Trong thời gian vừa qua, trên mạng xuất hiện nhiều clip đăng tải ghi lại hình ảnh lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã có những hành vi vi phạm đối với người tham gia giao thông trong quá trình thi hành nhiệm vụ. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho bản thân khi tham gia giao thông, người dân cần nắm được 04 việc mà CSGT không được phép thực hiện như sau:
1. Không tự ý dừng phương tiện tham gia giao thông để kiểm tra
Theo Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA, CSGT chỉ được dừng phương tiện tham gia giao thông trong 4 trường hợp sau:
– Phát hiện hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm khác thông qua giám sát trực tiếp hoặc các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hỗ trợ…
– Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt
– Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc văn bản đề nghị của các cơ quan chức năng liên quan về việc dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, phục vụ, hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác
– Nhận được tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ
Như vậy, ngoài các trường hợp đã nêu trên, CSGT không được tư ý tùy tiện yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe.
2. Không được tự ý khám người và phương tiện
Theo Điều 10 Thông tư 65/2020/TT-BCA, khi dừng xe để kiểm soát việc thực hiện các quy định về giao thông, CSGT được kiểm tra các nội dung sau:
– Kiểm tra giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện
– Kiểm tra điều kiện tham gia giao thông của phương tiện: hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số xe và hai bên thành xe, điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
– Kiểm soát việc chấp hành quy định về hoạt động vận tải đường bộ.
Theo đó, CSGT có quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện xuất trình giấy tờ, kiểm tra các điều kiện về hình thức của phương tiện nhưng không được tùy tiện khám người, phương tiện.
Việc khám người, khám phương tiện chỉ được phép tiến hành khi có căn cứ cho rằng:
– Người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính
– Trong phương tiện vận tải, đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính
(Điều 127 và khoản 1 Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012)
3. Không được đánh hoặc dùng vũ lực đối với người vi phạm giao thông
Theo Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA, CSGT có những quyền hạn trong tuần tra, kiểm soát như sau:
– Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật
– Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác
Trong đó, các biện pháp ngăn chặn hành vi hành chính được quy định tại Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm: Tạm giữ người; áp giải; tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; khám người; khám phương tiện, đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện; quản lý người nước ngoài vi phạm trong thời gian làm thủ tục trục xuất;…
– Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc giao thông
– Được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ
– Được tạm đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường, phân lại luồng, tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện khi xảy ra ách tắc, tai nạn giao thông…
– Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân
Đối chiếu với các quy định trên có thể thấy CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật. Thông tư này không quy định việc CSGT có quyền đánh người hay dùng vũ lực với người vi phạm.
4. Không được nhận tiền của người vi phạm
Khi yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe để xử phạt vi phạm, CSGT không được lợi dụng chức vụ để nhận tiền của người dân. Điều này đã được quy định rất rõ tại Điều 22 Nghị định 19/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính như sau:
“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính”.
Nếu vi phạm quy định này mà bị phát hiện, chiến sĩ CSGT đã nhận tiền của người vi phạm giao thông có thể bị áp dụng các hình thức kỷ luật và hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc.
Nghiêm trọng hơn, CSGT nhận tiền vi phạm của người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự. Mức phạt thấp nhất với tội này là từ 02 – 07 năm.
Trên đây là 04 Điều CSGT không được phép làm khi đang thi hành nhiệm vụ. Trên thực tế không hiếm gặp trường hợp CSGT vi phạm những điều trên và có quyết định xử phạt sai, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân. Luật sư khuyến cáo người dân khi gặp những trường hợp trên không được mất bình tĩnh và có những hành vi phản ứng thái quá đối với CSGT. Những hành vi đó được coi là hành vi cản trở người thi hành công vụ và tùy theo tính chất của hành vi mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Vụ việc xảy ra ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa là ví dụ tiêu biểu.
Khi CSGT yêu cầu dừng xe và lập biên bản do bị vi phạm, bà N – mẹ chồng của người vi phạm đã có những hành vi giật, vò nát biên bản vi phạm hành chính, chửi bới xúc phạm các đồng chí trong Tổ công tác. Bà N sau đó đã bị khởi tố trong vụ án “Chống người thi hành công vụ” và có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 330 Bộ Luật hình sự 2015.
Hoặc ngay mới đây, bị cáo Bùi Văn Hà, 41 tuổi, trú tại huyện Mê Linh vừa bị tuyên 4 năm tù giam với tội Cưỡng đoạt tài sản. Cụ thể, sau khi nhận các video, hình ảnh CSGT nhận tiền hối lộ do các đồng bọn dàn dựng, Hà đã liên hệ các cảnh sát này để dọa sẽ phát tán lên mạng và tống tiền 80-100 triệu đồng. Những hậu quả của người vi phạm như ở những ví dụ bên đã phần nào cảnh báo người dân phải bình tĩnh và thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi bị CSGT kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.
Nếu không đồng ý với quyết định xử phạt của CSGT, người tham gia giao thông bị xử lý vi phạm vẫn phải nộp phát trước và sau đó khiếu nại đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính của CSGT. Người dân có thể khiếu nại trực tiếp CSGT qua 06923.42593 – số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an hoặc người dân tới trụ sở Đội, Phòng CSGT nơi lập biên bản để đưa ra căn cứ chứng minh mình không vi phạm. Trường hợp người vi phạm có đầy đủ chứng cứ thì cán bộ, chiến sỹ CSGT lập biên bản phải chịu trách nhiệm, xin lỗi người vi phạm.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội