1. Nợ xấu ( Non-Performing Loan – NPL) là gì?
Khoản 5 Điều 3 Thông tư 31/2024/TT-NHNN quy định: Nợ xấu (NPL) là nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán (nợ xấu nội bảng), gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5. Hiểu nôm na thì nợ xấu là các khoản nợ khó đòi, người vay không thể trả nợ khi đến hạn thanh toán đã cam kết trong hợp đồng. Thông thường, các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán hơn 90 ngày, tính từ ngày đến hạn đầu tiên được coi là nợ xấu.
2. Phân loại nợ xấu
Điều 10 Thông tư 31/2024/TT-NHNN phân loại 5 nhóm nợ, trong đó nợ xấu thuộc nhóm 3, 4, 5.
Nhóm 3 ( Nợ dưới tiêu chuẩn) | – Khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày, trừ khoản nợ quy định tại khoản 3 Điều này;
– Khoản nợ gia hạn nợ lần đầu còn trong hạn, trừ khoản nợ quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3 Điều này; – Khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo thỏa thuận, trừ khoản nợ quy định tại khoản 3 Điều này; – Khoản nợ thuộc một trong các trường hợp sau đây chưa thu hồi được trong thời gian dưới 30 ngày kể từ ngày ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng ký văn bản thu hồi khoản nợ (sau đây gọi là ngày có quyết định thu hồi):
– Khoản nợ trong thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra; – Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng do khách hàng vi phạm thỏa thuận với ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng chưa thu hồi được trong thời gian dưới 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi; – Khoản nợ được phân loại vào nhóm 3 theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này; – Khoản nợ phải phân loại vào nhóm 3 theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này; |
Nhóm 4 ( Nợ nghi ngờ) | – Khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày;
– Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn đến 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; – Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai còn trong hạn; – Khoản nợ thuộc một trong các trường hợp sau đây chưa thu hồi được trong thời gian từ 30 – 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi:
– Khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra đến 60 ngày mà chưa thu hồi được; – Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng do khách hàng vi phạm thỏa thuận với ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng chưa thu hồi được trong thời gian từ 30 ngày đến 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi. |
Nhóm 5 ( Nợ có khả năng mất vốn) | – Khoản nợ quá hạn trên 360 ngày;
– Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 91 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; – Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai; – Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên; – Khoản nợ thuộc một trong các trường hợp sau đây chưa thu hồi được trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi:
|
Người vay cần lưu ý rằng khi đã có nợ xấu (tức nợ nằm trong nhóm 3, 4, 5) sẽ rất khó để vay vốn tại các ngân hàng, công ty tín dụng khác. Tất cả thông tin của khách hàng vay nợ xấu (các khoản vay trong quá khứ, hiện tại; thời gian nợ quá hạn; họ tên người vay; nơi vay vốn…) sẽ được lưu lại trên trung tâm tín dụng CIC tối đa 05 năm sau khi khách hàng đã thanh toán đủ cả lãi lẫn gốc. Người vay cần chú ý kiểm tra tình hình nợ của mình qua website, app CIC hoặc thông qua ngân hàng. Ngoài ra, người vay có thể đăng ký nhận báo cáo tín dụng, tránh để rơi vào nợ xấu ở nhóm 3, 4, 5.
3. Thời hạn lưu giữ thông tin nợ xấu của người vay
Thời hạn hiển thị thông tin về nợ xấu của người vay được quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN: Thông tin tiêu cực về khách hàng vay chỉ được sử dụng để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng trong thời gian tối đa 05 năm, kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Bên cạnh đó, căn cứ chính sách cung cấp thông tin của CIC, nếu người vay có nợ xấu với dư nợ dưới 10 triệu đồng thì CIC sẽ ngừng cung cấp thông tin ngay sau khi người vay tất toán và thông tin tất toán được ngân hàng báo cáo.
4. Có giải pháp nào cải thiện hồ sơ tín dụng trong thời hạn lưu trữ thông tin nợ xấu?
Đối với trường hợp khoản nợ xấu trên 10 triệu đồng hoặc thuộc vào nhóm nợ xấu 3,4,5 mặc dù tất toán sớm, thông tin lịch sử nợ xấu vẫn còn lưu trữ trong vòng 5 năm tại CIC mà không thể xóa ngay như quy định cho khoản nợ dưới 10 triệu đồng. Do đó, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp cải thiện hồ sơ tín dụng của người vay như sau:
Thứ nhất, yêu cầu cập nhật thông tin dư nợ trên CIC. Khi khoản nợ xấu được tất toán sớm, CIC sẽ cập nhật trạng thái “đã trả nợ”. Như vậy, dù hồ sơ vẫn ghi nhận lịch sử nợ xấu trong vòng 5 năm, việc trả nợ đầy đủ sẽ giúp cải thiện hồ sơ tín dụng trở nên tích cực hơn, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận các khoản vay ở ngân hàng khác.
Thứ hai, người vay có thể đàm phán với ngân hàng để tái cơ cấu nợ. Mỗi ngân hàng đều có chính sách riêng về tái cơ cấu nợ. Nếu không thể thanh toán ngay, khách hàng vẫn thương lượng được với ngân hàng tái cơ cấu bằng cách miễn, giảm lãi suất phạt và lãi quá hạn; chia nhỏ khoản nợ thành nhiều đợt trả góp với lãi suất ưu đãi, hay gia hạn thêm thời gian trả nợ trong trường hợp người vay chứng minh được bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng (như đại dịch, thiên tai bão lũ,..) dẫn đến quá hạn thanh toán khoản nợ. Tuy nhiên, khách hàng cần lưu ý, việc gia hạn thời gian trả nợ sẽ không áp dụng đối với khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ 3 trở lên(thuộc nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn).
Thứ ba, người vay có thể xây dựng lại lịch sử tín dụng tích cực. Dù còn tồn tại thông tin tiêu cực, song người vay vẫn có thể cải thiện tình trạng hồ sơ tín dụng của mình bằng những cách sau:
-
- Vay các khoản nhỏ từ công ty tài chính uy tín (như FE Credit, Home Credit) và trả đúng hạn.
- Sử dụng thẻ tín dụng hạn mức thấp, đảm bảo thanh toán đầy đủ hàng tháng.
- Sử dụng các nền tảng cho vay ngang hàng (P2P lending) để tiếp cận nguồn vốn thay thế. Một số nền tảng P2P không sử dụng CIC mà dựa vào đánh giá khác, giúp khách hàng có thể tiếp cận nguồn vốn ngay cả khi có nợ xấu, tuy nhiên lưu ý rằng vẫn tồn tại một số rủi ro pháp lý cho mô hình hoạt động P2P lending nên cần các chuyên gia pháp lý tư vấn thêm.
Lưu Khánh Vi – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
SDT: 0363006753
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi