Tách vụ án hình sự là một biện pháp tố tụng do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nhằm chia tách một phần hoặc toàn bộ nội dung của một vụ án hình sự thành các vụ án riêng biệt để thuận lợi cho quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, cơ quan có thẩm quyền chỉ được quyết định tách vụ án khi cần thiết, với điều kiện việc tách này không làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
Nói cách khác, Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án khi đáp ứng đủ 2 điều kiện:
– Không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm;
– Việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
Bên cạnh đó trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát là cơ quan có thẩm quyền tách vụ án hình sự theo quy định tại Điều 242 BLTTHS.
Do đó, việc tách một vụ án hình sự cần được xem xét kỹ lưỡng về mọi mặt cũng như những hậu quả mà nó có thể gây ra trong quá trình xét xử, đảm bảo không gây khó khăn cho việc điều tra và không làm ảnh hưởng tới quá trình đánh giá chứng cứ, xác định tội danh.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Trong thời gian vừa qua, Văn phòng Luật sư Đồng Đội đã tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bị hại trong một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này, bị cáo H vì làm ăn thua lỗ đã rơi vào tình trạng vay lãi nặng. Khi mất khả năng thanh toán, H sử dụng phương thức vay xoay vòng, tức là vay tiền từ người sau để trả cho người trước. Không chỉ vậy, bị cáo còn lợi dụng những kẽ hở trong hoạt động huy động vốn và mua bán tài sản của công ty X để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo.
Trong quá trình xét xử, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Y đã tách vụ án có dấu hiệu “cho vay lãi nặng” ra khỏi vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, theo quan điểm của VPLS, việc tách này là không phù hợp và có thể ảnh hưởng tới quá trình xét xử một cách khác quan, toàn diện. Bởi, hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của bị cáo H có liên quan trực tiếp đến việc vay lãi nặng. Bị cáo rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán do vay với lãi suất cao, dẫn đến việc tiếp tục lừa đảo để có tiền trả nợ. Nếu không làm rõ bản chất của hành vi “cho vay lãi nặng”, việc xác định động cơ, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo sẽ không đầy đủ. Ngoài ra, khi tách vụ án, việc thu thập chứng cứ và xác định các cá nhân liên quan có thể không toàn diện, khó đánh giá đầy đủ bối cảnh dẫn đến hành vi phạm tội. Điều này có thể ảnh hưởng đến tính chính xác của việc định tội danh và xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo H cũng như những cá nhân khác liên quan. Cụ thể:
Thứ nhất, nguyên nhân khiến Bị cáo H phạm tội xuất phát từ việc bị cáo đã vay nợ nhiều người với số tiền lớn mà không có khả năng chi trả nên đã thực hiện chuỗi hành vi lừa đảo để trả tiền vay và để vay được thêm tiền.
Thứ hai, theo Điều 89 BLTTHS, “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.” Thì số tiền và tài sản của bị hại là “đối tượng của tội phạm” nên số tiền này là vật chứng của vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự phải buộc phải thu hồi trả lại cho người bị hại. Việc tách vụ án hình sự có thể khiến khoản tiền bị lừa của các bị hại không được xem xét và không có khả năng thu hồi.
Thứ ba, một hệ quả nghiêm trọng khác của việc tách vụ án là nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Cần có sự đánh giá toàn diện về việc liệu bị cáo H có đồng phạm hay không, cũng như vai trò của công ty X và bên cho vay lãi nặng trong vụ án. Những cá nhân đã nhận tiền từ bị cáo H có thể không chỉ là người cho vay đơn thuần mà còn có thể đã tham gia vào quá trình phạm tội hỗ trợ bị cáo tẩu tán tài sản, hay đã biết nhưng vẫn tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Nếu không điều tra đầy đủ, có thể dẫn đến việc bỏ sót trách nhiệm của những cá nhân liên quan, ảnh hưởng đến tính công bằng của bản án.
Kết thúc vụ án, bị cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng những người bị hại lại không thể lấy lại số tiền mà họ đã mất do toàn bộ tiền đưa bị cáo để mua đất đã bị trả cho bên cho vay. Như vậy, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của pháp luật là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân đã không được đảm bảo một cách trọn vẹn.
Tách vụ án có thể giúp quá trình điều tra, xét xử diễn ra thuận lợi hơn, nhưng nếu không được thực hiện đúng cách, nó có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Đặc biệt, trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, việc tách vụ án cần được cân nhắc kỹ lưỡng để không làm gián đoạn quá trình điều tra, không bỏ lọt tội phạm và quan trọng nhất là đảm bảo quyền lợi của những người bị hại.
Hà Vy – Nhân viên Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi