Với nhiều năm kinh nghiệm hành nghề luật sư và quản lý tổ chức hành nghề luật, Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng VPLS Đồng Đội đã nhận thấy những khó khăn, trở ngại trong việc định hướng nghề nghiệp, tìm việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên luật và kỹ năng quản trị, điều hành của các tổ chức hành nghề luật. Tối ngày 03/7/2021, tại lớp học trực tuyến qua Zoom của Luật sư ba miền, Luật sư Trần Xuân Tiền đã có những chia sẻ, nhìn nhận khách quan, thực tế và chỉ ra những vấn đề cần lưu ý trong quá trình tìm việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên luật.
https://www.youtube.com/watch?v=eiBwprJ34uE
Những vấn đề của sinh viên luật mới ra trường
Với nhiều năm tiếp xúc, làm việc, giúp đỡ các bạn sinh viên, Luật sư Trần Xuân Tiền nhận thấy có một số vấn đề mà các bạn sinh viên luật mới ra trường đang gặp phải. Cụ thể như sau:
– Chưa có định hướng
Tốt nghiệp đại học, cầm trên tay tấm bằng, nhiều cơ hội nghề nghiệp mở ra cho các cử nhân luật. Nhiều con đường để đi vừa là lợi thế nhưng cũng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều hoang mang và đắn đo trong việc tìm ra con đường nào phù hợp nếu bản thân chưa có sự đánh giá, nhìn nhận một cách thấu đáo.
Sinh viên luật sau khi tốt nghiệp, không ít người loay hoay, đắn đo trước cánh cửa tương lai. Chọn nghề mình thích, chọn việc lương cao hay nghe theo mong muốn của bố mẹ,…?
Mọi người xung quanh cũng liên tục đưa ra lời khuyên rằng bạn phải làm thế này, làm thế kia nhưng không ai có thể quyết định thay bạn. Chỉ có bạn mới biết bản thân mình có khả năng và phù hợp với công việc gì, cho nên hãy cân nhắc mọi lời khuyên một cách khách quan nhất và đưa ra quyết định cho riêng mình.
– Nặng về lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực tế
Không ít bạn sinh viên còn giữ suy nghĩ rằng chỉ cần kiến thức, thành tích xuất sắc trong suốt 4 năm trên giảng đường đại học là đủ để mình có được một công việc lương cao, chế độ tốt. Cho nên, trong quá trình phỏng vấn, các bạn “tự tin” đề xuất một khoản tiền lương mà các bạn cho rằng như vậy mới tương xứng với trình độ của bản thân.
Tuy nhiên, không chỉ riêng ngành luật, lĩnh vực nào cũng vậy, bằng cấp, kiến thức là chưa đủ để có thể hoàn thành công việc trên thực tế. Có nhiều yếu tố khác, quan trọng không kém, nhà tuyển dụng dựa vào để chọn ra những ứng viên tiềm năng, đặc biệt là yếu tố kinh nghiệm làm việc thực tế. Kinh nghiệm này chính là được tích lũy trong quá trình tham gia thực tập, học việc ở các công ty, văn phòng luật sư ở 4 năm đại học.
Thời gian thực tập sẽ giúp các bạn sinh viên có cái nhìn rõ nét hơn về thực tiễn công việc, nhận ra mình thực sự phù hợp với công việc nào, đồng thời tăng cơ hội được tuyển vào vị trí nhân viên chính thức sau khi hoàn thành chương trình học.
– Vấn đề tài chính
Ra trường, đồng nghĩa với việc phải tự tìm việc, tự lo cho bản thân, cho nên, hầu hết sinh viên mới ra trường đều không muốn tiếp tục nhận trợ cấp của bố mẹ. Đặc biệt, đối với những bạn xa gia đình, khoản tiền nhà, tiền ăn hàng tháng là một vấn đề rất đau đầu.
Lương khởi điểm thấp, thậm chí nhiều trường hợp vì chưa có kinh nghiệm nên tham gia học việc không lương, những khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày trở thành một thứ áp lực vô hình đè nặng lên đôi vai của những bạn sinh viên luật mới ra trường.
Song song với đó là sự kỳ vọng của gia đình, mong muốn được san sẻ gánh nặng kinh tế với bố mẹ khiến cho nhiều tân cử nhân luật rơi vào trạng thái căng thẳng, không ngừng thúc ép bản thân, không ít người vì vậy mà chuyển sang làm trái ngành, làm những công việc khác không liên quan đến ngành học để nhanh chóng kiếm được nhiều tiền.
– “Tiếp thị” bản thân không tốt
Quảng bá hình ảnh bản thân kém cũng là một vấn đề phổ biến đối với sinh viên mới tốt nghiệp khi tìm kiếm việc làm. Hầu hết các bạn sinh viên đều không biết thể hiện bản thân theo cách tốt nhất, làm nổi bật những điểm mạnh, khả năng tiêu biểu của bản thân mình. Điều này là một hạn chế lớn khi thời gian gần đây việc các nhà tuyển dụng sử dụng mạng xã hội để tìm hiểu, đánh giá ứng viên ngày càng trở nên phổ biến.
– Thiếu kỹ năng mềm
Nhiều nhà tuyển dụng đánh giá sinh viên mới ra trường hiện nay có kiến thức nhưng thiếu kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng cần thiết để làm việc. Nhiều bạn sinh viên cho rằng, các nhà tuyển dụng chỉ tuyển người có CV đẹp mà đổ xô đi học bằng này, bằng kia,… mà không biết rằng, nhà quản lý doanh nghiệp, nhất là các công ty nước ngoài luôn chú trọng đến các kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng lập kế hoạch,kỹ năng xử lý vấn đề trong tình huống bất ngờ…
Trừ một số bạn có mối quan hệ rộng rãi hay được bố mẹ gửi gắm, số còn lại, đa phần các bạn còn quá thụ động trong quá trình tìm việc. Các bạn chưa tự tin vào bản thân, thiếu nghị lực và dũng cảm để đương đầu với những khó khăn, thậm chí có bạn còn chưa rõ mình thích làm gì, thích làm công việc như thế nào. Các bạn không biết rằng, trong môi trường công việc đầy cạnh tranh và năng động, trang bị tốt cho mình các kỹ năng giao tiếp, đàm phán, thuyết trình, quản lý thời gian,… mới thực sự là yếu tố quyết định giúp các bạn khác biệt và làm việc hiệu quả.
Trăn trở của người luật sư luôn nặng lòng với các em sinh viên
Hiểu được những khó khăn này của các em, nhìn thấy thực trạng nhiều sinh viên luật phải đi làm những công việc không đúng đam mê, định hướng của mình, mặc dù đây là những công việc chính đáng, đều đáng được tôn trọng trong xã hội. Nhìn lớp thế hệ sinh viên luật, những người tiếp nối nghề luật đang dần mất đi định hướng, niềm tin vào nghề, Luật sư Trần Xuân Tiền không khỏi trăn trở.
Với góc nhìn của một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực pháp luật, Luật sư Trần Xuân Tiền nhận thấy, hiện nay, ở nước ta, phần lớn các tổ chức hành nghề luật còn gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính dẫn đến việc chưa thể tập trung đầu tư phát triển nhiều cho đội ngũ nhân sự. Tuy nhiên, vấn đề nhân sự, đặc biệt là nguồn nhân sự trẻ lại chính là vấn đề cốt lõi, quyết định sự thành công của bất cứ doanh nghiệp nào.
Do vậy, mỗi tổ chức hành nghề luật phải chú trọng, sâu sát và có những phương án thu hút, tuyển dụng, đào tạo, phát triển và bồi dưỡng nhân sự của tổ chức mình. Công tác tuyển dụng tốt sẽ là tiền đề cho công tác đào tạo và phát triển nhân sự, đỡ tốn kém chi phí và thời gian.
Tầm nhìn của nhà quản lý thể hiện ở việc xác định thế hệ trẻ chính là tương lai của tổ chức, của công ty, hôm nay các em là sinh viên, là người học việc nhưng ngày mai, các em là đồng nghiệp, là cộng sự, là đối tác,… của mình. Nhận các em sinh viên vào học việc, tận tình dìu dắt, hướng dẫn các em cũng chính là “khoản đầu tư” dài hạn của các nhà quản lý để xây dựng nguồn nhân lực nòng cốt trong tương lai cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng với nhau, sự thành công của một tập thể được tạo ra bởi năng lực, sức mạnh đoàn kết, quyết tâm của từng cá nhân.
Một điều dễ nhận thấy ở sinh viên mới ra trường là thiếu kinh nghiệm làm việc, tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, những bạn trẻ này cũng có một số ưu điểm mà nhiều nhân viên làm việc lâu năm không có, đó là tư duy sáng tạo, nhanh nhẹn, nhạy bén trước các xu hướng. Đôi khi, đó còn là những ý tưởng sáng tạo mang tính đột phá. Trong khi đó, sự sáng tạo và đổi mới lại là những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển không ngừng trong tương lai. Trong nhiều trường hợp, các bạn biết cách áp dụng thế mạnh này để giải quyết tốt hơn các công việc được giao, để bù lại cho sự thiếu kinh nghiệm của bản thân.
Bên cạnh đó, sinh viên mới ra trường luôn mong muốn được thể hiện bản thân và chứng minh năng lực, do đó, nếu các đơn vị tuyển dụng tạo điều kiện cho các bạn được tham gia vào các công việc của công ty, họ sẽ nỗ lực hết sức, hoàn thành công việc một cách sáng tạo, hiệu quả.
Sinh viên là “những viên ngọc thô” cần được mài giũa. Đánh giá cao vai trò quan trọng của sinh viên học việc, sinh viên mới ra trường, đặc biệt là hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề nhân sự đối với sự phát triển của doanh nghiệp, Luật sư Tiền nhận định việc giúp đỡ sinh viên luật chính là giúp mình chứ không phải sự ban ơn. Mối quan hệ giữa tổ chức hành nghề luật và sinh viên luật chưa bao giờ tách rời mà cần chia sẻ, kết nối sâu sắc hơn. Biết chia sẻ, biết cho đi để giá trị nghề nghiệp được thăng hoa.
Căn cứ vào kết quả trực tiếp từ thành tích, đóng góp thực tế của sinh viên, nhà quản lý cần có những chế độ đãi ngộ tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi phù hợp. Điều này không chỉ khích lệ, động viên những nỗ lực của các bạn cho sự phát triển của tổ chức, thậm chí đó còn là sự hỗ trợ kịp thời cho sinh viên đối với một phần chi phí sinh hoạt. Khi áp lực tài chính được chia sẻ và nhận được sự ghi nhận của nhà tuyển dụng qua những chính sách khen thưởng, sinh viên sẽ trở nên tự tin vào sự lựa chọn của mình, không ngừng nỗ lực làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp, tổ chức.
Đãi ngộ nhân sự là hoạt động luôn đi cùng với tuyển dụng, nó hỗ trợ hoạt động tuyển dụng đạt kết quả và hiệu quả cao. Các chính sách đãi ngộ như chính sách tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, các biện pháp đãi ngộ tinh thần thông qua công việc và môi trường làm việc sẽ tạo điều kiện thu hút sinh viên ưu tú, tăng khả năng gắn bó lâu dài của sinh viên đối với tổ chức hành nghề luật.
Tóm lại, hoạt động quản trị nhân sự là cả một quá trình từ tuyển dụng nhân sự cho đến đãi ngộ nhân sự, các khâu này có mối liên hệ ràng buộc với nhau. Muốn làm tốt những khâu sau thì trước tiên phải làm tốt khâu tuyển dụng.
Một vài lưu ý cho các bạn sinh viên luật mới ra trường
Cơ hội việc làm của các bạn cử nhân luật hiện nay là rất lớn và vô cùng đa dạng. Trong đó, theo đuổi con đường trở thành luật sư chính là tìm được sự tự do trong công việc của mình.
Vai trò của người thầy đầu tiên là vô cùng quan trọng, do đó, các bạn sinh viên cần tìm cho mình một địa chỉ học việc uy tín, đáng tin cậy. Ở trong môi trường đó, các bạn mới nhận được sự tôn trọng, được hướng dẫn công việc cụ thể, được rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp, có thể đem lại cơ hội học tập cho mình,…
Khi không được hướng dẫn công việc mà phải thực hiện những công việc không liên quan thì phải nhìn nhận, đánh giá, xem xét lại và có quyết định dứt khoát, khéo léo từ chối những tổ chức hành nghề như vậy để tránh tình trạng vừa mất thời gian mà kiến thức nhận lại không áp dụng được cho hoạt động nghề nghiệp sau này.
Đồng thời, mỗi sinh viên luật phải luôn đặt mình ở tâm thế chủ động: chủ động nộp hồ sơ ứng tuyển, chủ động tìm kiếm cơ hội, chủ động trong công việc, không ngồi một chỗ chờ giao việc,…
Bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn ứng viên của mình có sự chuẩn bị chu đáo từ CV, gửi email xin việc đến chỉn chu trong trang phục, tác phong và tìm hiểu kỹ mọi thông tin trước khi bước vào phỏng vấn. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá rất cao những ứng viên đặt nhiều câu hỏi hoặc đưa ra ý tưởng sáng tạo giúp giải quyết các vấn đề nan giải của công ty.
Đừng đi phỏng vấn với tâm thế “có ra sao thì cũng chẳng sao”, hãy thể hiện nguyện vọng được làm việc của mình. Hơn ai hết, nhà tuyển dụng hiểu rằng sinh viên mới ra trường không có gì hơn ngoài sự nhiệt tình và khát vọng muốn cống hiến, tuy nhiên chỉ những ai có đủ đam mê mới xứng đáng được trao cơ hội.
Không chỉ xem xét năng lực và kỹ năng, nhà tuyển dụng còn lựa chọn ứng viên dựa vào mức độ phù hợp và khả năng thích nghi với môi trường văn hóa công ty. Các câu trả lời, tính cách mà người sinh viên bộc lộ trong suốt quá trình phỏng vấn là cơ sở để nhà tuyển dụng đánh giá họ đưa ra được quyết định sau cùng.
Chú ý ở cách ứng xử, giao tiếp trong quá trình làm việc và trên các mạng xã hội vì đây chính là góc nhìn, đánh giá của luật sư đối với người học việc. Cơ hội được nhận làm nhân viên chính thức chính là ở những đóng góp, sự chủ động của bản thân chứ không phải trông chờ vào bất cứ ai.
Khéo léo trong việc thỏa thuận, đề xuất mức lương phù hợp cũng là một điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng. Việc thỏa thuận về lương là một “nghệ thuật” đòi hỏi ứng viên phải định lượng được khả năng của bản thân. Biết cách thỏa thuận, nói chuyện mà không gây phản cảm trong mối quan hệ giữa nhà tuyển dụng và ứng viên.
Với những chia sẻ hết sức tâm huyết, Luật sư Trần Xuân Tiền đã cho thấy những góc nhìn mới mẻ, những nhận định, đánh giá hết sức sâu sắc về những vấn đề tồn tại của sinh viên mới ra trường; vai trò của các bạn sinh viên học việc trong các tổ chức hành nghề luật; mong muốn của nhà tuyển dụng đối với các bạn sinh viên; cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên luật. Đồng thời đưa ra cho các bạn sinh viên những lời khuyên trong quá trình nộp hồ sơ ứng tuyển, tham gia phỏng vấn; trong quá trình học việc,… để nhận được sự đánh giá cao của nhà tuyển dụng.
Hi vọng những chia sẻ trên đây của Luật sưu Tiền sẽ là hành trang cho sinh viên luật trên con đường nghề nghiệp của mình. Hãy bước những bước đầu tiên trên hành trình tìm việc một cách tự tin và chắc chắn, dù là sinh viên mới ra trường, còn nhiều thiếu sót nhưng chỉ cần với sự chuẩn bị và đầu tư nghiêm túc, cơ hội nghề nghiệp lúc nào cũng luôn rộng mở cho những người luôn nỗ lực không ngừng nghỉ.
Hoàng Lan
Điện thoại: 0972640117
Email:hglan2210@gmail.com
Bùi Ngân
Điện thoại: 0349144184