Tố giác, tố cáo về cơ bản đều là quyền và nghĩa vụ của công dân và là hai khái niệm khác nhau nhưng trên thực tế vẫn có nhiều người thường nhầm lẫn giữa tố giác và tố cáo. Bài viết dưới đây sẽ phân tích về sự khác nhau giữa tố giác và tố cáo trong quy định pháp luật nhằm giúp bạn đọc tránh nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ này.
Thứ nhất , về mặt khái niệm
- Khái niệm về tố cáo: Tố cáo là việc cá nhân thực hiện tố cáo, báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (theo quy định tại Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018.)
- Khái niệm về tố giác: Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền (theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015)
Từ khái niệm trên cho thấy: Tố cáo và Tố giác về tội phạm có những điểm khác biệt nhất định. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, không phân biệt tính chất, mức độ vi phạm, đồng thời đây cũng là quyền của công dân. Còn Tố giác về tội phạm chỉ bao gồm hành vi vi phạm pháp luật có thể cấu thành tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Hành vi tố giác vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân bởi khi thấy rõ hành vi có dấu hiệu phạm tội nhưng không tố giác sẽ vi phạm quy định tại Điều 19 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa dổi, bổ sung 2017.
Thứ 2, về mặt đối tượng
- Đối tượng của tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật nằm trong mọi lĩnh vực, không phân biệt tính chất, mức độ vi phạm.
- Đối tượng của tố giác thì sẽ khác so với tố cáo bởi đây là những hành vi vi phạm pháp luật có thể cấu thành tội phạm. Hành vi này phải “có dấu hiệu của tội phạm” tương ứng một tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Như vậy đối tượng của tố cáo sẽ rộng hơn tố giác, bởi đối tượng của tố cáo nằm trong mọi lĩnh vực, không phân biệt tính chất, mức độ vi phạm, còn đối tượng của tố giác sẽ giới hạn, chỉ bao gồm các hành vi có dấu hiệu phạm tội theo Bộ luật Hình sự.
Thứ 3, cơ quan có thẩm quyền giải quyết
- Đối với tố cáo, cơ quan có thẩm quyền giải quyết được quy định tại Điều 12 Luật tố cáo năm 2018. Theo đó tùy theo từng trường hợp và phạm vi tố cáo mà sẽ có các cơ quan giải quyết khác nhau, cụ thể:
+ Trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết.
+ Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.
+ Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.
+ Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách do người đứng đầu cơ quan, tổ chức sau hợp nhất, sáp nhập, chia, tách mà người bị tố cáo đang công tác chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.
+ Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý cơ quan, tổ chức trước khi bị giải thể giải quyết.
+ Tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.
- Đối với tố giác, khác với tố cáo vì tố giác là những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên cơ quan có thẩm quyền giải quyết được quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC) gồm:
+ Cơ quan điều tra;
+ Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
+ Viện kiểm sát giải quyết tố giác trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục.
Thứ 4, thời hạn xử lý
- Thời hạn giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 30 Luật Tố cáo 2018, theo đó thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
- Thời hạn tố giác thì được quy định tại Điều 147 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 như sau: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được việc tố giác, cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự, hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác. Nếu sự việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh nhiều nơi, thời hạn giải quyết tố giác kéo dài không quá 2 tháng, hoặc Viện Kiểm sát có thể gia hạn một lần (nhưng cũng không quá 2 tháng).
Thứ 5, hậu quả pháp lý
- Như đã phân tích ở trên thì tố cáo là quyền công dân, mà khi đã là quyền thì mọi người đều có thể thực hiện tố cáo hoặc không, trong một số trường hợp nếu tự cảm thấy việc tố cáo không cần thiết thì không cần phải tố cáo. Nếu công dân không tố cáo thì hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, cá nhân khi bị phát hiện thì công dân không phải chịu trách nhiệm gì cả.
- Đối với tố giác thì đây không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của mỗi công dân, chính vì thế mà quan hệ pháp lý sẽ phát sinh ngay từ thời điểm tội phạm có dấu hiệu xảy ra. Khi công dân biết rõ tội phạm đang đựơc chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội không tố giác tội phạm” theo quy định tại Điều 19 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa dổi, bổ sung 2017.
Như vậy, từ quy định của pháp luật có thể thấy giữa tố cáo và tố giác đều sẽ có những điểm khác biệt nhau. Tuy nhiên dù là quyền hay nghĩa vụ thì mỗi công dân cũng nên tụ giác thực hiện, đặc biệt là tố cáo và tố giác bởi nó đều góp phần phát giác những hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của xã hội.
Bài viết: Thu Hương – VPLS Đồng Đội.
____
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi