớn đối với đời sống xã hội, đặc biệt là những thông tin sai sự thật, thông tin giả.
Theo phân tích của các chuyên gia, tin giả trên mạng xã hội thường được tán phát bởi hai nhóm chính: Nhóm thứ nhất là những người hiểu biết hạn chế về pháp luật, cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm, do đó, họ đưa tin không kiểm chứng để nhằm mục đích câu like, câu views, tăng tương tác để đánh bóng tên tuổi, bán hàng online; Nhóm thứ hai là những người cố tình đưa thông tin để gây hoang mang cho người khác nhằm phá hoại, gây mất ổn định trật tự xã hội.
Về hoạt động quản lý, điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng quy định nghiêm cấm hành vi:”Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác“. Trong Điều 9 cũng quy định rõ: “Người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh quy định của Luật An ninh mạng, việc các cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật cũng vi phạm quy định tại điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Căn cứ Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; thì người thực hiện hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng; biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017). Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, hành vi sử dụng mạng xã hội để đăng những thông tin sai sự thật nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây thiệt hại cho người khác còn có thể cấu thành Tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc Tội vu khống (Điều 156 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017).
– PV: Mới đây, ngày 17/6, Bộ Thông tin và Truyền thống đã chính thức ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Theo ông, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh dư luận đang bức xúc, bất bình trước vô số hiện tượng lệch chuẩn văn hóa trên không gian mạng?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Có không ít những phát ngôn, bình luận, chia sẻ các nội dung thiếu chuẩn mực, thiếu văn minh trên mạng xã hội. Điều này tác động tiêu cực đến tâm lý, thậm chí ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của những người xung quanh. Do đó, Bộ quy tắc ứng xử ra đời trong giai đoạn này là rất cần thiết, giúp người dùng biết được chừng mực và giới hạn của mình trên mạng xã hội.
Bộ quy tắc này nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Bộ quy tắc chỉ cho cộng đồng biết chuẩn mực ứng xử trên mạng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc họ nên ứng xử như thế nào trên môi trường Internet để có sự thấu hiểu, tôn trọng nhau, là một công dân số có trách nhiệm.
Ngoài ra, Bộ quy tắc này cũng giúp làm giảm thiểu nội dung không phù hợp với độ tuổi học sinh trên mạng xã hội; phòng chống bạo lực ngôn từ, hay bạo lực học đường xuất phát từ bất đồng ý kiến trên không gian mạng và giảm thiểu tình trạng bắt nạt trên mạng.
Theo đánh giá của tôi, đây là những tín hiệu rất tốt để chúng ta điều tiết các hành vi trên mạng xã hội. Nếu được áp dụng đúng cách thì Bộ quy tắc ứng xử sẽ mang lại hiệu quả rất tích cực về mặt nhận thức, hành vi và cách ứng xử của mọi người, nhất là bạn trẻ ở độ tuổi học sinh – sinh viên, hướng tới xây dựng không gian mạng lành mạnh, văn minh.
– PV: Thưa Luật sư, có những nhóm đối tượng nào được nhắc đến trong Bộ quy tắc này? Có quy định dành riêng cho nhóm người nổi tiếng hay người có tiếng nói, ảnh hưởng lớn trong xã hội hay không?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Bộ Quy tắc áp dụng cho 03 nhóm đối tượng là: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; Tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; Nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.
Từ đó có thể nhận thấy, đối tượng điều chỉnh bao gồm tất cả người dùng mạng xã hội nói chung chứ không chỉ dành cho người nổi tiếng. Tất cả những người sử dụng mạng xã hội đều phải chịu trách nhiệm về những hành động, phát ngôn, hình ảnh của mình. Bởi dù là người nổi tiếng hay người bình thường thì đều phải tuân thủ những chuẩn mực đạo đức và khuôn khổ pháp luật.
– PV: Có những trường hợp lợi dụng sức ảnh hưởng của mình đến một nhóm người mà có những phát ngôn không chuẩn, thậm chí là mang tính kích động, thì có bị coi là vi phạm quy tắc ứng xử trên mạng hay không?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Đây là hành vi vi phạm quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 3 quy định về quy tắc ứng xử chung thì tất cả các đối tượng sử dụng mạng xã hội đều phải tuân thủ quy tắc Lành mạnh, hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Thêm vào đó, các khoản 5,6,7 Điều 4 của Bộ Quy tắc cũng đã quy định tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội phải: “Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước – con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.”
Trong quá trình thực hiện Bộ quy tắc ứng xử này, chúng ta cần hình thành dư luận xã hội, những ý kiến có sức nặng đủ để ngăn cản những phát ngôn không phù hợp, hành vi lệch chuẩn của các nghệ sĩ nổi tiếng, đồng thời nên khuyến khích các hành động chuẩn mực, ứng xử văn hóa của các nghệ sĩ. Ủng hộ những giá trị tốt, bài trừ những điều xấu thì chúng ta mới có được một môi trường mạng lành mạnh, văn minh.
– PV: Thưa Luật sư, nhiều phát ngôn trên mạng của người nổi tiếng rõ ràng là không đúng thuần phong mĩ tục, tạo dư luận xấu nhưng lại được một nhóm người tung hô như kiểu “tát nước theo mưa”, sau đó lại dùng cách im lặng để đối diện với dư luận. Rõ ràng sức ảnh hưởng, hệ lụy từ những câu nói trên mạng là có thật, nhưng nếu chỉ sửa sai chỉ bằng câu xin lỗi hay dùng cách khóa trang mạng xã hội thì liệu đã thỏa đáng và đủ sức răn đe hay chưa?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Theo tôi, việc xin lỗi hay không xin lỗi là khía cạnh đạo đức, thể hiện thái độ, trách nhiệm của cá nhân đó trước cộng đồng xã hội. Dư luận có thể khen chê, ủng hộ, bức xúc, nhưng một lời xin lỗi không giải quyết được những hậu quả, hệ lụy mà những phát ngôn đó gây ra. Cho nên, không phải lên tiếng xin lỗi bằng đôi “dòng trạng thái” là xong, mà còn xét trách nhiệm với hậu quả của hành vi, động cơ của hành vi.
Còn những người lựa chọn cách im lặng không có nghĩa là họ đã nhận sai và cam kết sẽ không tái phạm. Hành vi vi phạm này cần được xử lý theo các quy định pháp luật. Chúng ta yêu mến các nghệ sĩ nhưng họ sai thì cần lên án. Họ phải tự ăn năn và khắc phục lỗi lầm. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần mạnh tay trong việc đưa ra các biện pháp để ngăn chặn nghệ sĩ phát ngôn ngông cuồng, thiếu văn hóa.
Chúng ta vẫn đang gặp vướng mắc trong việc xử lý những vi phạm, phát ngôn lệch chuẩn,… của các nghệ sĩ. Những trường hợp xử lý được chỉ là những nghệ sĩ nằm trong hệ thống quản lý hành chính của cơ quan Nhà nước, còn đối với nghệ sĩ tự do thì lúng túng trong việc xử phạt.
– PV: Hiện nay, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng mà Bộ Thông tin và truyền thông ban hành chỉ mang tính hướng dẫn, giúp điều chỉnh phát ngôn của công dân để tránh chạm vào ranh giới mong manh với vi phạm pháp luật, không có giá trị bắt buộc thực thi, nên không thể kỳ vọng nó sẽ giúp thay đổi mạnh mẽ cách hành xử của mọi người trên mạng xã hội. Theo ông, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có cần thêm những chế tài mạnh để tăng tính răn đe?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Ý nghĩa của Bộ quy tắc chỉ mang tính chất định hướng, khuyến nghị, giáo dục là chính như tôi đã trình bày mà không mang tính mệnh lệnh bắt buộc với những chế tài cụ thể.
Về mặt chế tài, Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định quy định xử phạt hành chính về lĩnh vực an ninh mạng và Bộ luật hình sự đã có quy định rất rõ đối với từng hành vi vi phạm.
– PV: Để mạng xã hội thực là môi trường lành mạnh, để không còn những hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội, luật sự có thể đưa ra lời khuyên với người dùng, đặc biệt là với nhóm người có sức ảnh hưởng đến một nhóm cộng đồng có văn hóa ứng xử phù hợp trên mạng xã hội?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Mạng xã hội cho chúng ta thêm những phương thức để giao tiếp và không ít người đã sự dụng mạng xã hội một cách văn minh, lan toả những điều tốt đẹp. Việc đăng tải bài viết, chia sẻ hình ảnh, livestream,… trên mạng xã hội là quyền của mỗi người, nhưng nội dung phải tuân thủ các qui định, không vi phạm pháp luật. Các nội dung, xấu độc, bôi nhọ xúc phạm danh dự người khác trên không gian mạng không chỉ bị phạt hành chính mà mức độ cao hơn, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh chế tài xử phạt nghiêm minh, giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi nạn tin giả, tin xấu, hành xử lệch chuẩn trên mạng là người dùng phải tự trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng sống trên không gian mạng, xây dựng văn hóa hành xử trên mạng xã hội. Mỗi người hãy là người dùng mạng xã hội văn minh, cùng nhau dọn rác phát ngôn bẩn, livestream bẩn, dùng công nghệ và mạng xã hội để lan toả những điều tích cực, tốt đẹp, những hành động nhân văn. Mỗi người khi tham gia không gian mạng cần thể hiện trách nhiệm của bản thân với xã hội bằng chính những thông tin mình đăng tải; cần suy nghĩ các thông tin đó tác động tiêu cực hay tích cực tới cộng đồng, cùng với đó, không tùy tiện chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến xã hội, an ninh quốc gia. Có như vậy chúng ta mới có được môi trường, không gian mạng xã hội lành mạnh, văn minh. Việc “dọn rác” không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội.
Còn các nghệ sĩ nên hạn chế bày tỏ những nội dung thể hiện thái quá những cảm xúc cao độ, nhất là trạng thái giận dữ dẫn đến phát ngôn thóa mạ, vu khống, chửi bới, hăm dọa, hành xử giang hồ… Nghệ sĩ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng nhân cách con người. Nghệ sĩ gắn với nghệ thuật, gắn với chân – thiện – mỹ, những giá trị định hướng sự phát triển văn hóa cho xã hội. Nghệ thuật hay nghệ sĩ không đơn thuần hướng đến các hoạt động giải trí, mà hướng con người ta đến giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Do đó, mỗi người nghệ sĩ nên có suy nghĩ tích cực, là tấm gương lan tỏa cách sống, ứng xử có văn hóa,… cho người hâm mộ.Người nổi tiếng cần đưa ra các phát ngôn có căn cứ, hợp pháp, có ích cho xã hội, đó chính là cách xây dựng hình ảnh cá nhân hiệu quả và hợp lý.
Vâng. Xin cảm ơn Luật sư Trần Xuân Tiền.
Thưa các bạn! Có thể nói, bài học từ chuyện loạn ngôn của các nghệ sĩ là một hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta thấy được rằng cần phải hành xử và phát ngôn có văn hóa trên môi trường mạng xã hội. Đã đến lúc, những người nổi tiếng và bản thân mỗi người dùng mạng xã hội cần phải ý thức mạnh mẽ được trọng lượng cũng như hậu quả từ các phát ngôn trên mạng của mình. Tất cả những cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội đều cần phải tuân thủ Bộ quy tắc ứng xử trên mạng để môi trường mạng ngày càng được lành mạnh, văn minh.