Ngày nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, mạng xã hội (MXH) là nơi rất nhiều người trên khắp thế giới; với đa dạng độ tuổi, giới tính, tầng lớp xã hội tham gia. Điều này khiến nó giống như một thế giới thu nhỏ, có hay có dở, có tốt có xấu, có lợi có hại. Và vài năm trở lại đây, mặt xấu và mặt hại của MXH ngày càng có xu hướng nở rộng ra, nghiêm trọng hơn, với tin giả; clip nóng; công kích, bôi nhọ, kêu gọi tẩy chay cá nhân, tổ chức;… Vậy cần làm gì để giải quyết vấn nạn này, hoặc ít nhất là giảm thiểu số lượng, mức độ nghiêm trọng của các vụ bê bối trên, và quan trọng nhất là cần làm gì nếu chính bạn là nạn nhân?
Để trả lời được câu hỏi trên, chúng ta cần tìm hiểu căn nguyên của nó, theo ý kiến chủ quan của người viết, nhân tố hình thành nên MXH, duy trì sự vận hành của và kiểm soát nó lại cũng chính là nguyên nhân hình thành vấn đề, con người. Nếu để phân loại, người sử dụng MXH chủ yếu chia làm 3 loại. Thứ nhất, kiểu người sáng suốt, biết khai thác tối đa lợi ích và những điều tốt đẹp của MXH vào mục đích cá nhân hoặc tổ chức, lợi ích cộng đồng mà không đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức, pháp luật. Ngược lại, kiểu người thứ hai là những kẻ lợi dụng sức ảnh hưởng mạnh mẽ của MXH, lợi dụng hiệu ứng đám đông để chuộc lợi bất chính, hoặc chỉ đơn giản là để hãm hại, gây bất lợi cho cá nhân, tổ chức khác. Cuối cùng và chiếm số lượng đông đảo nhất là những người dùng với tâm lý đám đông, thích những gì giật gân, giật tít; hứng thú với những điều tiêu cực, xấu xa; và do đó rất dễ bị kiểu người thứ hai giật dây để tẩy chay, công kích, tổn thương đối tượng mà chúng nhắm tới.
Vậy, cách thức kẻ xấu lợi dụng để bắt nạt qua MXH là gì? Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) định nghĩa bắt nạt trên mạng là “bắt nạt khi sử dụng những công nghệ kỹ thuật số” và nó có thể “diễn ra trên mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, nền tảng trò chơi và điện thoại di động. Đó là hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích gây sợ hãi, tức giận hoặc làm xấu hổ những người bị nhắm tới”. Những hình thức bắt nạt trực tuyến có thể bao gồm các hình thức: gửi tin nhắn có nội dung xấu, tin nhắn quấy rối tới máy tính hoặc điện thoại một ai đó; phát tán tin đồn, đăng tải bình luận xúc phạm và làm nhục họ; chỉnh sửa hình ảnh, video riêng tư của họ rồi lan truyền qua mạng; lấy trộm thông tin cá nhân của ai đó rồi vào tài khoản của họ để phá hoại hoặc đăng tải thông điệp gây hại, làm tổn thương người khác. (Kể từ đây, người viết xin phép gọi chung các hành vi trên là bắt nạt qua mạng).
Hậu quả của bắt nạt qua mạng là gì? Chúng ta thường nghĩ bắt nạt trên mạng là một vấn đề phổ biến đối với trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng thực ra mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị ảnh hưởng bởi sự ngược đãi, tàn nhẫn và lạm dụng trực tuyến. Theo kết quả một nghiên cứu được công bố của Microsoft, 38% người dân ở 32 quốc gia nói rằng, họ đã từng liên quan đến một vụ bắt nạt, với tư cách là nạn nhân, người có hành vi bắt nạt hoặc là người chứng kiến. Tại Việt Nam, 51% người dùng mạng, bao gồm 48% người trưởng thành và 54% thanh thiếu niên, cho biết họ từng có liên quan đến một “vụ bắt nạt”. 21% đáp viên cho biết họ từng là nạn nhân và 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối. Đây đều là những con số biết nói, báo động mức độ nguy hiểm và mật độ xảy ra dày đặc của bắt nạt qua mạng so với tưởng tượng của chúng ta. Bắt nạt trực tuyến gây ra những hậu quả rất thật trong thế giới thực. Trong những trường hợp bắt nạt trên không gian mạng, nạn nhân có thể bị tổn hại bất cứ lúc nào trong ngày bởi các nguồn ẩn danh, và có khả năng sự việc sẽ được truyền đến rất nhiều người. Trong những năm trở lại đây, vấn nạn bắt nạt hoặc tự tử do bị bắt nạt trực tuyến đã gia tăng trong giới trẻ trên khắp thế giới. Khi ngày càng có nhiều người sử dụng các nền tảng trực tuyến, thì vấn nạn bắt nạt trên mạng ngày càng trở nên nguy hiểm đối với người dùng Internet.
Giải pháp nào cho vấn nạn trên? Theo nghiên cứu của Microsoft, khi là mục tiêu của hành vi bắt nạt hoặc quấy rối trực tuyến, hầu hết mọi người ở Việt Nam đều chặn kẻ bắt nạt (63%) hoặc chia sẻ với bạn bè về chuyện đã xảy ra (58%), số còn lại thì phớt lờ kẻ bắt nạt (43%). 50% đáp viên cho biết họ đã báo cáo hành vi cho các công ty truyền thông xã hội hoặc các nhà cung cấp khác. Microsoft cũng khuyến khích mọi người ở mọi lứa tuổi nếu gặp bất kỳ hành vi đe dọa hoặc quấy rối trực tuyến nào hãy báo cáo cho nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến có liên quan. Vậy nhưng liệu những biện pháp trên đã là đủ để ngăn chặn, răn đe những kẻ bắt nạt. Và cứu cánh nào cho danh dự và tinh thần bị tổn hại của người bị hại?
Chúng ta cần áp dụng những biện pháp mạnh tay hơn, mang tính ràng buộc, cưỡng chế của pháp luật để có thể giải quyết dứt điểm vấn đề. Pháp luật Việt Nam hiện nay đã có những quy định chặt chẽ và các hình phạt thích đáng, mang tính răn đe cao cho những kẻ bắt nạt trên MXH như sau:
Thứ nhất, hình thức xử phạt hành chính, căn cứ Điều 101, 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyên điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, người vi phạm bị phạt tiền từ 02 triệu đến tối đa là 70 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung và thực hiện biện pháp bồi thường hậu quả.
Ngoài xử phạt hành chính, các đối tượng bắt nạt qua mạng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm nhục người khác” hoặc “Tội vu khống” theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau: Với tội làm nhục người khác, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Với tội vu khống, bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề.
Tiểu kết, phía trên là những phân tích và quan điểm của người viết trên cơ sở thực tế, nghiên cứu và cơ sở pháp luật. Tuy nhiên, trong mỗi một vụ việc khác nhau, thì các tình tiết và vấn đề cũng sẽ có khác biệt. Do đó, nếu gặp phải vấn đề nêu trong bài viết và không biết cách để bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân, hãy đến với Văn phòng Luật sư đồng đội để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ các thủ tục pháp lý. Thông tin liên lạc và địa chỉ văn phòng đã được cập nhật đầy đủ trên website.