Tôi và vợ tôi đã ly hôn được 1 năm. Theo quyết định của Tòa án, vợ tôi được quyền nuôi con. Nhưng hiện nay vợ tôi đi làm ăn xa không quan tâm được tới con mà để con lại ông bà ngoại già yếu nuôi cháu. Tôi tự nhận thấy điều kiện vật chất của tôi đảm bảo được cho con một cuộc sống tốt hơn. Nay tôi muốn được nuôi con thì tôi phải làm những gì?
Trả lời:
Tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn quy định như sau:
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Theo thông tin anh cung cấp, theo quyết định của Tòa án thì vợ anh là người giành được quyền nuôi con sau khi ly hôn. Theo quy định của pháp luật, vợ anh buộc phải trực tiếp nuôi dưỡng con. Tuy nhiên hiện nay vợ anh đi làm ăn xa để con lại cho ông bà ngoài già yếu nuôi. Do đó, đây sẽ là căn cứ chứng minh việc vợ bạn không có đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con. Vì vậy, bạn có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi quyền trực tiếp nuôi con.
Để giành được quyền nuôi con, bạn cần gửi hồ sơ yêu cầu thay đồi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn tại TAND huyện nơi vợ bạn đang sinh sống, làm việc. Nếu bạn không xác định được nơi cư trú hiện tại của vợ bạn thì gửi đơn tại TAND nơi cư trú cuối cùng của vợ bạn.
Bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
– Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;
– Bản án ly hôn;
– Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao có chứng thực);
– Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực);
– Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con( bạn cần cung cấp các chứng cứ chứng minh điều kiện về vật chất của bạn tốt hơn vợ dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của bạn; các yếu tố tinh thần: thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … và xác minh việc vợ bạn không trực tiếp nuôi con mà để cho ông bà nuôi).
Bạn cũng cần lưu ý, nếu con bạn trên 7 tuổi, mong muốn của con bạn cũng là một trong những căn cứ để Tòa giải quyết yêu cầu của bạn. Trên đây là một số ý kiến trả lời của chùng tôi, hi vọng bạn sẽ có lựa chọn và phương hướng sáng suốt bảo vệ tốt nhất lợi ích của con.
Tác giả bài viết: Thiều Thị Vân Anh
Nguồn tin: Văn phòng luật sư Đồng Đội