“Nước mắt” cao su
Đã 8 năm trôi qua quyền lợi của 98 hộ dân người M’Nông bon Đắk Pri xã Nâm N’Đir huyện Krông Nô tỉnh Đắk Nông khiếu nại, khởi kiện Công ty Nam Nung vi phạm hợp đồng giao khoán, lừa dối 98 hộ dân, xù tiền mủ cao su, tiền bảo hiểm xã hội của 36 lao động, không trung thực về quyền sở hữu đất vẫn chưa được giải quyết.
Sự việc chưa có hồi kết
Vào năm 2002 Lâm trường Nam Nung lập dự án trồng cao su tại tiểu khu ( TK) 610 cũ nay là TK 1289 toàn bộ diện tích đất lúc bấy giờ là của 98 hộ dân với diện tích khoảng trên 200 ha. Tháng 4/2002 Lâm trường Nam Nung( nay là Công ty TNHHMTV Nam Nung) mời lãnh đạo huyện ủy, UBND Krông Nô và chính quyền UBND xã Nâm Nung họp tại khu vực chợ Nâm Nung. Nội dung cuôc họp lúc bây giờ là triển khai quán triệt cho bà con về phương án kinh doanh, sản xuât của lâm trường. Lâm trường sẽ đóng vai trò là “bà đỡ” của bà con ưu tiên bà con dân tộc thiểu số tại chỗ triển khai lập dự án trồng và chăm sóc cây cao su theo hình thức cao su tiểu điền bà con sẽ được tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập xóa đói giảm nghèo. Chủ trương là vậy, tuy nhiên khi đến tuổi thu hoạch mủ cao su Lâm trường không thực hiện theo đúng tinh thần triển khai. Ngày 02/08/2008 bà con đã làm đơn kiến nghị gửi đơn lên UBND huyện Krông Nô, các sở nghành liên quan, UBND Tỉnh Đắk Nông để xem xét giải quyết. Ngay từ đầu khi triển khai liên kết cao su lãnh đạo Công ty TNHH Nam Nung đã lừa dối 98 hộ dân, họ biển thủ biên bản cuộc họp tại Chợ Nâm N’Đir ngày 25/04/2002 nhằm mục đích quỵt tiền 50% lợi nhuận của 98 hộ trong 2 năm 2009 – 2010 với số tiền rất lớn lên đến nhiều tỷ đồng Trong thời gian chờ chính quyền giải quyết bà con đã thống nhất thực hiện liên kết hợp đồng với công ty Nam Nung thời hạn là 18 năm theo phương án của công ty.
Giai đoạn 1 từ năm 2011 đến 5/7/2013; ngày ký hợp đồng kể từ ngày11/1/2011 98 hộ dân bon Đắk Prí đã kí với công ty Nam Nung hợp đồng giao khoán quản lí, bảo vệ, chăm sóc và khai thác mủ tại vườn cây cao su khai thác của công ty Nam Nung. Theo như nội dung hợp đồng giao khoán cụ thể điểm d khoản 2 điều 3 quy định quyền của bên nhận khoán: “ được nhận 30% bằng sản lượng mủ giao khoán khi thu hoạch được hằng ngày theo giá thị trường do đã đầu tưu chăm sóc, quản lí, bảo vệ…”. Diện tích liên kết đất của 98 hộ dân tại TK 1289 là 175,4 ha. 98 hộ dân được hưởng 30% sản lượng mủ suy ra 98 hộ dân được hưởng trọn sản lượng mủ trên diện tích là 30%*175,4 ha = 52,6 ha. Doanh thu mủ hằng ngày là 1.000.000đ/ha. Số ngày cạo/tháng là 15 ngày, số tháng cạo/ năm là 9 tháng. Thời gian cạo mủ trong giai đoạn 1 từ năm 2011 đến tháng 7/2013 là 21 tháng. Như vậy, số tiền cạo mủ cao su trong giai đoạn 1 mà bà con được hưởng phải là 16.569.000.000đ . Một con số rất lớn, tuy nhiên thời gian này phía công ty Nam Nung không hề thực hiện nghĩa vụ tài chính là thanh toán phần quyền lợi chính đáng cho các hộ dân như hợp đồng đã giao kết.
Giai đoạn 2, từ 5/7/2013 đến nay, bức xúc vì Công ty Nam Nung vi phạm nội dung hợp đồng, 98 hộ dân bon Đắk Prí đã gửi đơn đến UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện và các cấp vào cuộc giải quyết. Ngày 5/7/2013 một cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Trường Giang UVTV- CNUBKT, sau cuộc họp ông Giang kết luận: bà con có đất hưởng 30%, công ty hưởng 70% sản phẩm thu hoạch hàng tháng và có trách nhiệm thanh toán hàng tháng cho bà con.Xong, một lần nữa Công ty Nam Nung phớt lờ ý kiến của huyện, tiếp tục vi phạm nội dung hợp đồng. Năm 2013 Công ty chỉ trả cho bà con 3 tháng 8, 9,10 nhưng trả rất tùy hứng: cùng 1 ha đất hộ bà Mí Nhung được trả 1.300.000đ/tháng, hộ ông Ma Long được trả 800.000đ/tháng, hộ ông Ma Ven được trả 600.000đ/tháng những tháng còn lại công ty xù tiền bà con. Năm 2014 Công ty chi trả làm 2 đợt, năm 2015 trả thành 2 đợt, năm 2016 không hề thanh toán một xu nào. Từ 8/2013 đến 2016 là 33 tháng như cách tính ở trên số tiền ba con được hưởng phải là 27.709.000.000đ/năm nhưng trên thực tế số tiền bà con thấp hơn rất nhiều so với con số 27,7 tỷ
Như vậy, hơn 8 năm tổng số tiền Công ty nợ các hộ dân là: 42.606.000.000đ (Bốn mươi hai tỷ sáu trăm linh sáu triệu đồng(đã trừ tiền công ty thanh toán lẻ tẻ cho các hộ dân). Hơn 42 tỷ là con số rất lớn với bà con, là mồ hôi nước măt của bà con Công ty Nam Nung sở hữu 1.500 ha nên doanh thu hàng ngày rất lớn từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ/ngày. Vậy xin hỏi tiền công sức của 98 hộ dân ở đâu?. Phía Công ty Nam Nung buộc phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền này cho bà con như trong hợp đồng đã giao kết.
Ngày 26/8/2016 để làm dịu lòng bà con Công ty TNHH MTV Nam Nung đã tổ chức cuôc họp tại bon Đắk Prí tại cuộc họp Giám đốc Công ty – Phạm Đức Thắng cam kết trả hết số tiền 30% từ tháng 8/2016 trở về trước ngày 15/9/2016 cho bà con. Lời hứa là vậy, nhưng trên thực tế công ty không thực hiện.
Mặt khác, theo như quy định của Bộ luật lao động Công ty Nam Nung có nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho lao động làm việc tại Lâm trường tuy nhiên từ khi giao kết hợp đồng Công ty không hề đóng bảo hiểm cho bà con. Ngược lại Công ty còn thu tiền bảo hiểm của 36 lao động từ năm 2012 đến năm 2016 mà không làm sổ bảo hiểm cho họ số tiền bảo hiểm lên tới hàng trăm triệu đồng .
Cũng tại biên bản xác nhận về đồng sở hữu đất vườn cây cao su tại điều d cam kết chung có ghi: “ Công ty TNHH MTV Nam Nung trong thời gian đồng sở hữu không được mang tài sản này để góp vốn liên doanh, liên kết cổ phần hóa hay xử lí tài sản khi bị phá sản”.Nhưng trên thực tế thời gian qua công ty đã tiến hành làm thủ tục cổ phần hóa, họ đã đo đạc, kiểm tra toàn bộ diện tích vùng cao su trên TK 1289 mà không hề có thông báo thỏa thuận gì với bà con. Quyền sở hữu đất của 98 hộ được ghi rõ ràng, lặp đi lặp lại 4 lần trong các văn bản và hợp đồng. Cụ thể , tại điểm 9 đơn xin nhận khoán có xác nhận của UBND xã Nâm N’Đir , điểm k khoản 1 điều 2 trang 4, điểm m khoản 2 điều 3 trang 6 hợp đồng và điểm 3 mục C về mục đích, thời gian đồng sở hữu trong biên bản xác nhận đồng sở hữu vườn cây cao su. Nội dung 4 điều trên đều ghi rõ: Khi kết thúc chu kì giao khoán Công ty TNHH MTV Nam Nung và UBND xã Nâm N’Đir lập thủ tục đề nghị các cấp có thẩm quyền tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông GCNQSDĐ (bìa đỏ) cho các hộ gia đình.Nhưng thực tế lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Nung không tôn trọng pháp luật, trực tiếp chà đạp thô bạo lên những điều khoản do chính tay họ soạn thảo và kí trong hợp đồng liên kết 98 hộ. Họ đã mời công an vào cuộc để ép 98 hộ mất đi 129,1 ha đất.( đây là diện tích công an đưa ra không có căn cứ trái với hợp đồng đã kí hợp pháp với Công ty Nam Nung).
Việc nợ lương nợ bảo hiểm, vi phạm cam kết về đồng sở hữu đất của Công ty Nam Nung không đơn giản là việc vi phạm nội dung hợp đồng đã giao kết mà còn là sai phạm nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự.
Hậu quả trông thấy….
Bà con không có đất canh tác, không có tiền công hoàn cảnh đã khó khăn nay còn khó khăn gấp bội. Bà con phải đi làm thuê công nhật theo mùa, lên rừng hái củ, thu nhập không ổn định, nhiều hộ gia đình điêu đứng. Họ không có tiền ăn , tiền học cho con em ,tương lai của hộ dân tại bon vô cùng bấp bênh. Không những thế một số đối tượng xấu đã lợi dụng mâu thuẫn giữa Công ty Nam Nung và 98 hộ dân, lợi dụng bà con hiểu biết kém đã có hành vi kích động bà con đấu tranh nhằm trục lợi. Bà con không biết cách đấu tranh đã dồn bức xúc vào đập phá chém mủ, đánh cán bộ Công ty và dẫn đến hậu quả đau đớn, một số người lâm vào cảnh tù tội, gia đình đã khó khăn nay khó khăn chồng chất .
Không chỉ có bà con, cán bộ làm việc tại công ty 3 năm không có lương, đặc biệt tết Nguyên đán vừa qua họ không có 1 xu mang về ăn tết. Hoạt động của Công ty Nam Nung bị đình trệ rừng cao su không ai chăm sóc làm giảm tuổi thọ chất lượng cây, mủ không được khai thác thiệt hại lên đến hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Không chỉ lãng phí cho Doanh nghiệp mà còn lãng phí công sức của người dân, thất thu tiền thuế của Nhà nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Công an vào cuộc không đúng thẩm quyền, công tác giải quyết của chính quyền chậm chễ
Khi bà con kiến nghị đến các cơ quan hữu quan, đấu tranh với những làm sai trái của Công ty Nam Nung thì cơ quan công an lại vào cuộc tiến hành kiểm đếm lại đất cho người dân sau đó yêu cầu thậm chí là cưỡng ép bà con phải giao lại đất cho công ty Nam Nung. Diện tích ban đầu của các hộ dân khi giao kết với công ty là 175,4 ha , sau khi công an vào cuộc diện tích giảm xuống còn 46,3 ha bà con mất 129,1 ha. Công an đã hình sự hóa quan hệ dân sự trái với thẩm quyền của mình theo quy định tai luật Công an nhân dân gây thiệt hại nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bà con nông dân. Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng đã kí giữa 98 hộ dân và công ty Nam Nung chỉ có thể giải quyết bằng thỏa thuận, hòa giải hoặc đưa ra tòa án phân xử bằng một bản án dân sự.
Vụ việc diễn ra từ năm 2008 đến nay đã được 8 năm, bà con đã làm rất nhiều đơn kiến nghị gửi các cấp các nghành giải quyết. UBKT Tỉnh ủy đã công bố quyết định tổ chức kiểm tra đối với Đảng viên giám đốc Công ty, tổ chức lấy ý kiến của các hộ gia đình, Đảng ủy khối các Doah nghiệp, các đoàn thanh tra kiểm tra đã vào cuộc nhưng công tác giải quyết còn chậm chễ quyền lợi của bà con ảnh hưởng nghiêm trọng họ khó khăn về vật chất hoang mang về tinh thần. Cách giải quyết của chính quyền địa phương tác động rất lớn đến niềm tin của nhân dân vào chính quyền vào đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Đồng hành cùng 98 hộ dân trong vụ việc Văn phòng luật sư Đồng Đội đã nhiều lần gửi công văn đến cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Đắk Nông và trực tiếp kiến nghị đến Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đề nghị sớm báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông và cấp Ủy chính quyền nhanh chóng giải quyết vụ việc trên tuy nhiên công tác còn rất chậm chễ.
Ở các địa phương khác mủ cao su đem lại nụ cười hạnh phúc cho người lao động cho họ cơm no áo ấm cho con em họ đến trường nhưng tại Lâm trường Nam Nung mủ cao su do Công ty TNHH MTV Nam Nung quản lý chỉ mang lại nước mắt cho người lao động, mất đi niềm tin và sự uất hận.
Rất mong với những thông tin mà chúng tôi cung cấp trong bài viết, bạn đọc có cái nhìn khách quan về vụ việc của 98 hộ dân tại Lâm trường Nam Nung từ đó đưa ra quan điểm cá nhân cùng chúng tôi bảo vệ quyền lợi cho bà con dân tộc, hãy lên tiếng vì đồng bào. Chúng ta có thể nhịn uất ức, nhịn căm phẫn nhưng không thể nhịn đói, bà con đang đói họ cần được quan tâm cần được bảo vệ.
Luật sư Trần Xuân Tiền & Lê Thủy viết