Hành vi cho vay nặng lãi hiện nay đang có xu hướng lan rộng ở cả thành thị và nông thôn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho xã hội. Đặc biệt là trong và sau đại dịch Covid 19 hoành hành, các doanh nghiệp phá sản dẫn đến rất nhiều người mất việc. Một số cá nhân, tổ chức trong lúc bí bách đã tìm đến nhóm cho vay nặng lãi dưới vỏ bọc công ty tài chính, dịch vụ cầm đồ vì thủ tục vay vốn dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng từ những dịch vụ kinh doanh tài chính “tín dụng đen” này mà nhiều người phải chịu cảnh tiền mất, tật mang. Thêm vào đó, đây cũng là “mầm mống” của nhiều tệ nạn xã hội. Do đó, việc xử lý hình sự đối với tội phạm “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là điều hết sức cần thiết.
Trước đây, BLHS năm 1999 chỉ quy định về “Tội cho vay lãi nặng”, tuy nhiên đến BLHS 2015, “Tội cho vay lãi nặng” đã được sửa đổi thành “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, bổ sung thêm các điều khoản để phù hợp với các quy định mới của BLDS 2015 và các văn bản khác liên quan, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế của xã hội.
Theo Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự: “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự. Theo đó, mức lãi suất cao nhất luật quy định là 20%/năm, nên nếu tổ chức, cá nhân cho vay với lãi suất 100%/năm có thể được xác định là cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay. Hành vi cho vay lãi nặng này được chủ thể thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp vì mục đích hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác mà xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước.
Thực tế chứng minh, nhu cầu vay tiền của người dân là rất lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tiếp cận được các nguồn vốn của Nhà nước hoặc các tổ chức tín dụng hợp pháp khác. Lợi dụng điều đó, các hành vi cho vay lãi nặng ngày một lan rộng ở khắp nơi, nhiều đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động tinh vi núp dưới bóng Công ty tư vấn tài chính, tiệm cầm đồ với chiêu thức tiếp thị hấp dẫn như: “cho vay không cần thế chấp”, “Thủ tục nhanh, gọn, đơn giản, chỉ cần Giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu…” đã làm cho nhiều người dân rơi vào bẫy “tín dụng đen” với mức lãi suất cao cùng nhiều ràng buộc bất lợi khác, như: Phí giao dịch, các khoản phạt cao khi nộp lãi chậm, hình thức cộng lãi vào gốc…
Và hậu quả để lại sau những lần đi vay lãi nặng là rất nặng nề cho cả người vay và gia đình của họ. Nhiều gia đình lâm vào cảnh tán gia bại sản, nhiều người còn trở thành nạn nhân của những vụ Cướp tài sản, Cưỡng đoạt tài sản, Cố ý gây thương thích… Họ bị chủ nợ đến nhà đập phá tài sản, lấy những tài sản có giá trị để trừ nợ; bị đe dọa, bắt giữ trái phép, thậm chí đánh đập, hành hung… khi không trả lãi theo đúng yêu cầu hoặc không thanh toán đúng hạn.
Vậy làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình khi vướng vào các tổ chức cho vay lãi nặng? Không ai cổ vũ cho việc vay tiền nhưng không trả, tuy nhiên, việc cá nhân, tổ chức cho vay với lãi nặng, thậm chí có những phương thức đòi nợ mang tính bạo lực (đánh người cho vay, đập phá đồ đạc, tài sản của người vay…) là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu không ngăn chặn, thì người vay tiếp tục phải trả những khoản lãi rất cao, lãi chồng lãi, rồi rơi vào tình trạng phá sản, gia đình tan nát vì trả nợ. Ngoài ra, tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín… của người vay và gia đình có thể bị xâm phạm nghiêm trọng. Bởi vậy, cần phải phản kháng nhưng phải hợp pháp.
Cụ thể, người vay có thể làm đơn tố giác hành vi của bên cho vay, kèm theo các tài liệu chứng cứ chứng minh như hợp đồng/giấy vay tiền có nội dung về thỏa thuận lãi suất cao; chứng từ, biên lai, hình ảnh giao dịch chuyển tiền; tin nhắn, ghi âm về việc bên cho vay yêu cầu trả lãi suất từ trên 100%/năm (nếu có) trong trường hợp hợp đồng/giấy vay tiền không thỏa thuận rõ về lãi suất để có căn cứ chứng minh có hành vi cho vay lãi nặng. Nếu không đủ chứng cứ chứng minh bên cho vay áp mức lãi suất 100%/năm thì không có căn cứ tố giác bên cho vay về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Trường hợp bên cho vay có hành vi cố ý gây thương tích hoặc xúc phạm danh dự nhân phẩm của mình như đăng tải thông tin không đúng sự thật về bản thân; tự ý đăng tải thông tin cá nhân với lời lẽ xúc phạm… thì bên vay cần thu thập kết luận giám định thương tích, bài đăng xúc phạm… nhằm chứng minh có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm xảy ra.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác điều tra, xác minh làm rõ nội dung đơn tố giác của người dân, trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý hành vi phạm tội kịp thời, đúng trình tự thủ tục luật định, tránh bỏ lọt tội phạm và bảo đảm quyền lợi cho người dân. Bởi theo quy định tại Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2021, thời hạn giải quyết đơn tố giác của người dân là không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố giác; trường hợp vụ việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Việc giải quyết kịp thời đơn tố giác sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi cho người tố giác, đồng thời đảm bảo an toàn xã hội do quan hệ vay tiền rất phổ biến.
Mặt khác các bên cho vay thường tồn tại dưới dạng các băng nhóm, tổ chức tín dụng mang tính chất “xã hội đen”, từ đó phát sinh ra các loại tội phạm khác, nhưng khung hình phạt cho loại tội này lại rất nhẹ, chưa tương xứng với những hậu quả mà tội phạm gây ra. Cụ thể mức hình phạt cao nhất là 03 năm tù (Khoản 2 Điều 201 BLHS hiện hành). Chính vì vậy, tính răn đe đối với tội phạm chưa đủ, nhiều trường hợp cá nhân sau khi chấp hành án phạt tù tiếp tục cho vay nặng lãi.
Thêm vào đó, nhóm tội phạm này luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động gây khó khăn cho công tác điều tra. Do đó, để đảm bảo công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cũng như đảm bảo tính răn đe, cần thiết phải nâng mức hình phạt đối với tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Như vậy việc đẩy mạnh tấn công các cá nhân, tổ chức có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là điều vô cùng cấp thiết. Hiện nay, rất nhiều tỉnh thành (như Thanh Hóa, Nghệ An…) đã có chủ trương lập các chuyên án, quyết liệt đẩy lùi tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, liên tục triệt phá nhiều nhóm tội phạm cho vay lãi nặng với vỏ bọc công ty tài chính, dịch vụ cầm đồ… nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ từ nhân dân.
Ngoài ra, phòng hơn chống. Để tránh rơi vào những trường hợp không mong muốn nêu ở trên, người dân khi có nhu cầu vay tiền cần tìm đến những cơ sở cho vay uy tín để mức lãi suất vay không quá cao và đảm bảo khả năng trả nợ. Trường hợp cần tiền gấp, không thể vay được của Ngân hàng, tổ chức tín dụng… thì người vay cũng cần chú ý, đọc kỹ hợp đồng vay, thỏa thuận rõ ràng về lãi suất, lãi suất chậm trả trước khi ký kết, tránh tiền mất tật mang.
Bên cạnh đó, luật sư cũng đưa ra lời khuyên đối với người cho vay, khi muốn yêu cầu người vay thanh toán nợ, cần hết sức bình tĩnh và tuyệt đối tuân thủ quy định pháp luật, tránh trường hợp vừa không đòi được tiền, vừa rơi vào vòng lao lý. Như trong một vụ việc thực tế mà Văn phòng luật sư Đồng Đội đang nhận giải quyết, chị T. (trú tại tỉnh T.) nhận vay lãi ngày cho bà D – chủ xưởng may nơi chị T làm việc. Ban đầu, bà D vẫn thanh toán nợ cho chị T, nhưng về sau không còn thanh toán và có ý định chạy khỏi nơi cư trú.
Nhận được thông tin, chị T nhờ một người bạn chặn đường bà D, yêu cầu bà D lên xe để nói chuyện về khoản nợ. Sau đó, bà D có trả cho chị T một khoản tiền nhưng khi được xuống xe, bà D ngay lập tức tố giác chị T và bạn có hành vi cướp tài sản. Cơ quan Điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối chị T và người bạn. Có thể thấy, ở đây, vì mất bình tĩnh, lo sợ bà D chạy trốn, chị T đã có cách thức đòi nợ không hợp pháp dẫn đến rơi vào vòng lao lý. Bởi vậy, trong mọi trường hợp, bên cho vay cần luôn quản lý được cảm xúc cá nhân và có cách thức đòi nợ hợp pháp. Quý vị có thể theo dõi chi tiết vụ việc tại đường link dưới đây:
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Ngô Ngọc Hiếu – Trần Thị Minh Hạnh – Chuyên viên pháp lý VPLS Đồng Đội
Tham vấn: Luật sư Trần Xuân Tiền