Câu hỏi: Bố tôi là ông A – người phải thi hành án theo Bản án sơ thẩm dân sự của TAND, theo đó, bố tôi phải trả cho bà B số tiền là 2 tỷ đồng. Trong quá trình thi hành án thì bố tôi đã mất nhưng nay tôi vẫn nhận được Quyết định cưỡng chế thi hành án đối với bố tôi. Xin hỏi Luật sư trường hợp này là như thế nào ạ, việc cơ quan thi hành án ra Quyết định này đúng hay sai? Và tôi có phải thực hiện nghĩa vụ này hay không? Rất mong Luật sư giải đáp vấn đề của tôi!
Luật sư tư vấn như sau:
Ông A là người phải thi hành án đối với bản án dân sự sơ thẩm của TAND, do đó, ông A phải có trách nhiệm thi hành án để thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với bà B. Tuy nhiên, trong trường hợp này, do ông A chết nên theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự về Chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án:
“2. Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế.”
Do đó, kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm ông A chết) thì những người thừa kế (theo di chúc hoặc theo pháp luật) có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, căn cứ theo khoản 1 Điều 615 Bộ luật Dân sự.
Trường hợp di sản chưa được được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận với những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tầi sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Vì vậy, sau khi ông A chết thì nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định về thừa kế. Khi đó, những người thừa kế của ông A phải tiếp tục thực hiện nghĩa thi hành án theo quy định. Do đó, nếu bạn là người thừa kế của ông A thì bạn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả số tiền 2 tỷ đồng cho bà B trong phạm vi di sản ông A để lại.
Trong trường hợp đã xác định được người thừa kế thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với cá nhân, tổ chức mới tương ứng với quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao và ra quyết định thu hồi Quyết định thi hành án trước đây, căn cứ theo khoản 3 Điều 54 Luật thi hành án dân sự. Đối với các quyết định, thông báo khác về thi hành án thì tùy từng trường hợp cụ thể mà cơ quan thi hành án dân sự giữ nguyên, thu hồi hoặc ra các quyết định, thông báo khác phù hợp theo quy định. Trường hợp đương sự thỏa thuận về việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ về thi hành án cho người thứ ba thì người thứ ba có quyền, nghĩa vụ của đương sự.
Vì vậy, trong trường hợp của bạn, Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra Quyết định thi hành án đối với cá nhân mới tương ứng với nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao và thu hồi Quyết định thi hành án đối với ông A trước đó. Theo đó, việc Chấp hành viên vẫn gửi Quyết định cưỡng chế thi hành án cho ông A là thiếu thận trọng, không tiến hành xác minh rõ về quan hệ thừa kế khi người phải thi hành án chết trong quá trình thi hành án. Do đó, bạn cần phản ánh hoặc khiếu nại với Cơ quan thi hành án về Quyết định này để kịp thời giải quyết, đảm bảo việc thi hành án đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự.
Đối với trường hợp chưa xác định được người thừa kế và không xác định được người thừa kế, luật sư chia sẻ:
– Trường hợp chưa xác định được người thừa kế:
Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế thì cơ quan thi hành án dân sự thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại nơi có tài sản, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày thông báo, niêm yết để người thừa kế biết, liên hệ và thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án để lại; hết thời hạn này mà không có người khai nhận thừa kế thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản để thi hành án.
– Trường hợp không xác định được người thừa kế:
Theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp sau đây:
+ Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế;
+ Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế;
Như vậy, đối với trường hợp không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ hoặc quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án./.
Người viết: Lan Anh – VPLS Đồng Đội