NHẬN CON NGOÀI GIÁ THÚ
Với mỗi người tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng, gần gũi và gắn bó nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có được tình cảm này trọn vẹn từ phút đầu.
Tháng 7 vừa qua, Văn phòng luật sư Đồng Đội đã nhận được một yêu cầu từ khách hàng: “xác định quan hệ huyết thống giữa cha và con gái”. Mặc dù là tình huống tương đối phổ biến nhưng quá trình thực hiện không hề dễ dàng. Văn phòng luật sư Đồng Đội gửi đến quý bạn đọc những thông tin về vụ việc: “nhận con ngoài giá thú”
Theo Từ điển Tiếng Việt “con ngoài giá thú” là “con mà cha mẹ không phải là vợ chồng theo quy định của pháp luật”, còn từ điển Luật học đưa ra khái niệm “con ngoài hôn nhân” tương tự như khái niệm “con ngoài giá thú” đó là “con có cha mẹ không phải là vợ chồng”.
Căn cứ theo quy định tại Điều 90 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cha có quyền được nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết; trong trường hợp mà người đó đang có vợ mà nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia. Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình”.
Có thể thấy, quy định của pháp luật là hợp lý, đảm bảo được quyền lợi ích của những người không may mắn rơi vào trường hợp này.
Tuy nhiên, để đảm bảo quá trình nhận con được diễn ra nhanh chóng, cần phải phân biệt thế nào là xác định cha, mẹ, con có tranh chấp và không có tranh chấp?
Pháp luật không quy định rõ về vấn đề này thực tế áp dung đang gây ra tranh cãi, rất nhiều bản án đã bị hủy vì việc xác định vấn đề này không rõ ràng. Ví dụ: Anh A và chị B là vợ chồng kết hôn và có với nhau 3 người con, năm 2016 anh A phát hiện con gái út không phải con của mình, B cũng thừa nhận. Năm 2018, anh C có yêu cầu xin nhận lại con gái út và có chứng cứ chứng minh cô bé là con của C và B. C dự định gửi yêu cầu ra Tòa nhưng không nhận đươc sự hợp tác của A (A không phản đối, không tranh chấp nhưng không hợp tác). Thẩm phán huyện T hướng dẫn C khởi kiện ra Tòa, trong trường hợp này việc khởi kiện có đúng không?Ai là người bị kiện,…rất nhiều ý kiến đã được đưa ra và đều không giống nhau.
Trở lại vụ việc, theo quy định pháp luật
Trường hợp thứ nhất: Nếu không có tranh chấp trong việc nhận con.
Người muốn nhận con thực hiện như sau:
1. Đến UBND cấp xã hoặc cấp huyện nơi cư trú của của người nhận hoặc người được nhận để thực hiện đăng ký (có yếu tố nước ngoài thì đến UBND cấp huyện, không có yếu tố nước ngoài thì đến UBND cấp xã) theo Điều 24, Điều 25, Điều 43, Điều 44 Luật hộ tịch 2014 về thẩm quyền đăng ký và thủ tục đăng ký nhận con
2. Hồ sơ đăng ký bao gồm: Tờ khai theo mẫu tại UBND xã và chứng cứ chứng minh có quan hệ cha mẹ con kèm chứng cứ chứng minh. Có 2 cách chứng minh. 1. văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định, hoặc cơ quan có thẩm quyền khác ví dụ: Kết quả xét nghiệm ADN…. 2. nếu không có các văn bản trên thì phải có thư từ phim ảnh bằng đĩa đồ dùng vật dụng có thể chứng minh mối quan hệ giữa cha mẹ con; văn bản cam đoan của cha mẹ là con chung của 2 người; giấy xác nhận của ít nhất 2 người thân thích của cha mẹ làm chứng cho việc con là con chung của 2 người (Điều 19 Nghị định 123/2015; Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP về chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con)
Ngoài ra, pháp luật cũng quy định người muốn nhận con có thể yêu cầu Tòa án xác định con theo quy định tại khoản 10 Điều 29, và gửi đơn yêu cầu đến nơi cư trú của người yêu cầu theo quy định tại điểm t khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Hai cách trên đều được chấp nhận trong trường hợp này. Tuy nhiên, thiết nghĩ pháp luật cần phải quy định rõ ràng hơn vì cả 2 luật đang cùng quy định một vấn đề với 2 cách khác nhau là không cần thiết.
Trường hợp 2: Phát sinh tranh chấp trong việc nhận con.
Trong trường hợp có phát sinh tranh chấp nhận con thì người muốn nhận con khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết Điều 89 Luật hôn nhân gia đình 2014. Người nhận con nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nơi bị đơn cư trú theo quy định điểm a khoản 1 điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự, (ví dụ: tranh chấp với mẹ đang nuôi con thì nộp đơn đến Tòa án nơi người mẹ đang cư trú, làm việc). Sau khi nộp hồ sơ Tòa án sẽ trưng cầu giám định ADN để làm căn cứ xác định.
Khi có kết quả Tòa án công nhận con thì tới UBND xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận để đăng ký nhận con theo quy định tại Điều 24, (hoặc Điều 43) Luật hộ tịch 2014.
Có thể thấy, đây là một tình huống không mới nhưng quá trình làm việc luôn phát sinh nhiều vấn đề bởi việc nhận con không chỉ về mặt thủ tục mà còn là vấn đề đạo đức, nhận thức, tình cảm của những người liên quan đặc biệt là đứa trẻ. Do vậy, bên cạnh sự quan tâm, cảm thông chia sẻ của những người trong cuộc và dư luận xã hội, sự hoàn thiện của pháp luật là một cơ sở bảo vệ quyền lợi cho họ.
Rất mong nhận được ý kiến, phản hồi của quý bạn đọc.
Mai Thơm
2 Bình luận
Bài viết hữu ích, cảm ơn luật sư đã chia sẻ
Xin chào luật sư.
Tôi và bạn gái rât yêu nhau nhưng vì nhiều lí do chúng tôi không thể đến được với nhau.Chúng tôi đã xa nhau vài năm gần đây tôi mới biết cô ấy có con và cháu là con tôi.Nhưng hiện tại cháu mang họ của mẹ cháu,tôi rất muốn nhận con của mình.Luật sư cho hỏi trong trường hợp này tôi có được nhận con của mình không ạ và tôi muốn cháu bé mang họ của tôi có được không ạ.Trong trường hợp cô ấy không đồng ý cho tôi nhận con và cho cháu mang họ của tôi thì có cách nào để tôi được nhận con tôi và cho cho cháu mang họ của tôi không ạ.Cám ơn luật sư và mong nhận được tư vấn của luật sư ạ!