Chó, mèo cảnh được coi là thú cưng của con người, được nuôi ở nhà đất đến các khu chung cư, đô thị. Ngoài việc được xem là thú vui, chó, mèo còn để lại những hậu quả khôn lường, là mầm mống phát tán bệnh dại, vì bảo vệ vật nuôi khiến chủ sở hữu có thái độ, hành vi thiếu văn minh, hay việc chó, mèo gây ồn ào, ô nhiễm môi trường trong khu chung cư.
Hành vi nuôi chó, mèo cảnh được điều chỉnh bởi Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và các văn bản pháp luật liên quan. Theo đó, khi thực hiện việc nuôi chó mèo, người nuôi phải đáp ứng thực hiện yêu cầu theo quy định tại Điều 86 Luật Chăn nuôi 2018.
Đồng thời, tại khoản 2.1 mục 2 Phụ lục 15 hướng dẫn phòng, chống bệnh dại động vật ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT, người nuôi chó mèo phải tuân thủ quy định: phải đăng ký nuôi chó, mèo tại UBND xã các khu đô thị, nơi đông dân cư; xích nhốt trong khuôn viên gia đình, đeo rọ mõm hoặc xích giữ chó và có người dắt; không gây ồn ào; tiêm vắc-xin,…
Pháp luật nghiêm cấm việc chăn thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư quy định tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên chó, mèo không phải là gia súc, gia cầm mà được liệt kê vào nhóm danh mục động vật khác theo quy định tại Phụ lục II Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT. Do đó, hành vi nuôi chó, mèo trong khu chung cư, đô thị không bị nghiêm cấm.
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm, người nuôi chó, mèo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về hành vi “Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng” với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Hay phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi “không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng” theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP.
Mặc dù đã được tuyên truyền, nhưng tình trạng nuôi chó, mèo gây ra những phiền toái, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân tại khu chung cư, đô thị.
Nhằm thắt chặt công tác nuôi chó, mèo có hiệu quả và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan đến việc nuôi chó, mèo nói chung và tại khu chung cư nói riêng. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, phương pháp nuôi, chó mèo có hiệu quả.
Ban Quản trị khu chung cư cần ban hành cụ thể nội quy, quy định về quản lý việc nuôi chó, mèo của các hộ dân và thông qua tại Hội nghị nhà chung cư thường niên; Thường xuyên kiểm tra, trà soát số lượng chó, mèo được nuôi tại chung cư, phối hợp với các cơ quan quản lý thú y xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ vật nuôi có mầm móng bệnh dại.
Hơn hết, người nuôi chó, mèo cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình và có biện pháp phù hợp để quản lý chó, mèo nhằm sử dụng nhà chung cư, an toàn, văn minh, sạch sẽ.
Ngoài ra, đối với các loài thú nhập ngoại, có trọng lượng lớn thì hạn chế nuôi và đưa vào khu chung cư, nếu thú thuộc nhóm dữ thì cần phải có biển cảnh báo để người dân nhận biết và phòng tránh./.
Người viết: Lê Thanh Bình – VPLS Đồng Đội
___
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi