Câu hỏi bạn đọc: Thưa Luật sư, sắp tới đến Tết nguyên đán năm 2023, gia đình tôi khá nhiều trẻ nhỏ nên tôi rất lo lắng khi sẽ mua phải các loại hàng giả. Tôi đang có một chút thắc mắc là các đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị xử phạt như thế nào, thưa luật sư?
Có thể thấy rằng, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm của người dân trong dịp tết nguyên đán tăng cao, lợi dụng dịp này các đối tượng đã trà trộn, buôn lậu và kinh doanh các loại hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và thiệt hại cho nền kinh tế đất nước. Và rõ ràng đây hành vi này là hành vi trái pháp luật.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
1. Xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sản xuất, mua bán hàng giả
Về xử phạt hành chính, mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể đối với các đối tượng của hành vi sản xuất và hành vi buôn bán hàng giả như sau:
Thứ nhất, Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng thì mức phạt tiền thấp nhất đối với hành vi sản xuất là 5 triệu đồng và cao nhất là 100 triệu đồng, đối với hành vi buôn bán thì mức thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất là 70 triệu đồng.
Thứ hai, Hành vi sản xuất, buôn bán giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Đối với hành vi sản xuất thì người thực hiện hành vi này có thể sẽ bị phạt tiền thấp nhất là 1 triệu, cao nhất là 50 triệu, đối với hành vi buôn bán thì mức phạt thấp nhất là 2 triệu, cao nhất là 50 triệu đồng.
Và nếu nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm mà không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt gấp 02 lần mức phạt nêu trên.
Mức phạt trên là đối với cá nhân, còn đối với tổ chức thì mức phạt sẽ gấp đôi tuy nhiên mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề và một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp,….
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi về hành vi sản xuất, mua bán hàng giả
Nếu hành vi sản xuất buôn bán hàng giả nếu có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào từng loại hàng hóa cụ thể để xử lý hình sự đối với hành vi này.
Cụ thể, nếu hàng hóa sản xuất, buôn bán hàng giả không phải là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thì người thực hiện hành vi mua bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 192 BLHS. Theo đó, cá nhân vi phạm có thể phạt tù cao nhất lên tới 15 năm, bên cạnh đó, người này còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với pháp nhân phạm tội thì có thể bị phạt tiền lên tới 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ có thời hạn hoặc vĩnh viễn, ngoài ra pháp nhân này có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Đối với trường hợp sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, các đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán mặt hàng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm theo quy định tại Điều 193 Bộ luật hình sự. Theo đó, căn cứ vào giá trị tài sản bị thiệt hại, số lợi bất chính, mức phạt áp dụng đối với người có hành vi vi phạm có thể lên đến 15 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân, còn riêng pháp nhân thì có thể bị phạt tiền lên đến 18 tỷ hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn tùy vào hành vi và hậu quả.
Đối với trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự, mức phạt cao nhất có thể áp dụng đối với cá nhân vi phạm là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, với pháp nhân thương mại là phạt tiền đến 20 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Đối với sản xuất, mua bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi theo quy định tại Điều 195 Bộ luật hình sự, mức phạt cao nhất là 20 năm tù với cá nhân; phạt tiền đến 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.
3.Nếu phát hiện đối tượng hoặc cơ sở sản xuất có hành vi sản xuất, mua bán hàng giả người tiêu dùng có thể tố giác ở đâu?
Khi biết về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả của cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp, người dân có thể tố giác qua số điện thoại hotline hoạt động 24/7 của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) là 1900.888.655. Cơ quan này sẽ tiếp nhận thông tin tố giác từ người dân và doanh nghiệp về các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và kịp thời có phương thức xử lý, ngăn chặn hiệu quả. Ngoài ra, người phát hiện hành vi vi phạm còn có thể gửi đơn thư, khiếu nại tới Tổng cục Quản lý thị trường.
Bên cạnh đó, do có dấu hiệu tội phạm, người dân còn có thể gửi đơn tố giác đến cơ quan công an. Theo quy định tại Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: “Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.”
Và theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Các cơ quan, tổ chức khác được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bao gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
Như vậy, người dân khi phát hiện đối tượng hoặc cơ sở sản xuất, buôn bán hàng giả có thể tố giác đến cơ quan gần nhất là Tổng cục Quản lý thị trường, công an phường xã, thị trấn hoặc một trong các cơ quan trên.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Như Thùy, Minh Hạnh