Trong vụ án hình sự liên quan đến sinh mệnh chính trị của một con người, việc luật sư tham với tư cách là người bào chữa cho người phạm tội có thể bị coi là đi ngược lại với quy chuẩn của đạo đức và xã hội. Tuy nhiên pháp luật Việt Nam cho phép luật sư được tham gia bảo vệ các quyền lợi của người phạm tội nhằm thể hiện tính công bằng, dân chủ, văn minh.
Đồng thời luật sư bảo vệ quyền, lợi cho bị cáo nhưng không có nghĩa là luật sư ủng hộ hành vi phạm tội của họ mà với sứ mệnh của mình luật sư tham gia với mục đích đảm bảo tốt nhất việc xét xử đúng người, đúng tội không bỏ lọt hành vi hay người phạm tội nào khác. Đóng góp vào sự công bằng, dân chủ của pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Quan điểm của luật sư về vụ án hình sự
Xét dưới góc độ xã hội và đạo đức, mọi tội phạm hình sự đều xứng đáng bị trừng trị nghiêm khắc để bảo vệ công lý và duy trì sự công bằng của xã hội. Điển hình như vụ án xảy ra năm 2013 tại Thẩm mỹ viện Cát Tường khi bác sĩ sơ suất trong quá trình phẫu thuật gây chết người rồi cùng nhân viên bảo vệ phi tang xác khách hàng. Hay trước đây là câu chuyện bé gái 8 tuổi xấu số bị người tình của cha hành hạ dẫn đến tử vong,… Những hành vi này không chỉ gây ra đau thương cho gia đình nạn nhân mà còn khơi dậy làn sóng phẫn nộ trong dư luận xã hội, kêu gọi một bản án nghiêm minh từ pháp luật để răn đe, cảnh cáo.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Việt Nam quy định dù những đối tượng phạm tội như giết người, hay cố ý gây thương tích dẫn đến chết người có mức độ và tính chất tàn ác ra sao, họ vẫn có quyền được luật sư bào chữa trong phiên tòa. Có thể đặt ra câu hỏi liệu rằng hành động bào chữa của luật sư có đang gián tiếp dung túng cho cái xấu, đi ngược với chuẩn mực đạo đức xã hội hay không? Thực tế, việc bào chữa cho những kẻ phạm tội không phải là việc ủng hộ với hành vi của họ mà là thực hiện quyền mà pháp luật cho phép, giúp đảm quy trình pháp lý được thực hiện đúng theo luật định, giúp ngăn chặn những sai sót có thể xảy ra trong quá trình xét xử.
Nhiều quan điểm cho rằng luật sư tham gia bào chữa trong những vụ án nghiêm trọng như giết người chủ yếu vì lợi ích vật chất. Tuy nhiên đây không phải là mục tiêu ưu tiên khi luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, bởi nếu một luật sư chỉ đơn thuần vì mục đích tài chính mà bào chữa cho bị cáo, thì nghề luật sư sẽ khó có thể nhận được sự tôn trọng từ xã hội.
Nghề luật không phải là một công việc mang tính chất thương mại; nó còn gắn liền với trách nhiệm và đạo đức. Một luật sư chân chính không chỉ tìm kiếm lợi nhuận mà còn cam kết bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong khuôn khổ pháp luật, mang lại tinh thần thượng tôn bảo đảm sự công minh trong quá trình tố tụng. Nếu động cơ của luật sư chỉ xoay quanh lợi ích cá nhân, nghề luật sẽ mất đi giá trị cốt lõi của mình là mang lại sự mệnh cao cả của pháp luật.
Luật sư không chỉ đại diện cho ý chí, lời nói của bị cáo tại phiên tòa mà còn là người bảo vệ công lý, giúp đảm bảo quy trình tố tụng được thực hiện đúng đắn và công bằng. Sự tôn trọng dành cho nghề luật đến từ việc họ thực hiện vai trò này một cách chuyên nghiệp và có đạo đức, thay vì chỉ chạy theo lợi ích vật chất. Chính vì vậy, việc bào chữa cho những người phạm tội nên nhìn nhận dưới góc độ pháp lý và quyền, nghĩa vụ mà pháp luật cho phép những điều luật sư được làm.
Quy định pháp luật
Căn cứ Quy tắc 1 Bộ quy Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam số 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019, ngay tại quy tắc đầu tiên có nêu ra sứ mệnh của luật sư như sau:
Quy tắc 1. Sứ mệnh của luật sư
Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, sứ mệnh của luật sư là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; không phân biệt nạn nhân hay người phạm tội, họ đều có quyền được đối xử công bằng và được xét xử minh bạch. Sứ mệnh này không chỉ đảm bảo mọi quyền, lợi ích hợp pháp của công dân không bị xâm phạm mà còn bảo vệ giá trị cốt lõi của pháp luật.
Trong khi dư luận thường phản ứng mạnh mẽ với những vụ án mà hậu quả dẫn đến cướp đi sinh mạng của một người, dưới góc độ nhìn nhận của các cá nhân đa phần sẽ có thiên hướng chán ghét và nhanh chóng kết luận kẻ phạm tội đáng bị trừng trị. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý một người bị buộc tội được coi là không có tội cho tới khi tội phạm của họ được chứng minh, đây là nguyên tắc suy đoán vô tội được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013 như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”
Đồng thời Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã cụ thể hóa quy định này của Hiến pháp tại Điều 13 như sau:
Điều 13. Suy đoán vô tội
“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”
Theo đó, khi chưa được chứng minh theo thủ tục, trình tự do Luật quy định, chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị buộc tội chưa bị coi là có tội. Luật sư cần đảm bảo thân chủ được bảo vệ quyền lợi theo quy định của pháp luật. Điều này không đồng nghĩa là luật sư đồng tình với hành vi của người phạm tội mà chỉ đang thực hiện nhiệm vụ của luật sư, xem xét, kiểm tra chứng cứ, đối chiếu các tình huống và bảo vệ khách hàng khỏi sự áp đặt sai lầm hoặc sự phán xét không công bằng.
Trên thực tế, trong quá trình điều tra và xét xử tội phạm, không ít trường hợp đã xảy ra việc xét xử oan sai, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho những người vô tội. Ví dụ điển hình là vụ án tại Bắc Giang, khi ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội giết người do việc làm sai lệch hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra. Người nhà và người thân thiết của ông đã phải kêu oan ròng rã suốt hơn 10 năm trong tù, chịu đựng nỗi đau và thiệt thòi không thể nào bù đắp. Tương tự, trường hợp của ông Huỳnh Văn Nén, người đã ngồi tù oan 18 năm, cũng cho thấy tính nghiêm trọng của việc xét xử sai lầm.
Trong những trường hợp này, vai trò của luật sư trở nên cực kỳ quan trọng. Họ không chỉ là người đại diện cho bị cáo mà còn là những người bảo đảm quyền bào chữa của những người bị buộc tội, góp phần giảm thiểu tình trạng oan sai và làm sáng tỏ sự thật khách quan. Luật sư có quyền thu thập chứng cứ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng, giúp đảm bảo việc xét xử phù hợp với mức độ của từng vụ án.
Như vậy, việc luật sư bào chữa cho những người phạm tội có tính chất nguy hiểm cho xã hội như giết người hay cố ý gây thương tích dẫn đến chết người mà không đồng nghĩa với việc họ bảo vệ cái ác hay đồng tình với hành vi phạm tội của các đối tượng đó. Mà luật sư chỉ thực hiện các quyền mà pháp luật cho phép đồng thời mang theo sứ mệnh bảo vệ giá trị pháp luật và quyền con người. Dù bất cứ cá nhân nào có hành vi vi phạm pháp luật, họ vẫn có quyền được xét xử đúng quy trình và nhận mức án thích đáng theo quy định của pháp luật. Vậy nên, vai trò của luật sư là đảm bảo công lý, công bằng và minh bạch, biểu tượng cho một xã hội nơi quyền lợi của mọi người được tôn trọng và bảo vệ.
Nguyễn Như Quỳnh – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi