Trong hoạt động thi hành án dân sự, để đảm bảo bản án, quyết định của Tòa án được thực thi trên thực tế, bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của đương sự trong vụ việc và hoạt động thi hành án đạt được hiệu quả, trong các trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật cơ quan thi hành án phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng quy định về cưỡng chế thi hành án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều vụ việc cưỡng chế thi hành án khi chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định pháp luật dẫn đến việc đương sự bức xúc, đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, gây bất bình trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Các biện pháp cưỡng chế thi hành án và điều kiện áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án
Hiện nay trong Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật THADS sửa đổi 2014) không quy định cụ thể về khái niệm cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên có thể hiểu bản chất của cưỡng chế thi hành án dân sự là biện pháp thi hành án dân sự dùng quyền lực nhà nước, áp đặt ý chí của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân nhất định để buộc tổ chức, cá nhân đó phải thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định theo ý chí của Nhà nước.
Theo quy định tại Điều 71 Luật THADS sửa đổi 2014 thì các biện pháp cưỡng chế thi hành án bao gồm: Khấu trừ tiền trong tài khoản, thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án; Trừ vào thu nhập của người phải thi ành án; Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; Khai thác tài sản của người phải thi hành án; Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ; Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định. Chấp hành viên phải gửi ngay kế hoạch cưỡng chế cho Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Công an cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án dân sự.
Người phải thi hành án có thời hạn là 10 ngày để tự nguyện thi hành án, thời gian tự nguyện thi hành án được tính kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Hết thời hạn này người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.
Không được cưỡng chế thi hành án dân sự trong trường hợp nào?
Theo quy định của Luật THADS sửa đổi 2014 thì không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, không tổ chức cưỡng chế thi hành án vào các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.
Ngoài những trường hợp không tổ chức cưỡng chế thi hành án do Luật Thi hành án dân sự quy định, cơ quan thi hành án dân sự không tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng trong thời gian 15 ngày trước và sau tết Nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách, nếu họ là người phải thi hành án; các trường hợp đặc biệt khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương.
Thực tiễn áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự
Cưỡng chế thi hành án dân sự là biện pháp mang tính quyền lực nhà nước, có ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích hợp pháp của được sự do đó cần hết sức thận trọng, tránh việc áp đặt một cách khiên cưỡng, cứng nhắc dẫn đến hậu quả không thể khắc phục được trong thi hành án, đặc biệt là các vụ việc cưỡng chế đối với tổ chức, doanh nghiệp, tài sản cưỡng chế thi hành án có giá trị lớn, dư luận bức xúc, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Thực tiễn cho thấy, nhiều vụ cưỡng chế thi hành án được tổ chức thực hiện khi chưa đảm bảo các điều kiện về cưỡng chế thi hành án như: Xác minh, kê biên tài sản không phải của người thi hành án gây thiệt hại nghiêm trọng cho chủ sở hữu hợp pháp của tài sản; Kê biên thiếu, không đầy đủ tài sản thi hành án; Xác minh, kê biên thiếu, sai diện tích đất, số lượng tài sản thi hành án; Tổ chức cưỡng chế thi hành án khi nhận thấy bản án, quyết định của Tòa án có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật hoặc nội dung trong bản án, quyết định của Tòa án không rõ ràng nhưng không có văn bản đề nghị Tòa án giải thích bản án hoặc kiến nghị đến người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm; Tổ chức cưỡng chế thi hành án khi nhận thấy nhiều sai phạm trong việc xác minh, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản hoặc đang có quyết định thanh tra của cơ quan có thẩm quyền mà không báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo, cấp có thẩm quyền dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức, Nhà nước trong vụ việc.
Luật THADS 2014 không giới hạn về thời gian được thỏa thuận thi hành án cho đến khi thi hành án xong do đó trong thi hành án cần ưu tiên và áp dụng triệt để biện pháp thỏa thuận, thương lượng trong thi hành án, việc cưỡng chế thi hành án chỉ nên thực hiện khi người phải thi hành án chống đối việc thi hành án.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp của mình, đương sự trong vụ việc thi hành án cần sớm tìm đến các chuyên gia, luật sư có kiến thức, kinh nghiệm, chuyên sâu về thi hành án dân sự để được tư vấn pháp luật kịp thời, hạn chế việc gần đến ngày cưỡng chế thi hành án hoặc sau khi đã cưỡng chế thi hành án xong mới tìm đến luật sư tư vấn vì thời điểm này thiệt hại có thể đã xảy ra và rất khó khắc phục.
Người viết: Hoàng Lan – CVPL tại VPLS Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi