Giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử mà là một thủ tục đặc biệt nhằm xem xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị. Thủ tục này không chỉ đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong hoạt động tư pháp mà còn giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Căn cứ theo Điều 256 Bộ luật Tố tụng Hành chính 2015 và Điều 327 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện vi phạm pháp luật.
-
Giám đốc thẩm trong vụ án dân sự
1.1. Điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
– Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
– Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
– Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
1.2. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
– Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
– Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
1.3. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị nhưng vẫn được kéo dài thêm 2 năm khi có các điều kiện sau:
– Đương sự đã có đơn đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 328 của Bộ luật này và sau khi hết thời hạn kháng nghị quy định, đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị.
– Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 326 của Bộ luật này, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.
-
Giám đốc thẩm trong vụ án hình sự
2.1. Điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ:
– Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
– Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;
– Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
2.2. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
– Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
– Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.
– Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
2.3. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị.
Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
-
Giám đốc thẩm trong vụ án hành chính
3.1. Điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
– Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
– Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.
– Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
3.2. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
– Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
– Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
3.3. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 255 của Luật này thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 260 của Luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Thời hạn kháng nghị phần dân sự trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
-
Trình tự thủ tục kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Bước 1:
Làm đơn giám đốc thẩm đối với vụ án dân sự, hành chính
Người nộp đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật gửi đến Tòa án, Viện kiểm sát theo thủ tục giám đốc thẩm bằng cách nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu chính. Kèm theo đơn đề nghị, người đề nghị phải gửi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Đơn đề nghị bao gồm các nội dung sau:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn đề nghị.
+ Tên, địa chỉ của người đề nghị.
+ Tên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
+ Lý do đề nghị, yêu cầu của người đề nghị.
+ Người đề nghị là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người đề nghị là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức đề nghị là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Đối với vụ án hình sự: Khi phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực của Tòa án thì người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân phát hiện vi phạm gửi thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị.
Bước 2. Tòa án, Viện kiểm sát tiếp nhận đơn đề nghị và ghi vào sổ nhận đơn, cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự. Ngày gửi đơn được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc ngày có dấu dịch vụ bưu chính nơi gửi.
Bước 3. Tòa án, Viện kiểm sát kiểm tra tính hợp lý, đầy đủ của đơn đề nghị. Trường hợp đơn đề nghị không có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này thì Tòa án, Viện kiểm sát yêu cầu người gửi đơn sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát; hết thời hạn này mà người gửi đơn không sửa đổi, bổ sung thì Tòa án, Viện kiểm sát trả lại đơn đề nghị, nêu rõ lý do cho đương sự và ghi chú vào sổ nhận đơn.
Bước 4. Nếu hồ sơ đơn đã đầy đủ, hợp lệ, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phân công người có trách nhiệm tiến hành nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, quyết định; trường hợp không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.
Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng văn phòng Văn phòng luật sư Đồng Đội chia sẻ vài điều về kinh nghiệm làm đơn giám đốc thẩm:
“Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ được đó là một thủ tục kháng nghị nhằm xem xét lại các bản án có các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong quá trình xét xử, không phải là một cấp xét xử như sơ thẩm và phúc thẩm. Các điều kiện, các căn cứ đề kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm cần tuân thủ theo quy định của Điều 326 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Đồng thời, cần hiểu rõ người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao. Vì vậy, khi làm đơn giám đốc thẩm đương sự cần trình bày rõ trong đơn giám đốc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm hoặc phúc thẩm của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Các thủ tục này có thể được tham khảo trên Internet, các trang web luât pháp, các điều khoản trong các văn bản luật định của Nhà nước như : Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015,.. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi rất nhiều những thách thức, phải đầu tư thời gian, tài liệu một cách đầy đủ và kịp thời để được giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Hiện nay, còn tồn đọng rất nhiều các bản án , quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm chưa được giải quyết do thiếu các chứng cứ, tài liệu liên quan chưa kịp thời bổ sung trong quá trình làm thủ tục làm đơn giám đốc thẩm. Như vậy, quá trinh làm đơn giám đốc thẩm cần phải do những người có chuyên môn thực sự đứng ra làm đơn thì quá trình giám đốc thẩm mới diễn ra nhanh chóng, đồng bộ, kịp thời và nhất quán. Hơn ai hết các Luật sư có kinh nghiệm mới thực sự đủ chuyên môn và sự thấu hiểu trong quá trình tranh tụng để có thể làm tốt quá trình làm đơn giám đốc thẩm một cách nhanh gọn, chính xác, đúng và đủ. Đây không chỉ là vấn đề tiền bạc, mà còn là công sức, thời gian của Luật sư để quá trình này diễn ra một cách thuận lợi.”
Hà Tuyết – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi