Nhận con nuôi không chỉ đáp ứng nhu cầu chính đáng của các cặp vợ chồng mà hơn hết thể hiện nghĩa cử cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đem lại niềm vui, hạnh phúc, mái ấm tình thương cho biết bao gia đình. Tuy nhiên, việc xác định quyền của con nuôi thực tế theo quy định của pháp luật là một vấn đề hết sức phức tạp, đặc biệt là đối với các vụ án “tranh chấp về di sản thừa kế”.
Nuôi con nuôi thực tế
Về bản chất của quan hệ nuôi con nuôi thực tế là đã hình thành và tồn tại quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận nuôi trong thực tế cuộc sống. Quan hệ cha mẹ và con được xác lập phù hợp với mong muốn, tình cảm của các bên và được thể hiện rõ ràng, công khai trong cuộc sống, nhưng chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Một quan hệ chỉ được coi là nuôi con nuôi thực tế khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
– Về ý chí của các bên: Giữa người nhận nuôi và con nuôi có mong muốn thiết lập quan hệ cha mẹ và con, đã thật sự coi nhau như cha mẹ và con, đối xử với nhau trong tình cảm cha mẹ và con.
– Về chủ thể: người nhận nuôi và con nuôi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, như điều kiện về tuổi, tư cách đạo đức, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng…
– Về khách quan: các bên đã cùng chung sống với nhau, gắn bó, cư xử với nhau trong tình cảm cha mẹ và con, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con đối với nhau. Quan hệ giữa cha mẹ và con giữa hai bên được họ hàng và mọi người xung quanh thừa nhận. Việc nuôi con nuôi là đúng mục đích, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Quy định của pháp luật về nuôi con nuôi thực tế
Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 và năm 1986 thì việc nuôi con nuôi phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận và ghi vào sổ hộ tịch thì mới có giá trị pháp lý.
Điểm a Mục 6 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/1/1988 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Luật HN&GĐ năm 1986 quy định: “Những điều kiện về nuôi con nuôi đã được quy định trong các Điều 34, 35, 36, và 37 nhưng trước khi Luật này được ban hành thì những điều kiện đó chưa được quy định đầy đủ. Vì vậy, những việc nuôi con nuôi trước khi ban hành Luật mới vẫn có giá trị pháp lý, trừ những trường hợp nuôi con nuôi trái với mục đích xã hội của việc nuôi con nuôi (như: nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động hoặc để dùng con nuôi vào những hoạt động xấu xa, phạm pháp). Nếu việc nuôi con nuôi trước đây chưa được ghi vào sổ hộ tịch nhưng việc nuôi con nuôi đã được mọi người công nhận và cha mẹ nuôi đã thực hiện nghĩa vụ với con nuôi thì việc nuôi con nuôi vẫn có những hậu quả pháp lý do luật định…”.
Như vậy, theo quy định này thì việc nhận nuôi con nuôi trước năm 1983 không tiến hành đăng ký ghi tên vào sổ hộ tịch nhưng đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, được mọi người công nhận thì con nuôi sẽ vẫn được hưởng đẩy đủ các quyền do luật định, trong đó có quyền được hưởng di sản thừa kế.
Theo Điều 72 Luật HN&GĐ năm 2000 thì, “việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào sổ hộ tịch”. Điều 17 Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27/3/2002 quy định: “Những trường hợp nhận nuôi con nuôi được xác lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2001, ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có hiệu lực pháp luật, mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng có đủ điều kiện theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và trên thực tế, quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi đã được xác lập, các bên đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình, thì được pháp luật công nhận và được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký nuôi con nuôi. Nếu có tranh chấp liên quan đến việc xác định quan hệ giữa cha, mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi thì do Toà án giải quyết”.
Trong giai đoạn hiện nay, theo quy định của Luật Nuôi con nuôi năm 2010 và Luật Hộ tịch năm 2014, thì việc nuôi con nuôi phải được đăng ký và phải tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền với trình tự, thủ tục, điều kiện theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, Vấn đề con nuôi thực tế là một vấn đề phức tạp, bởi lẽ, khi nhận nuôi, cả hai bên (cha, mẹ nuôi và con nuôi) đều không có giấy tờ gì cho việc xác nhận quan hệ nuôi dưỡng. Do đó, khi xảy ra tranh chấp (thường là tranh chấp giữa về di sản thừa kế khi cha, mẹ qua đời), cần phải phải tiến hành xác minh làm rõ các vấn đề về quan hệ nuôi dưỡng, trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng, để từ đó có cơ sở xác định có việc nhận nuôi và có quan hệ cha, mẹ và con nuôi hay không?
Vụ án tranh chấp xảy ra tại Kim Sơn, Ninh Bình giữa mẹ nuôi và con nuôi là một minh chứng cụ thể, rõ ràng cho tình trạng trên. Sự việc cụ thể như sau:
Ông N và ông T là hai anh em ruột. Ông N có 06 người con (trong đó có ông G- sinh năm 1964), ông T lấy bà L không có con. Năm 1970, nhận ông G làm con nuôi (khi ông G được 6 tuổi), trên sổ hộ khẩu được cấp năm 1994 gia đình ông T vẫn ghi nhận là cháu nuôi, nhưng có được sự công nhận của mọi người xung quanh ông G là con nuôi.
Năm 2004, ông T mất bà L vẫn tiếp tục ở với gia đình ông G đến khoảng tháng 7/2017 thì bà L có lý do đi vào TP Hồ Chí Minh thăm người nhà.
Đến tháng 1/2018 bà Lâm quay trở về và gửi đơn khởi kiện đến TAND huyện Kim Sơn để đòi lại QSD đất 595,7m2 + 62,5m2 đất đang sinh sống vì cho rằng việc nuôi ông G là có mục đích tạo điều kiện là sinh sống, ăn học, tạo dựng cuộc sống và sau đó lập gia đình.
Trong vụ việc này, ông G thực tế đã tồn tại quan hệ nhận con nuôi từ năm 1970, được mọi người công nhận tuy nhiên chưa tiến hành thủ tục đăng ký đến nay xảy ra tranh chấp liên quan đến việc chia di sản thừa kế.Vậy câu hỏi đăt ra ông G có được hưởng di sản thừa kế không? Căn cứ theo quy định tại Điểm a Mục 6 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/1/1988 thì ông G vẫn được hưởng đầy đủ các quyền của con nuôi, trong đó có quyền được hưởng di sản thừa kế, thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trên thực tế, do trình độ hiểu biết của người dân còn kém đặc biệt là liên quan đến vấn đề pháp luật do vậy không chỉ đối với trường hợp của ông G mà còn rất nhiều những hộ gia đình khác viêc nhận con nuôi chỉ được thể hiện thông qua sự thỏa thuận bằng lời nói, không thực hiện thủ tục đăng ký, khi có tranh chấp thì Tòa án không công nhận mối quan hệ nuôi dưỡng trên thực tế và không chia thừa kế theo pháp luật đối với người con nuôi này, mà còn kéo dài thời gian quá trình tố tụng, mâu thuẫn gia đình lên đến đỉnh điểm.
Do đó, pháp luật cần phải xây dựng cũng như việc áp dụng cần phải linh hoạt hơn, phù hợp với thực tế cuộc sống góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc xác nhận, làm thủ tục nhận con nuôi, cha, mẹ nuôi, thì đối với những trường hợp không đăng ký (nuôi thực tế) đã tồn tại trước đây có tranh chấp xảy ra đòi hỏi Thẩm phán, Kiểm sát viên phải căn cứ vào thực tiễn của từng mối quan hệ để từ đó ra phán quyết, giải quyết vụ án một cách chính xác, hợp lý, hợp tình tránh tình trạng cứng nhắc làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan.
Nguyễn Thị Thu Hiền
Thực tập sinh Văn phòng Luật sư Đồng Đội
(ĐT: 0983 788 497; email: hiennguyen190597@gmail.com)