Việc hủy bản án do Tòa án có thẩm quyền thực hiện, đây được coi như một biện pháp nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch, đúng đắn cũng như góp phần hạn chế tình trạng oan, sai đối với các bản án, quyết định của Tòa án.
Vậy thì những vi phạm nào sẽ dẫn đến bản án bị hủy? Hậu quả của việc hủy bản án là gì?
1. Hủy bản án là gì?
Hủy bản án là một quyết định của Tòa án có thẩm quyền (thường là cấp phúc thẩm, Tòa án giám đốc thẩm hoặc Tòa án tái thẩm) đối với bản án có những sai sót nghiêm trọng trong quá trình xét xử.
Việc hủy bản án thường xảy ra khi Tòa án xét thấy bản án đã có vi phạm về thủ tục tố tung, áp dụng sai pháp luật hoặc thiếu sót nghiêm trọng trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ dẫn đến quyết định giải quyết xét xử không đúng người, đúng tội hoặc không khách quan, không công bằng hoặc không đúng với bản chất vụ án.
Tòa án có thẩm quyền sẽ ra quyết định bằng văn bản để chấm dứt hiệu lực thi hành của bản án cấp dưới khi phát hiện có sai sót.
2. Những vi phạm dẫn đến bản án bị hủy
Thực tiễn cho thấy có một số trường hợp cụ thể khiến bản án bị huỷ như:
– Tòa án bỏ sót người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
– Không giải quyết hết các yêu cầu của đương sự;
– Thụ lý, giải quyết sai thẩm quyền;
– Xác định sai quan hệ tranh chấp;
– Không tống đạt thông báo thụ lý bổ sung cho đương sự, không thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định khi đương sự kháng cáo;
– Không xác minh địa chỉ của đương sự để tống đạt chính xác dù xét xử vắng mặt bị đơn;
– Không kiểm tra thời hạn ủy quyền đối với người đại diện đương sự;
– Vẫn thụ lý giải quyết đối với đương sự không có quyền khởi kiện;
– Bản án phát hành và bản án gốc có nội dung khác nhau;
– Thu thập chứng cứ chưa đầy đủ.
Trong đó, tập trung nhiều ở vi phạm với lý do tòa cấp sơ thẩm bỏ sót người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thiếu sót này ở cấp sơ thẩm khiến cấp phúc thẩm không thể khắc phục được vì quyền lợi của những người liên quan nhưng không được đưa vào tham gia tố tụng phải được xem xét tại hai cấp xét xử. Vi phạm này thường gặp trong các vụ án tranh chấp thừa kế, tài sản chung hoặc bất động sản…
Một dạng vi phạm chủ yếu dẫn đến các bản án, quyết định bị hủy nữa là thu thập chứng cứ chưa đầy đủ. Thực tiễn xét xử có nhiều vụ Tòa án chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp thu thập chứng cứ cần thiết dẫn đến việc giải quyết chưa đảm bảo căn cứ thuyết phục.
Những vi phạm chủ yếu trên lẽ ra phải được kiểm tra, phát hiện trong quá trình nghiên cứu hồ sơ và tham gia phiên tòa, tuy nhiên kiểm sát viên không phát hiện được để yêu cầu tòa án khắc phục.
3. Hậu quả của việc hủy bản án
Hiện nay, tất cả các bản án từ dân sự, hình sự cho đến hành chính không phải lúc nào cũng chuẩn xác và có thể bị huỷ. Việc huỷ những bản án sai sót để điều tra, xét xử lại sẽ gây ra nhiều tốn kém, hệ lụy, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào công lý hay những người tham gia tại phiên Tòa, làm mất đi sự uy tín của bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật đối với lòng tin của công dân cũng như phản ánh về độ hiệu quả của công tác thực thi pháp luật đến từ chế độ tư pháp Việt Nam.
Vậy nên, vấn đề “hủy bản án” là chủ đề cần được nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng cũng như xét tới những hậu quả kéo theo có thể xảy ra như:
Thứ nhất, thời gian giải quyết bị kéo dài.
Sau khi bản án bị hủy, vụ án sẽ có thể phải xét xử lại hoặc trả hồ sơ để điều tra lại, làm kéo dài quá trình tố tụng, ảnh hưởng đến các bên. Đặc biệt, nhiều trường hợp sau khi bản án bị huỷ để xét xử lại, tòa cấp trên thường rút hồ sơ lên để kiểm tra. Việc rút hồ sơ này thường kéo dài thêm nữa thời gian mà các bên đương sự phải chờ đợi. Đây cũng là một vụ việc thực tiễn mà VPLS Đồng Đội đang giải quyết.
Sau khi huỷ án để xét xử lại, tòa cấp tỉnh sau hơn 10 tháng vẫn chưa có bất kỳ động thái nào. Tòa cấp trên rút vụ án để xem xét cũng không đưa ra câu trả lời sau gần 1 năm “xem xét” hồ sơ. Điều này khiến tất cả các bên đều mệt mỏi và dần mất niềm tin vào hệ thống tòa án.
Thứ hai, vấn đề chi phí và nguồn lực
Việc xét xử lại vụ án sẽ đòi hỏi thêm chi phí tố tụng và nguồn lực lớn, việc tranh chấp kéo dài có thể gây ra gánh nặng về kinh tế của các bên liên quan.
Thứ ba, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các bên
Những người bị ảnh hưởng bởi bản án sai đặc biệt là phía đương sự sẽ phải đối mặt với tổn hại về tâm lý và đôi khi là quyền lợi bị xâm phạm trong suốt quá trình kéo dài xét xử lại. Việc khôi phục lại hiện trạng ban đầu sau khi bản án đã được thi hành là rất khó, thậm chí là không thể.
Nhiều trường hợp bản án bị huỷ và xét xử lại mất quá lâu, thậm chí vài năm. Điều này khiến việc giải quyết các tranh chấp không còn phù hợp và kịp thời, các bên đương sự cũng bị ảnh hưởng từ cuộc sống tới công việc do phải “chạy theo” tòa án.
Thứ tư, huỷ án làm giảm uy tín của cơ quan tố tụng
Huỷ án khiến người dân nghi ngờ về tính khách quan, công bằng của các phán quyết, thậm chí là trình độ chuyên môn của các thẩm phán. Đặc biệt, trong bối cảnh nhà nước đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài như hiện nay, việc cho thấy một hệ thống tư pháp không hiệu quả sẽ khiến các doanh nghiệp nước ngoài e ngại khi đến Việt Nam.
4. Kiến nghị giảm thiểu tình trạng hủy, sửa đổi bản án
Để giảm thiểu các trường hợp bản án bị hủy hoặc sửa đổi, gây ra những hệ quả đáng tiếc, các luật sư cùng với hệ thống cơ quan tư pháp đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tối ưu hóa quá trình xử lý vấn đề “hủy án” trong hệ thống tòa án.
Ngoài ra, cơ quan tiến hành tố tụng cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm dựa trên các trường hợp án đã bị hủy, sửa trước đây, khi xây dựng hồ sơ tuyệt đối tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Các thẩm phán cần nâng cao cả trách nhiệm lẫn chuyên môn để tránh gây ra những lỗi không đáng có khiến bản án bị huỷ.
Để hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ của những bản án bị hủy, sửa đổi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị 01/2024/CT-CA nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án Tòa án các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nghiêm túc các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra được nêu cụ thể ở mục 2.4.
Hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án đã giải quyết.
Như vậy, vấn đề hủy bản án là một phần quan trọng trong quá trình đảm bảo công lý, giúp khắc phục những sai sót trong quá trình xét xử. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực và gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của các bên liên quan. Hơn nữa, tình trạng này có thể làm suy giảm niềm tin của công chúng vào hệ thống tư pháp. Do đó, để hạn chế tình trạng hủy bản án, cần phải cải thiện quy trình xét xử, tăng cường đào tạo chuyên môn cho các thẩm phán và đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong toàn bộ hệ thống pháp lý.
Yến Vy – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi