Cùng với sự phát triển của xã hội, mối liên kết trong gia đình lỏng lẻo, mặt trái của cơ chế thị trường, những cám dỗ của cuộc sống hiện đại đã khiến tội phạm là người dưới 18 tuổi ngày càng trẻ hóa và gia tăng, đây cũng chính là nhóm người chưa thành niên phạm tội – là đối tượng nghiên cứu trong bài viết dưới đây. Không khó để bắt gặp những đối tượng phạm tội chỉ mới 12 – 13 tuổi đã thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội như giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy… Tuy nhiên vì đối tượng là trẻ người dưới 18 tuổi phạm tội nên không thể xử lý bằng chế tài hình sự bởi các đối tượng này chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Bài viết dưới đây sẽ đi sâu về nghiên cứu, phân tích về tội phạm người dưới 18 tuổi phạm tội.
1, Động cơ phạm tội của trẻ người dưới 18 tuổi phạm tội
Động cơ phạm tội là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội. Vậy động cơ phạm tội của trẻ người dưới 18 tuổi phạm tội là gì? Với nhóm đối tượng phạm tội là trẻ người dưới 18 tuổi phạm tội sẽ có nhiều động cơ khác nhau bởi ở lứa tuổi này hành vi phạm tội chịu tác động của rất nhiều yếu tố. Trẻ người dưới 18 tuổi phạm tội thường có động cơ mang tính chất hiếu chiến gắn liền với những hành vi phạm tội có tính chất nguy hiểm, nghiêm trọng như muốn được khẳng định bản thân, muốn người khác phải phục tùng, sợ mình hay đơn giản là trả thù bạn bè,… Nguyên nhân của tình trạng này là do trẻ người dưới 18 tuổi phạm tội có cái tôi cao, chưa biết cách kiềm chế bản thân, bên cạnh đó do ảnh hưởng của các trò chơi bạo lực trên internet, trong các trò chơi bạo lực, trẻ được hóa thân trực tiếp vào nhân vật, được khen thưởng khi thực hiện thành công các hành vi bạo lực. Chính vì vậy, trẻ người dưới 18 tuổi phạm tội đã đem các hành vi bạo lực vào các hành động thường ngày. Ngoài ra, các hành vi bạo lực trong gia đình của chính cha mẹ các em cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của các em.
2, Các yếu tố ảnh hưởng tới động cơ phạm tội của trẻ người dưới 18 tuổi phạm tội
Yếu tố về gia đình
Trong các yếu tố gia đình tác động đến động cơ phạm tội của trẻ người dưới 18 tuổi phạm tội thì yếu tố bố mẹ, người nuôi dưỡng dành ít thời gian quan tâm, chăm sóc được cho là yếu tố tác động tới động cơ của trẻ người dưới 18 tuổi phạm tội nhiều nhất, Bên cạnh đó, yếu tố “cha mẹ, người nuôi dưỡng nuông chiều, muốn gì được nấy”, cha mẹ ly hôn”, “cha mẹ ham mê cờ bạc’’, “cha mẹ thường xuyên cãi nhau và đánh nhau”, “thường xuyên bị cha mẹ đánh đập, la mắng” cũng tác động rất lớn đến động cơ phạm tội của trẻ người dưới 18 tuổi phạm tội.
Yếu tố nhà trường
Khó khăn trong trường học mà trẻ người dưới 18 tuổi phạm tội gặp phải có tỉ lệ cao nhất là ít tham gia các hoạt động tập thể của lớp, của trường. Ngoài ra, các yếu tố gây khó khăn cho trẻ trong trường học như: hay gây gổ, cãi nhau với bạn bè, học kém, không thích học, rụt rè, tự ti, ít giao tiếp với bạn bè thầy cô; các bạn ngoan, học giỏi ít gần gũi;… Hoàn cảnh gia đình, lực học, khả năng phát triển… chính là các rào cản khiến các em khó hòa nhập trong môi trường học tập hay khi chuyển từ cấp 1 sang cấp 2 (môi trường học tập thay đổi, khối lượng môn học tăng lên,…).
Yếu tố xã hội
Trẻ người dưới 18 tuổi phạm tội tụ tập bạn bè ăn nhậu, thường xuyên chơi game và các trò chơi trên mạng internet, thích chơi với bạn bè quậy phá, chơi bời. Các em thích tụ tập, chơi bời nhậu nhẹt cùng bạn bè do các em cho rằng bạn bè hiểu mình hơn cha mẹ. Trẻ người dưới 18 tuổi phạm tội dành thời gian để chơi game và xem phim có nội dung bạo lực đánh đấm. Các trò chơi bạo lực hiện nay đa số cho phép người chơi hóa thân thành nhân vật bạo lực, chủ động trong các hành vi bạo lực, chủ động trong việc lựa chọn nạn nhân, vũ khí, theo dõi nạn nhân…và đặc biệt, có khen thưởng khi hành vi bạo lực được thực hiện thành công. Điều này càng kích thích các em lấn sâu vào các trò chơi bạo lực trên game và hành xử những kiểu bạo lực đó trong thực tế đời sống với những người xung quanh.
3, Quy định của pháp luật đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất gây nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm, Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng khi điều tra, truy tố, xét xử trước hết cần phải xác định độ tuổi của người phạm tội. Tuổi cành ít thì khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội càng hạn chế. Vì thế người dưới 18 tuổi phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm. Tuy nhiên, không phải tội nào người dưới 18 tuổi cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chỉ những người từ đủ 14 tuổi trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3.1 Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự 2015 (28 tội danh), còn người từ đủ 16 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
Khi quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, tòa án không chỉ căn cứ vào Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015 (căn cứ quyết định hình phạt) mà còn phải căn cứ vào các quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Chương XII Bộ luật Hình sự 2015 từ Điều 90 đến Điều 104. Các quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bao gồm những nguyên tắc, những căn cứ để tòa án áp dụng khi xét xử tội phạm lúc người chưa đủ 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội.
Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 quy định 07 nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong đó có nguyên tắc chung, có nguyên tắc miễn trách nhiệm hình sự, có nguyên tắc quyết định hình phạt.
Theo quy định của pháp luật Hình sự Việt Nam thì người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp, còn người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm đối với mọi hành vi phạm tội, theo đó: Không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người dưới 18 tuổi; đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì hình phạt tù cao nhất không quá 12 năm; đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì hình phạt tù cao nhất không quá 18 năm, trường hợp áo dụng hình phạt tù có thời hạn thì hình phạt với người dưới 18 tuổi sẽ không quá ¾ mức hình phạt so với người đã thành niên.
3.2 Nguyên tắc, biện pháp áp dụng đối với trẻ người dưới 18 tuổi phạm tội phạm tội
Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Điều 91 BLHS 2015, cụ thể như sau:
a, Nguyên tắc việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội (khoản 1 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015)
b, Nguyên tắc người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Hình sự 2015, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục quy định tại Mục 2 Chương XII Bộ luật Hình sự 2015 (khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015). Các trường hợp mà người dưới 18 tuổi có thể được miễn trách nhiệm hình sự gồm:
– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”); Điều 141 (tội “Hiếp dâm”); Điều 171 (tội “Cướp giật tài sản”); Điều 248 (tội “Sản xuất trái phép chất ma túy”); Điều 249 (tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”); Điều 250 (tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”); Điều 251 (tội “Mua bán trái phép chất ma túy”); Điều 252 (tội “Chiếm đoạt chất ma túy”) của Bộ luật Hình sự 2015;
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự 2015, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội “Giết người”); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”); Điều 141 (tội “Hiếp dâm”), Điều 142 (tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”); Điều 144 (tội “Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”); Điều 150 (tội “Mua bán người”); Điều 151 (tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”); Điều 168 (tội “Cướp tài sản”); Điều 171 (tội “Cướp giật tài sản”); Điều 248 (tội “Sản xuất trái phép chất ma túy”); Điều 249 (tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”); Điều 250 (tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”); Điều 251 (tội “Mua bán trái phép chất ma túy”); Điều 252 (tội “Chiếm đoạt chất ma túy”) của Bộ luật Hình sự 2015;
– Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.
- c) Nguyên tắc việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm (khoản 3 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015)
- d) Nguyên tắc khi xét xử, tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa (khoản 4 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015).
đ) Nguyên tắc không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (khoản 5 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015).
- e) Nguyên tắc “Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Khi xử phạt tù có thời hạn, tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất” (khoản 6 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015).
- g) Nguyên tắc án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm (khoản 7 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015).
Để phòng ngừa tình trạng tội phạm trẻ hóa, trước tiên cần đẩy mạnh giáo dục gia đình. Bởi lẽ, gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách mỗi cá nhân. Gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của chính con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những lệch lạc, sai trái./.
Người viết: Văn phòng luật sư Đồng Đội
__________
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi