Nếu một thành viên trong gia đình không được đề cập trong di chúc, họ có quyền yêu cầu được chia phần thừa kế không?
Phải biết rằng, nguyên tắc cơ bản của thừa kế theo di chúc là tôn trọng quyền tự định đoạt của người lập di chúc. Do đó, người lập di chúc có quyền quyết định người được hưởng thừa kế, định đoạt phần tài sản cho mỗi người và có quyền không cho ai được hưởng thừa kế tài sản của mình (Điều 626 BLDS 2015). Tuy nhiên, theo tinh thần nhân văn của pháp luật, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, pháp luật dân sự đã có quy định để hạn chế quyền tự định đoạt này. Cụ thể, Điều 644 BLDS 2015 có nêu:
Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.
Các đối tượng hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nêu trên được xác định dựa trên ba mối quan hệ: hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng với người để lại di sản, bao gồm vợ, chồng, cha mẹ, con chưa thành niên và con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động.
Thứ nhất đối tượng là vợ, chồng
Tính đến thời điểm mở thừa kế, quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng phải được xác định là hôn nhân hợp pháp theo Khoản 3 Điều 5 Luật HNGĐ 2014 “kết hôn là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn” thì mới xác định được họ có phải là người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc hay không.
Thứ hai đối tượng là cha, mẹ
Điều 69 và Điều 70 của Luật HNGĐ 2014, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, yêu thương con cái và ngược lại con cái cũng có phải có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng, kính trọng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu. Đây không chỉ là quyền, nghĩa vụ về mặt pháp luật mà còn là đạo đức, truyền thống tốt đẹp trong xã hội. Xuất phát từ điều đó mà BLDS 2015 đã quy định cha, mẹ, là người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc của người kể lại di sản. Bởi việc người chết không cho những người này hưởng di sản hoặc hưởng ít hơn phần di sản đáng lẽ được hưởng là một sự vi phạm nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng của người chết với các chủ thể này.
Thứ ba, đối tượng là con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động.
Con của người để lại di chúc có thể hiểu là con đẻ – người có quan hệ huyết thống với người để lại di sản và con nuôi – người có quan hệ nuôi dưỡng với người để lại di sản. Quan hệ nuôi dưỡng ở đây không chỉ phát sinh giữa cha, mẹ nuôi mà con có thể giữa cha dượng, mẹ kế với con riêng của chồng hoặc vợ nếu giữa họ có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con.
Theo đó, con chưa thành niên phải thỏa mãn Khoản 1 Điều 21 BLDS 2015 “1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.”
Tuy nhiên hiện nay chưa có điều luật hướng dẫn cụ thể về điều kiện xác định “người không có khả năng lao động” nên ở đây có thể áp dụng pháp luật tương tự, cụ thể tại Khoản 1.4 Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP “…người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên)…”
Do vậy, nếu như người đã thành niên mà thường xuyên cần người chăm sóc và rơi vào trường hợp như Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP đã nêu ở trên thì xác định họ “không có khả năng lao động”.
Những đối tượng thỏa mãn điều kiện được nêu ở trên vẫn được hưởng di sản thừa kế mà không phụ thuộc nội dung di chúc trong trường hợp không được người để lại di chúc cho hưởng di sản hoặc được hưởng nhưng ít hơn phần di sản đáng lẽ được hưởng. Ở đây, pháp luật quy định, phần di sản đáng lẽ được hưởng bằng ⅔ suất thừa kế theo pháp luật, cụ thể được xác định như sau:
Một suất thừa kế theo pháp luật = tổng di sản thừa kế : tổng số người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất
Và người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc sẽ được hưởng một phần bắt buộc = ⅔ x một suất thừa kế
Ví dụ: Vợ chồng ông A, bà B kết hôn vào năm 2000, ông bà có ba người con chung là anh Q, anh K và chị H. Lúc sinh thời giữa ông A và bà B luôn xảy ra mâu thuẫn nhưng đối với các con thì vẫn yêu thương, chăm sóc. Vào tháng 8/2023, ông A qua đời, có để lại di chúc nêu rõ truất quyền thừa kế của bà B và để lại toàn bộ tài sản cho các con. Sau khi biết được nội dung di chúc, biết mình bị truất quyền hưởng di sản, bà B đã làm đơn khởi kiện ra Tòa, yêu cầu phân chia di sản thừa kế của ông A. Tài sản ông A để lại là 500.000.000đ
Trong tình huống trên, ông A không muốn cho bà B hưởng thừa kế và định đoạt toàn bộ tài sản của mình cho các con.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 644 BLDS 2015, trong trường hợp này bà B vẫn được hưởng một phần di sản tối thiểu bằng ⅔ suất của một người thừa kế theo luật. Việc không muốn dành cho bà B dẫn đến bà B rơi vào trường hợp không được hưởng di sản ông A theo di chúc nhưng vẫn là người vợ hợp pháp đã chung sống cùng ông nhiều năm, bà xứng đáng được hưởng một phần di sản từ chồng mình để lại.
Cách xác định phần di sản bà B được hưởng như sau:
Một suất thừa kế = 500.000.000 : 4 (B, Q, K, H) = 125.000.000đ
Phần di sản bà B được hưởng = 125.000.000 x ⅔ =83.333.000đ
Giải quyết như thế nào trong trường hợp xảy ra tranh chấp?
Mâu thuẫn trong quá trình phân chia thừa kế là điều khó tránh khỏi, do đó, khi rơi vào trường hợp được hưởng thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc, người thừa kế trước hết hãy cùng những người thừa kế khác ngồi lại thỏa thuận và thống nhất phân chia di sản hợp lý, hợp tình để giữ được sự đoàn kết và tình cảm gia đình, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc làm rạn nứt tình thân…
Song, trong trường hợp không thể thỏa thuận, người thừa kế có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa, yêu cầu Tòa phân chia di sản thừa kế theo khoản 5 Điều 26 BLTTDS 2015.
Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện
- Các giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại di sản (giấy khai sinh, căn cước công dân,…)
- Giấy chứng tử của người để lại di sản, các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;
- Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong họ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn (nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản (nếu có)
Có thể thấy, Pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo hộ quyền lợi này của người thừa kế hợp pháp, đặc biệt là các thành viên gia đình gần gũi như vợ chồng, cha mẹ, con cái. Những người này sẽ không bị loại trừ hoàn toàn bởi di chúc và họ có quyền yêu cầu phần di sản của mình ngay cả khi di chúc không chỉ định. Điều này thể hiện sự công bằng trong việc phân chia tài sản và bảo vệ quyền lợi của người thân trong gia đình.
Nguyễn Như Quỳnh – Thực tập sinh pháp lý Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi