Mẹ là người có ảnh hưởng lớn, quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, tình mẫu tử thiêng liêng cao cả là sự hi sinh, bao dung, ấm áp của người Mẹ đối với con. Chủ đề về Mẹ là chủ đề hay về tình cảm gia đình được nhiều các văn nghệ sĩ, và mỗi người….đề cập tới bằng những tác phẩm ý nghĩa sâu lắng, thể hiện tình cảm cảm xúc dạt dào, xúc động.
Sinh ra trong thời kỳ còn nhiều thiếu thốn, bằng sự chăm chỉ, cần mẫn và tấm lòng bao dung của người Mẹ, đã để lại cho biết bao người những cảm xúc khó quên về Mẹ. Vì thế, sau khi mà Mẹ mất, những tình cảm ấy vẫn luôn luôn thường trực ở trong tim, đã được ghi lại bằng những lời văn cảm xúc, chân thành và xúc động. Tác giả Hoài Linh đã thể hiện những tình cảm, tấm lòng của người con đối với người Mẹ hiền lành, nhu mì và bao dung của mình qua câu chuyện ngắn dưới đây:
“…..Anh bỗng nghĩ về mẹ, bằng những hình ảnh rất cụ thể, như cuốn phim quay chậm, đến từng chi tiết. Mẹ anh, cụ Liên sinh ra trong gia đình người gốc Hà Nội. Ông ngoại anh là công chức sở nước, bà ngoại anh làm các loại bánh bán tại nhà. Cụ Liên thừa hưởng nền giáo dục đặc trưng của người Hà Nội, nên tính tình hiền lành, nhu mì, đức độ, đúng hình mẫu của người phụ nữ Hà Nội. Lực không thể tin rằng mẹ anh đã mất, mặc dù cụ Liên ra đi khi đã 98 tuổi, cũng được liệt vào diện đại thọ rồi. Nhưng Lực vẫn nghĩ, giá như mẹ sống thọ hơn trăm tuổi, để cùng gia đình anh tận hưởng thêm cuộc sống với điều kiện kinh tế có phần dễ chịu, bù lại những tháng năm khó khăn của thời bao cấp.
Cái thời bao cấp, khó ai có thể quên được, mọi thứ thiết yếu của cuộc sống đều được phân phối theo tem, phiếu và sổ gạo. Thời gian đó kéo dài đến mức nổi lên câu nói nổi tiếng “mặt nghệt ra như mất sổ gạo”. Đúng như vậy, nếu bị mất sổ gạo thì cả gia đình coi như rơi vào tình cảnh đói kém. Tem, phiếu cũng vậy, nếu mất thì mọi thành viên trong gia đình nhịn ăn, nhịn mặc, vì từ thịt, cá, rau cỏ, vải mặc đều dựa vào phân phối bằng tem, phiếu. Một năm cụ Liên đi chợ sắm đồ chuẩn bị cho cái Tết nguyên đán, loanh quanh sao đó cụ bị móc túi móc hết tem, phiếu của cả gia đình trong một năm. Cụ về nhà lặng lẽ không nói gì, nhưng từ vẻ mặt, đến mọi hành động đều mang vẻ buồn tê tái. Thế rồi cụ trốn vào góc nhà ngồi bó gối khóc rưng rức, khóc suốt mấy ngày không ăn uống gì, ai dỗ dành như thế nào cũng không vơi được nỗi buồn của cụ. Khi đó gia đình mới biết cụ đi chợ bị mất hết tem, phiếu. Thế rồi cả năm đó cụ Liên phải tự mình lên kế hoạch chi tiêu tằn tiện, chắt bóp hòng bù lại các khoản tem, phiếu đã bị mất. Bản thân cụ xác định mình phải bóp mồm, bóp miệng để bù lại khoản thiếu hụt cho chồng và các con. Cụ sinh hạ được bảy người con, nhưng thời điểm đó chúng đều nhỏ dại, chưa hiểu và ý thức được khó khăn mà gia đình sẽ phải trải qua. Rồi cụ đi đến quyết định rất khó khăn với người phụ nữ gốc Hà Nội, đó là phơi mặt ra đường với quán chè chén, để tăng thu nhập, bù lại cái đã mất. Ngày đó quán nước chè vỉa hè rất khó khăn, do phải chú ý chạy công an. Mỗi khi có nhóm công an xuất hiện từ xa, phải nhanh tay thu dọn bàn, ghế… để chạy giấu vào chỗ khuất, kẻo bị tịch thu thì coi như lại mất trắng. Quán của cụ ngày đó chỉ bán chè chén, mấy chiếc kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo bột và mấy điếu thuốc lá phục vụ cánh xích lô, ba gác, bốc vác. Cứ thế cụ tảo tần, cũng phải quen với cảnh nợ nần của khách, mà đôi khi quên thì coi như mất.
Ngày đó kinh tế vô cùng khó khăn, dẫn đến các bà đi chợ tụ họp nhau lại thành lập quỹ tương trợ, mà họ gọi là “họ tương trợ”, nghĩa là mọi người góp tiền với mức độ vừa phải đối với khả năng của các thành viên, tổ chức bắt thăm xem ai lấy trước, ai lấy sau. Hình thức là nhiều người gom tiền cho một người có khoản tiền đủ để trang trải những khoản chi tiêu lớn, trình tự như vậy đến người cuối cùng, rồi lại tổ chức chơi từ đầu. Nhóm họ tương trợ tập hợp được hơn chục người, trong đó có cụ Liên hoạt động khá chỉn chu và hiệu quả. Cụ Liên mừng lắm, như vậy có cơ hội giải quyết bữa tươi cho cả gia đình. Cứ mỗi tháng mở được hai bát họ, như vậy mỗi tháng gia đình có ít nhất hai bữa ăn tươi. Nhóm họ tương trợ hoạt động êm đẹp được hơn một năm, thì tai họa một lần nữa ập xuống gia đình cụ Liên. Số là một thành viên trong bát họ có ông Thắng làm nghề cắt tóc. Ông Thắng vốn là người hiền lành, dễ mến, dễ thương, tham gia bát họ luôn là người sòng phẳng nhất, nên được mọi người tin tưởng. Kì đó đến lượt cụ Liên được nhận họ, thì ông Thắng gặp cụ nói: “Cháu có việc rất quan trọng cần khoản tiền gấp. Cô nhường cháu lượt họ này nhé, rồi đến lượt cháu thì cô nhận”. Cụ Liên đồng ý. Vậy là ông Thắng cầm khoản tiền từ cụ Liên rồi biến mất, không ai biết ông ấy đi đâu. Cụ Liên lại chỉ còn biết khóc và căng mình ra kiếm tiền bù lại số tiền ông Thắng mang đi mất. Bẵng đi mấy năm sau ông Thắng bỗng đến nhà cảm ơn, xin lỗi và khi đó mới nói rõ vì sao ông phải làm vậy với cụ Liên. Thì ra ông Thắng có quan hệ không phải đạo với cô em vợ, nên hai người phải bỏ trốn đến địa phương khác, mai danh ẩn tích để sinh con. Nghe chuyện cụ Liên trùng xuống, thông cảm với ông Thắng và nhận lại tiền mà không hề trách móc.
Cụ Liên là người như vậy, luôn giữ cho mình trạng thái hòa hiếu với mọi người xung quanh. Với họ hàng, xóm giềng, cụ luôn giữ đức độ của người phụ nữ Hà Thành, kính trên, nhường dưới, cả đời không hề thấy cụ to tiếng với ai. Nhẫn nhịn là đức tính cố hữu của cụ, nhằm giữ được không khí hòa hiếu trong cuộc sống đầy rẫy lo toan, đầy rẫy khó khăn, vất vả. Cụ luôn dạy con cái phải biết giữ gìn đạo nghĩa, phải biết nhẫn nhịn cho dù có bị thua thiệt. Nuôi nấng, dạy dỗ bảy người con, nhưng không ai nghe thấy cụ to tiếng, không thấy cụ đánh con dù chỉ một roi. Với cụ, chỉ nhẹ nhàng bảo ban con, với những phân tích chí lí, chí tình. Vậy mà nhờ thế, bảy người con của cụ ai cũng giữ được đức tính nhu mì, hiền lành, đức độ. Cũng có lần cụ Liên cầm roi, nhưng kết cục chẳng ai bị đòn, mà cụ chỉ cầm dứ dứ vào không khí, rồi từ từ giảng giải cho hiểu bao đạo lí ở đời. Có lần cụ bị con cãi lại, nhưng cụ chỉ biết rung rức khóc. Lần đó ông Lực hỏi mãi cụ mới nói cho biết. Ông Lực phải gọi em mình vào phân tích và buộc em phải thành tâm xin lỗi mẹ, đồng thời hứa không bao giờ được cãi mẹ nữa. Mọi việc do đó êm xuôi, cuộc sống cứ thế trôi đi……”
Có thể nói đối với tác giả, người Mẹ được hiện lên bình dị, chi tiết tái hiện lại một thuở được sinh sống, yêu thương bao bọc bởi Mẹ. Cách ứng xử khéo léo, đức tính nhu mì, hiền lành, sự hy sinh, lam lũ lo lắng cho gia đình, những đứa con của người phụ nữ Hà Thành xưa, là chặng hành trình ký ức đọng mãi trong tâm trí của Lực – một nhà văn đã thấu hiểu, tiếp thu và học được nhiều đức tính tốt đẹp từ người Mẹ của mình, và rồi trong cách hành văn và ngòi bút sắc xảo vẫn ẩn hiện vẻ đẹp hình ảnh người Mẹ, đầy tính nhân văn và hòa ái. Mặc dù, cụ Liên đã dõi theo bước đi của Đức Phật, nhưng những giá trị và đức tính tốt đẹp của bà vẫn được những người con gìn giữ, lan tỏa đến các thế hệ mai sau.
Nói về Mẹ, đồng cảm với tác giả, Luật sư Trần Xuân Tiền lại bồi hồi xúc động nhớ về những ngày tháng được sống cùng Mẹ, được nghe những câu chuyện về Mẹ, và cảm nhận sự ấm áp, gần gũi của Mẹ, sự cảm nhận đó vẫn luôn được gìn giữ suốt 40 năm qua:
“Tôi sinh ra trong gia đình nghèo ở vùng đất Xứ Thanh nên sớm nếm mùi khó khăn về điều kiện tự nhiên, điều kiện sinh hoạt (Mưa, bão, lũ mất mùa triền miên và đói kém thường xuyên ), đổi lại đất và người Xứ Thanh chăm học chăm làm. Học để thoát ly để có cái sổ gạo, để đi ra có cơ hội nở mày nở mặt với đời.
Mẹ tôi mồ côi cả cha cả mẹ từ nhỏ nên côi cút làm ăn, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, thương chồng yêu con hết mực nên phải làm nhiều quá, lao lực và ốm đau từ khi tôi sinh ra.
….
Mẹ tôi mất từ năm 1984 (ngày 28 tháng Giêng) khi tôi còn đang học năm cuối Sỹ quan ô tô ở Sơn Tây. Những giây phút cuối đời tôi không được bên cha mẹ không được căn dặn gì nhưng tôi nghĩ ông bà rất thương tôi, tin tôi và đã hy sinh cho tôi ăn học để lớn khôn nhưng tôi chưa lo được gì để trả ơn công sinh thành của cha mẹ. Nhận được tin mẹ mất dẫu cũng không đột ngột vì bà ốm nhiều năm bệnh tiểu đường nhưng nhớ lại tôi vẫn run lên nước mắt trào ra, anh em đơn vị nhất là lãnh đạo Đại đội đã giúp tôi nhanh nhất để về (tôi nhớ khi đó học viên khó khăn, phụ cấp mấy đồng nên về còn không có tiền, lãnh đạo đơn vị cho thanh toán chế độ gạo, tiền ăn để về cầm giấy xuất kho có mấy kg gạo nhưng không hiểu cô thủ kho nhìn tôi thương tôi, đồng cảm với tôi thế nào mà bảo anh lấy đầy cả bao mà bán lấy tiền về vẫn nhớ ơn cô thủ kho quá – hạt gạo lúc đó quí lắm và cô ấy sai lắm mà sao vẫn làm cho tôi). Đường xá đi lại xa và khó khăn nên về đến nhà thì việc tang lễ đã xong xuôi (và khi đó cũng đơn giản lắm chỉ có tình cảm anh em họ hàng làng quê là chính). Sinh tử là qui luật nhưng với tôi hình bóng người Mẹ tảo tần hết mực thương chồng, yêu con, chung thuỷ hy sinh thật không thể nào quên. Tôi không được bên Mẹ chăm sóc mẹ khi già yếu nhiều, không được Mẹ dặn dò câu nào nhưng tôi biết Mẹ rất chiều tôi, thương tôi (con út của Mẹ – lúc nào cũng được ngủ cùng khi nhỏ, được ngủ nhiều hơn anh chị – điều quí lắm đấy). Nhớ Mẹ nước mắt tôi vẫn rơi và tôi nghĩ chỉ làm việc, làm việc tốt, có ích cho đời là việc làm thương nhớ Mẹ nhiều nhất có ý nghĩa nhất. MẸ CỦA CON Ạ ! CON CẢM ƠN MẸ ĐÃ SINH RA CON, HẾT MỰC THƯƠNG CON.
….
Mẹ tôi mất 40 năm nay, và giờ đây cách báo hiếu của tôi là tu thân tích đức, giúp được càng nhiều người, càng nhiều việc tốt để dâng lên các cụ mỗi ngày là tôi vui … Tôi báo hiếu là tự nhủ khó khăn mấy cũng cố gắng không nên vay mượn phiền hà anh, em, bạn bè. Tôi báo hiếu bằng cách dạy các con biết công ơn sinh thành, biết cảm ơn ai giúp đỡ mình, biết đi bằng đôi chân mình, biết đứng dậy khi vấp ngã mà không đánh mất mình.
…
Dù đã rất nỗ lực cố gắng để Bố Mẹ ở chín suối tự hào về tôi nhưng mỗi khi thắp nén hương lên mộ Bố Mẹ là tôi vẫn không cầm được nước mắt!”
Như vậy, mặc dù thời gian đã qua, nhưng hình ảnh người Mẹ vẫn hiện lên trong suy nghĩ, nhận thức của Luật sư. Một người Mẹ đức độ, hiền từ, chăm chỉ yêu thương chăm sóc chồng con, mặc dầu những năm tháng cuối đời sức khỏe yếu phải nhờ sự hỗ trợ của người chồng. Đặc biệt, sau khi cả bố mẹ ông mất, ông đều không có cơ hội được ở bên để nghe lời dặn dò của các cụ. Nhưng trong tâm khảm trí nhớ của ông, hình mẫu lý tưởng về người Mẹ luôn là bài học đắt giá về sự nhẫn nhịn, khiêm nhường, và tử tế đối với người khác. Điều này được ông vận dụng hành ngày vào việc hành nghề luật sư, các hoạt động phong trào đoàn thể, với gia đình, anh chị em, bạn bè, những khách hàng yếu thế trong xã hội và đặc biệt là vun đắp, lan tỏa và phát huy những giá trị tốt đẹp về tình Mẫu Tử.
Những hình ảnh, đức tính tốt đẹp về Mẹ luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm trí, ký ức của chúng ta. Có lẽ dùng cả trăm ngàn lời cũng chẳng bao giờ nói cho hết tình cảm của con dành cho Mẹ. Đối với mỗi người, Mẹ là người tuyệt vời nhất thế gian, sự bao dung, dịu dàng, ân cần, chu đáo của Mẹ đã nuôi dưỡng nhận thức, ước mơ, tạo nền tảng vững chắc, chấp cánh cho chúng ta bước vào đời. “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ”, “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Mẹ”, thời gian đã qua, dù đi đến tới tận trời góc bể, nhưng tình Mẫu Tử vẫn thiêng liêng đậm mãi trong kí ức của mỗi người. Vì vậy, cách báo hiếu tốt nhất đối với Mẹ khi còn sống, trước tiên là hãy sống tốt để Mẹ không phiền lòng; vun đắp, gìn giữ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Mẹ, dù Mẹ đã trở về với ánh hào quang của Đức Phật./.
Biên tập: Lê Thanh Bình – VPLS Đồng Đội
(0354 492 343, lethanhbinhdhv@gmail.com)
___
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi