Trong tố tụng hình sự, hồ sơ vụ án là toàn bộ các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án, đã được thu thập thông qua hoạt động nghiệp vụ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ vụ án là căn cứ để các chủ thể đưa ra định hướng, lựa chọn các phương án phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, đồng thời cũng là căn cứ để người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đưa ra quyết định chính xác, khách quan phù hợp với tính chất của vụ án.
Trong mối quan hệ pháp luật tố tụng hình sự, các chủ thể tham gia với tư cách và chức năng khác nhau. Do đó quyền tiếp cận hồ sơ của luật sư và bị can, bị cáo cũng có sự phân định rõ ràng nhằm bảo đảm được các yếu tố khách quan không làm ảnh hưởng hay tác động đến các tình tiết, tâm lý của những người liên quan đến vụ án. Tuy pháp luật quy định về việc hạn chế một số quyền của bị can, bị cáo nhưng vẫn bảo đảm được các yếu tố khách quan không làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết và đưa ra kết luận đối với vụ án.
Quyền tiếp cận hồ sơ vụ án
Trong quá trình tố tụng, luật sư có thể tham gia với tư cách là người bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc theo yêu cầu của người đại diện cho người bị buộc tội theo quy định của pháp luật. Pháp luật có quy định về người bào chữa có quyền đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu, hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa. Để bảo đảm thực hiện quyền đọc, ghi chép và sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án của người bào chữa, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về việc đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án tại Điều 82, cụ thể:
– Sau khi kết thúc điều tra, nếu có yêu cầu đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án.
– Sau khi đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu, người bào chữa phải bàn giao nguyên trạng hồ sơ vụ án cho cơ quan đã cung cấp hồ sơ. Nếu để mất, thất lạc, hư hỏng tài liệu, hồ sơ vụ án thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, sau khi kết thúc giai đoạn điều tra luật sư có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phối hợp, hỗ trợ và có trách nhiệm về việc đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa. Việc bố trí thời gian, địa điểm sẽ do cơ quan tiến hành tố tụng sắp xếp theo quy định của pháp luật. Đồng thời trong trường hợp này luật sư có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn. Nếu làm mất, thất lạc hay hư hỏng tài liệu, hồ sơ vụ án sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Đối với bị can việc tiếp nhận hồ sơ vụ án sẽ có một số hạn chế so với luật sư. Tuy nhiên pháp luật vẫn bảo đảm các quyền của những người này về việc được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu. Cụ thể theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Bị can có quyền:
Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu.
Như vậy, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự thì bị can chỉ được đọc, ghi chép các tài liệu là bản sao hoặc là tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội, tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa.
Bên cạnh đó, đối với các thông tin về bản sao hồ sơ tài liệu liên quan đến khách hàng, luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Đồng thời không được sử dụng thông tin từ hồ sơ, tài liệu vụ án nhằm xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong tổ chức hành nghề, luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên không đưa các thông tin về vụ việc ra ngoài gây ảnh hưởng đến những cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc.
Lưu ý pháp luật chưa quy định về việc bị cáo được phép tiếp cận đọc, ghi chép, sao chụp các tài liệu hồ sơ liên quan đến vụ án.
Sự khác nhau giữa Luật sư và bị can, bị cáo trong việc tiếp cận hồ sơ vụ án.
- Đối với Luật sư :
Được quyền nghiên cứu toàn bộ tài liệu, kể cả các chứng cứ buộc tội và gỡ tội. Và luật sư có khả năng khai thác đưa ra những phương án pháp lý nhằm bảo vệ tốt nhất cho thân chủ , đồng thời bảo vệ tốt nhất quyền lợi của thân chủ trong cả quá trình tố tụng.
Ngoài ra luật sư được phép tiếp cận tất cả tài liệu liên quan đến vụ án, trừ các tài liệu thuộc bí mật nhà nước; được trực tiếp sao chép, chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án. Bên cạnh đó luật sư có thể tham gia vào giai đoạn tố tụng ngay từ khi có quyết định khởi tố vụ án và có quyền yêu cầu sao chụp toàn bộ tài liệu sau khi kết thúc giai đoạn điều tra.
Tuy nhiên cần lưu ý đối với các trường hợp tài liệu thuộc bí mật quốc gia hoặc liên quan đến lợi ích công cộng, việc tiếp cận hồ sơ của luật sư có thể bị hạn chế. Muốn tiếp cận hồ sơ, tài liệu của vụ án luật sư cần đáp ứng được các loại giấy chứng nhận bào chữa hoặc các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật.
- Đối với bị can, bị cáo :
Không được phép trực tiếp sao chép, lưu giữ hoặc khai thác hồ sơ vụ án. Đối với bị cáo việc tiếp cận hồ sơ vụ án chưa được pháp luật quy định cụ thể mà chỉ có quyền biết và nhận thông báo về các quyết định liên quan đến mình. Đối với bị can, có quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa trong vụ án.
Việc tiếp cận hồ sơ của bị can, bị cáo có thể giúp họ nắm được nội dung buộc tội, từ đó đưa ra ý kiến tự bào chữa; chỉ được tiếp cận những thông tin trực tiếp liên quan đến mình; đồng thời bị can, bị cáo không có quyền phân tích và khai thác hồ sơ vụ án. Trong những trường hợp nhất định bị can, bị cáo chỉ được cung cấp các thông tin từng phần trong từng giai đoạn tố tụng, đồng thời việc tiếp cận thông tin phụ thuộc nhiều và cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư.
Kết luận
Luật sư có quyền và điều kiện tiếp cận hồ sơ vụ án rộng hơn bị can, bị cáo do vai trò của họ là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ. Trong khi đó, bị can, bị cáo chỉ được tiếp cận một cách gián tiếp và hạn chế để đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện đúng quy định pháp luật.
Pháp luật tuy có một số hạn chế đối với quyền tiếp cận hồ sơ của bị can, bị cáo nhưng các quy định này vẫn bảo đảm được các quyền của bị can và bị cáo trong việc biết, nhận được thông báo liên quan đến tiến trình tố tụng của vụ án. Vậy nên quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia, liên quan đến tiến trình tố tụng vẫn được bảo đảm. Đồng thời tính minh bạch, công bằng và khách quan của pháp luật không bị tác động bởi những quy định trên.
Đàm Văn Long – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Số điện thoại: 0867799361
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi