Tình huống: A và B là hàng xóm, do tranh chấp về đất cát nên hai bên có mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, trong khi xảy ra xô xát thì A làm B chết. Vậy khi nào xác định A phạm tội cố ý gây thương tích với tình tiết định khung là làm chết người và khi nào A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người.
Trả lời:
Đối với trường hợp trên, luật sư xin tư vấn như sau:
Định tội danh là vấn đề cơ bản, quan trọng nhất của khoa học luật hình sự, đồng thời cũng đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động tố tụng của cơ quan công an, viện kiểm sát và tòa án. Việc xác định đúng tội danh nhằm đánh giá đúng sự thật khách quan, tạo tiền đề để phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa hình phạt một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật.
Trên thực tế, tội giết người và tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người đều thuộc loại tội phạm nguy hiểm. Tuy nhiên căn cứ vào những yếu tố cấu thành tội phạm thì hai tội này cũng có những điểm khác nhau. Do đó mà việc phân biệt rạch ròi giữa hai tội trên là một vấn đề vô cùng thiết yếu.
Đối với trường hợp này, hành vi của anh A dẫn đến hậu quả là gây chết người tuy nhiên để có thể xác định được hành vi này là yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người hay tội giết người thì cần phải xác định nhiều yếu tố khác nhau.
Theo đó, các cơ quan chức năng xác định hành vi của anh A sẽ bị định khung về tội cố ý gây thương tích gây hậu quả làm chết người hay tội giết người dựa trên các yếu tố sau:
Thứ nhất, về mục đích của hành vi phạm tội
Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ (2003), mục đích có nghĩa là “Cái vạch ra làm đích nhằm đạt cho được” . Trong đó thì người phạm tội giết người hay người phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người đều có mục đích xâm phạm vào cơ thể, sức khỏe của người khác nhưng mức độ thì hoàn toàn khác nhau. Cụ thể người phạm tội giết người thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Trong khi mục đích của người phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể nạn nhân, việc nạn nhân chết là nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội.
Thứ hai, về mức độ, cường độ tấn công
Đối với hai tội danh này, hành vi của người phạm tội đều có thể được coi là những hành vi thô bạo tuy nhiên cường độ tấn công giữa hai tội này vẫn có sự khác nhau rõ rệt.
Theo đó, người phạm tội thực hành vi tấn công nạn nhân với mức độ tấn công yếu, không dồn dập, không quyết liệt nếu có quyết liệt thì cũng chỉ là những vị trí khó gây chết người. Những trường hợp như vậy, người phạm tội có thể được định khung về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra xác định được hành vi tấn công của người phạm tội là tấn công dồn dập, cường độ tấn công mạnh, quyết liệt. Theo đó, người phạm tội có thể bị chuyển đổi tội danh sang tội giết người.
Thứ ba, về vị trí tác động trên cơ thể
Vị trí tác động lên nạn nhân cũng là một trong các yếu tố quan trọng để xác định tội danh.
Các vùng trọng yếu trên cơ thể được coi là vùng đầu (sọ gáy, não), ngực, ổ bụng,… Những người phạm tội giết người thường tập trung tấn công chủ yếu vào những bộ phận này của nạn nhân khiến gây ra cái chết. Mặt khác, người phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người thì sẽ thường tấn công vào những vị trí không hoặc ít gây nguy hiểm chết người như vùng vai, tay, chân,..
Nếu người phạm tội thực hiện các hành vi tấn công đến vị trí này khiến người đó mất mạng có thể bị chuyển đổi tội danh thành tội giết người. Tuy nhiên, người thực hiện hành vi tấn công vào các vùng như là tay, chân, mặt mũi,… được gọi là các vùng khó gây ra cái chết cho nạn nhân với mức độ tấn công yếu không nhằm tước đoạt mạng sống của nạn nhân thì có thể được xác định khung tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác.
Thứ tư, về yếu tố lỗi
Trong quá trình A và B xô xát với nhau, nếu cơ quan điều tra xác định được A chỉ cố ý khiến B bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khỏe, không mong muốn cho nạn nhân bị chết, cũng không bỏ mặc cho nạn nhân chết và việc nạn nhân bị chết là ngoài ý muốn của người phạm tội. Khi đó, A bị xác định khung về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra mà xác định được A cố ý tước đoạt tính mạng của B do cố ý trực tiếp (có ý định từ trước) hay cố ý gián tiếp (cố ý đột xuất), có nghĩa là A nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc hậu quả đó xảy ra thì A có thể bị chuyển đổi tội danh thành tội giết người.
Như vậy, mặc dù ở hai tội này, người thực hiện hành vi phạm tội đều thực hiện hành vi là do lỗi cố ý nhưng việc nạn nhân chết tùy thuộc vào ý chí của người phạm tội mà cơ quan chức năng sẽ xác định A định khung về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hay chuyển đổi tội danh thành tội giết người.
Như vậy, với hai tội trên trong trường hợp khi tấn công cùng sử dụng hung khí thì sẽ xác định vùng cơ thể mà người phạm tội tác động cùng cường độ tác động để xác định A định khung cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hay sẽ bị chuyển đổi tội danh giết người.
Theo đó, đối với hành vi mà bị cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo Điều 134 và tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì mức phạt nhẹ nhất đối với hai tội này đều là hình phạt tù ít nhất 07 năm và mức hình phạt nặng nhất đối với tội cố ý gây thương tích là tù chung thân còn đối với tội giết người do hành vi phạm tội khác nên hình phạt tù nặng nhất mà người phạm tội có thể chịu là tử hình. Do đó, tùy vào mức độ, tính chất của hành vi phạm tội thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét người đó thuộc tội nào, thuộc khung hình phạt nào.
Người viết: Nguyễn Hương Ly
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi