Lòng biết ơn tới những người đã giúp đỡ mình là một trong những đức tính tốt đẹp của mỗi chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta đã gặp những người đã giúp đỡ mình trong công việc, học tập và cuộc sống, giúp đỡ bằng tấm lòng trong sáng, vô tư khi gặp khó khăn. Chính điều này đã giúp chúng ta vượt qua khó khăn, để trở nên hạnh phúc và tự do như hôm nay. Biết ơn không chỉ là trân trọng, ghi nhớ tới những điều mà chúng ta đã nhận được từ người khác, đó còn là cách khiến chúng ta trở thành người sống tích cực, lan tỏa và điểm thêm những gang màu sáng về sự ghi nhớ đối với quá khứ.
Dưới đây là ba mẩu chuyện thực tế về sự biết ơn, nhớ ơn đối với những người đã giúp đỡ mình, qua sự chia sẻ của Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng VPLS Đồng Đội:
“Trên con đường đời chả có ai là không nhờ vả không cho không nhận những giá trị vật chất, tinh thần. Cho dù thời gian sẽ phôi phai, nay sếp nọ, mai sếp kia rồi bao khó khăn cuộc sống nên cái khó ló cái khôn, nghĩ được nhưng không làm được, cũng rất dễ để chúng ta cảm thông, không nên trách móc, không nên cố chấp vì “quên” cũng là chuyện thường tình. Nhưng quên gì thì quên, nhớ gì thì nhớ nhưng chớ có quên ai đã giúp mình lúc khó khăn, ai đã giúp mình một cách vô tư trong sáng, giúp mình một cách tự nguyện và hiệu quả. Tết Giáp Thìn dù tôi cũng còn bao lo toan cho bản thân, gia đình, xã hội, TCHNLS mang tên Đồng Đội nhưng tôi cũng làm được một vài việc vui vui xin kể đầu Xuân cho vui.
Câu chuyện thứ nhất, là mỗi khi tết đến Xuân về HĐH chúng tôi luôn phối hợp tốt với chính quyền địa phương (nơi tôi sinh ra) năm nay tôi với vai trò là CT HĐH xã nên tôi chủ động đề xuất, tích cực vận động và gương mẫu đi đầu, nên đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra cả về thời gian và số tiền. Về quê ăn tết ở quê với anh trai, các đồng chí lãnh đạo xã ra chúc Tết có nói “chúng em vận động một DN hay CQ nào đó được ngần ấy tiền cũng đã làm được nhưng vận động bà con mỗi người mỗi nơi được như thế thì quá trân trọng, quá tuyệt vời nó không chỉ là tiền mà hơn thế là tình quê hương là chung tay là đoàn kết quê hương và bà con xa quê”.
Câu chuyện thứ hai, là tôi có anh anh là CB Khung của Trưởng SQ Ô TÔ từ năm 1981 – 1984 ở cùng trường, anh cùng huyện và là xã bên nên anh đã giúp tôi như giúp đứa em ruột. Tôi nhớ khi tôi còn ở THA Hoa Lư khi anh ở Bỉm Sơn ra mời tôi về cưới con anh, tôi không có ở cơ quan, anh nhắn lại cho nhân viên, bảo anh Th ở BS nó không quên được tao đâu.
Chuẩn không cần chỉnh, em sao quên được anh và anh cũng chả bao giờ “bỏ” em trên con đường đời. Vì cuộc sống công việc tuy không xa lắm nhưng tôi cũng ít ghé thăm anh (vẫn hỏi chuyện anh qua con anh thường xuyên), Tết Giáp Thìn tôi đến thăm anh và tặng anh món quà giá trị nhất “tiền nhuận bút của buổi lên sóng trực tiếp trên TH). Anh nhận và dặn tôi lần này anh nhận, lần sau chỉ cần đến thăm anh là được. Cảm ơn anh, em hiểu anh luôn chỉ cần tình cảm, cần sự chia sẻ và hiếu thảo. Em chúc anh giữ gìn sức khỏe để dõi theo em trên con đường hành nghề Luật sư rất khó khăn và đòi hỏi chất lính toả sáng trong hành trình.
Câu chuyện thứ ba, chị cả tôi không lập gia đình, không để lại tài sản nhưng với tôi, chị tôi như mẹ vì chị cả em út chênh nhau 18 tuổi. Chị tôi có những người bạn trong nghề Y (làm công tác phong trào) không thể nào quên. Nhớ chị đã mất từ 2011, tôi và anh trai đã đi tìm, đi gặp và tặng quà cho bạn của chị. Anh tôi canh cánh trong lòng đi tìm nơi mà đã gắn bó 3 tháng ở Hoà Mạc, Duy Tiên, anh tôi tìm được và tôi cũng liên hệ được bạn của chị tôi, có những sự biết ơn luôn ẩn hiện trong tâm trí, rồi vỡ òa trong cảm xúc:“Hôm qua xuống nhà anh Thoảng, may chị vẫn còn minh mẫn, kể lại hết chuyện cũ. Lúc đầu không nhận ra, sau nói em cô Toại, chị bảo tết năm nay hơn bắt được vàng, 2 chị em ôm nhau khóc. Bốn mươi năm tròn không về thăm anh chị, anh nhiều đêm nằm không ngủ được nên nung nấu ý định từ tết dương lịch. Khung cảnh cũ không còn gì nữa, áng chừng tọa độ, may hỏi thăm là được ngay”. Chị em tôi gọi điện cho nhau và nước mắt tuôn trào, tôi khóc như đứa trẻ vì nhớ chị tôi một đời vất vả, tảo tần. Nhưng chị đã để lại tình cảm vô giá là bạn bè người thân luôn không thể nào quên. Chị đã nhịn ăn nhịn mặc cho tôi và cho con của bạn chị. Một miếng khi đói nhưng ở đây nhiều miếng khi đói đã san sẻ cho nhau nên quên làm sao được. Tôi đã làm được việc nho nhỏ nhưng tôi thấy ấm lòng và vui với niềm vui của năm con Rồng!
NHỚ ƠN & BIẾT ƠN KHÔNG BAO GIỜ LÀ ĐỦ CHỨ CHƯA NÓI LÀ THỪA!”
Từ ba mẩu chuyện trên, chúng ta thấy rằng, dù thời gian có trôi xa, ít hoặc nhiều hơn 40 năm, biết ơn tới những người đã tạo động lực, cho mình cơ hội, giúp đỡ mình vẫn luôn luôn hiện hữu. Giá trị tốt đẹp của lòng biết ơn là hãy trân trọng quá khứ, sống tốt ở hiện tại, và sẵn sàng giúp đỡ người khác khi có thể. Mỗi chúng ta hãy tỏ lòng biết ơn đối với người khác và vun đắp, xây dựng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, thái độ sống tích cực trong cuộc sống, giống như lời nhắc nhở quý báu của ông cha ta: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Vì vậy hãy luôn học hỏi và thể hiện sâu sắc ý nghĩa của lòng biết ơn trong công việc và cuộc sống./.
Bài viết được chia sẻ bởi Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội – Đoàn luật sư TP. Hà Nội
___
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội