Quyền sao chụp hồ sơ vụ án là một trong những quyền cơ bản nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng công bằng, minh bạch và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đương sự. Pháp luật Việt Nam hiện hành, ghi nhận quyền này cho cả đương sự và người bảo vệ quyền lợi của họ (như luật sư). Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện quyền sao chụp hồ sơ giữa các chủ thể có sự khác biệt đáng kể, nhất là về phạm vi và điều kiện tiếp cận. Bài viết này sẽ đưa ra những góc nhìn cụ thể quy định pháp luật về quyền sao chụp hồ sơ vụ án, đồng thời chỉ ra những hạn chế mà đương sự có thể gặp phải so với luật sư trong quá trình tố tụng.
Ảnh minh họa
- Quyền sao chụp hồ sơ vụ án
Quyền sao chụp hồ sơ vụ án là quyền của đương sự, luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được tiếp cận, ghi chép, sao chụp các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do cơ quan có thẩm quyền thu thập hoặc do các bên cung cấp.
Trong tố tụng dân sự, quyền tiếp cận và sao chụp hồ sơ vụ án đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính minh bạch, quyền tranh tụng và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên. Quyền này giúp đương sự và luật sư thu thập, đánh giá chứng cứ để xây dựng lập luận, bảo vệ quan điểm trước Tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sao chụp hồ sơ không phải lúc nào cũng được thực hiện một cách dễ dàng, đặc biệt là đối với đương sự. Trong khi luật sư thường có quyền tiếp cận tài liệu rộng rãi hơn, đương sự lại có thể gặp phải những hạn chế nhất định từ cơ quan, tổ chức hoặc thậm chí từ chính Tòa án.
- Luật sư được quyền sao chụp cái gì trong vụ án dân sự ?
Theo quy định của BLTTDS 2015 người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền được thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Toà án; nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. (Khoản 2 Điều 76 BLTTDS 2015).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng có đủ các điều kiện do pháp luật quy định được đương sự yêu cầu (nhờ) tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Như vậy Luật sư cũng là một trong những người được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự và được Toà án làm thủ tục đăng ký. Vậy nên sau khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư được quyền sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Việc sao chụp giúp Luật sư có thể sử dụng tài liệu 1 cách linh hoạt, tạo điều kiện cho việc chuẩn bị lập luận, chứng cứ 1 cách đầy đủ.
- Đương sự được quyền sao chụp cái gì trong vụ án dân sự?
Căn cứ theo Khoản 8 Điều 70 BLTTDS 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự như sau: “Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.”
Như vậy đương sự sẽ được sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Toà án thu thập. Tuy nhiên không phải bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào đương sự cũng được phép sao chụp. Đối với tài liệu, chứng cứ mà nội dung có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì sẽ không được phép sao chụp. Việc giới hạn những tài liệu này nhằm bảo vệ quyền riêng tư, bí mật kinh doanh, an ninh quốc gia.
Ảnh minh họa
- Hạn chế quyền sao chụp của đương sự so với Luật sư là gì
Thứ nhất, về phạm vi sao chụp tài liệu, luật sư có quyền tiếp cận rộng rãi hơn so với đương sự, đương sự chỉ được sao chụp các tài liệu, chứng cứ do bên kia xuất trình hoặc do Tòa án thu thập trừ các trường hợp quy định tại (theo khoản 2 Điều 109 BLTTDS 2015). Trong khi đó, luật sư với vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, được tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận và thu thập tài liệu một cách toàn diện. Việc này nhằm đảm bảo họ có đủ cơ sở để xây dựng lập luận, bảo vệ quyền lợi của thân chủ một cách hiệu quả. Nếu luật sư bị hạn chế trong việc tiếp cận tài liệu, quyền lợi của đương sự có thể bị ảnh hưởng và nguyên tắc tranh tụng công bằng có nguy cơ bị xâm phạm. Do đó, luật sư có quyền tiếp cận tài liệu rộng hơn để đảm bảo quá trình tố tụng diễn ra công bằng và hiệu quả.
Thứ hai, về khả năng tiếp cận tài liệu từ cơ quan, tổ chức. Luật sư và đương sự đều có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý (Điểm d Khoản 1 Điều 97 BLTTDS 2015). Tuy nhiên đương sự có thể dễ bị từ chối hơn luật sư vì luật sư có quyền hành nghề rõ ràng hơn và có thể sử dụng các biện pháp pháp lý hiệu quả hơn để tiếp cận tài liệu. Khi bị từ chối đương sự có thể yêu cầu Toà án hỗ trợ gây mất thời gian trong quá trình sao chụp.
Có thể thấy, với chức năng và vai trò của mình, luật sư có quyền tiếp cận hồ sơ vụ án dân sự một cách toàn diện hơn so với đương sự nhằm đảm bảo việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ được thực hiện một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, pháp luật luôn đặt ra những giới hạn hợp lý để đảm bảo sự công bằng và khách quan trong quá trình tố tụng. Điều này không chỉ thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật mà còn góp phần duy trì sự cân bằng giữa các bên, tạo ra một môi trường tố tụng minh bạch, công bằng và đúng quy định pháp luật.
Diệu Linh – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi