Những ngày gần đây, sau khi clip một nữ sinh 16 tuổi bị chủ shop quần áo M.H. ở Thanh Hoá làm nhục bị phát tán rầm rộ trên mạng, dư luận đã vô cùng bức xúc, phẫn nộ. Hầu hết quan điểm của cư dân mạng đều cho rằng, việc trộm cắp của nữ sinh là sai trái, nhưng chính cách hành xử, giải quyết vấn đề thiếu nhân văn, xúc phạm nhân phẩm người khác, thậm chí vi phạm pháp luật mới là điều đáng lên án hơn cả.
Đứng trên phương diện pháp lý, diễn biến vụ việc trên sẽ được nhìn nhận, đánh giá ra sao, mời quý độc giả cùng đọc và tìm hiểu qua những phân tích dưới đây của Văn phòng Luật sư Đồng Đội!
Theo diễn biến vụ việc, ngày 25/11/2021, hai nữ sinh là T.M. và L.T.H. đã có hành vi ăn trộm chiếc váy tại shop quần áo M.H. với trị giá 160.000 đồng. Sau khi phát hiện chiếc váy bị mất trộm, M.H. – chủ shop đã sử dụng trang facebook cá nhân đăng nội dung “shop đã tìm được thủ phạm ăn cắp, nếu trong vòng 24h không liên hệ với shop sẽ trình báo công an” (kèm theo hình ảnh và số điện thoại của M.H.).
Đầu tiên phải khẳng định hành vi trộm cắp của hai nữ sinh là hành vi vi phạm pháp luật, căn cứ vào khoản 1 Điều 15 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, đối với hành vi trộm cắp tài sản sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Như vậy, tại thời điểm chủ shop quần áo phát hiện ra hành vi trộm cắp tài sản, phải ngay lập tức trình báo sự việc với cơ quan chức năng để tiến hành xử lý, xử phạt hành chính theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, không đợi đến khi hết thời hạn 24h, hai nữ sinh đã chủ động liên hệ với chủ shop quần áo để xin lỗi về việc có đến cửa hàng trộm quần áo. Chị M.H. đã yêu cầu đến shop để trực tiếp nói chuyện. Câu chuyện có lẽ sẽ dừng lại ở đây nếu mọi chuyện được giải quyết êm xuôi, vì hai cô bé nữ sinh đã nhận ra lỗi lầm và đến xin lỗi chủ shop, nhưng chị M.H. lại chọn cách giải quyết táo bạo hơn: yêu cầu nữ sinh M. cởi mũ bảo hiểm, bỏ khẩu trang che mặt để quay clip!
Khi M. không đồng ý việc này, chị M.H. – chủ shop đã thể hiện hành vi đầy côn đồ, dã man bằng việc dùng tay tát vào mặt và dùng chân đạp vào đầu M., mẹ chồng M.H. cũng lao vào dùng tay túm tóc M., sau đó chị M.H. còn kéo áo và dùng kéo cắt tóc, cắt đứt áo ngực của M. Tiếp đó, chồng của M.H. đã đưa M. lên tầng 2 và yêu cầu M. trong 3 ngày phải “khắc phục” số tiền là 15 triệu nếu không sẽ báo công an. Quá hoảng sợ, M. đã liên tục nhắn tin xin lỗi, mong tha thứ nhưng không được đồng ý, thậm chí chủ shop và những người liên quan còn doạ sẽ báo Công an và đưa thông tin về nhà trường và địa phương nơi M. cư trú, học tập, cuối cùng chủ shop yêu cầu M. phải viết giấy khất nợ số tiền 10 triệu đồng.
Rõ ràng, chị M.H. là chủ một cửa hàng quần áo, là người kinh doanh đã lâu năm, thông thường phải rất khéo léo trong ứng xử với khách hàng, nhưng vì sao lại thể hiện những hành vi côn đồ, trái pháp luật như vậy?
Nguyên nhân lớn rất là do thiếu hiểu biết về pháp luật, hành xử kiểu “chợ búa” nên không có ý thức tôn trọng người khác, không biết thế nào là ranh giới giữa hành vi hợp pháp và hành vi vi phạm pháp luật. Việc chủ shop đăng thông báo công khai trên mạng về việc mất trộm quần áo và yêu cầu người trộm đồ đến để nói chuyện là không sai, nhưng hành động vượt quá giới hạn như tấn công, đe doạ, làm nhục đối phương… là hành vi vi phạm pháp luật. Sở dĩ họ hành động như vậy vì họ nghĩ mình đang là “người bị hại”, việc đối phương gây tổn hại đến tài sản, việc kinh doanh của họ là hành vi sai trái, nên họ nghĩ mình có quyền làm mọi thứ để trừng trị thích đáng hành vi này. Với tâm lý của một người làm chủ, trên phương diện của một bị hại, một khi đã có thể bắt nạt được thì mọi thứ sẽ càng trầm trọng hơn chứ không thể dừng lại. Sự bắt nạt cuối cùng đã lên đến đỉnh điểm, không dừng lại ở bạo lực mà kết hợp với lòng tham đã khiến họ có hành vi cưỡng đoạt tài sản đối với hai nữ sinh.
Hành vi nói trên của các đối tượng có đủ căn cứ để truy tố về tội Làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với hình thức xử lý là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu căn cứ vào kết quả giám định pháp y cho thấy hành vi nói trên gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, người phạm tội sẽ phải đối mặt với mức phạt từ từ 3 tháng đến 2 năm.
Ngoài ra, hành vi đe doạ, uy hiếp tinh thần bé gái, buộc nạn nhân phải đưa tiền là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Căn cứ vào khoản 1 Điều 170 BLHS, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Nếu hành vi phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm, căn cứ vào khoản 2 Điều này.
Trong quá trình khám xét, điều tra, mở rộng vụ án, lực lượng công an cũng phát hiện ra được có nhiều mặt hàng tại shop quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ chứng minh. Nếu có đủ căn cứ chứng minh hàng hoá không có hoá đơn chứng từ, là hàng giả, hàng nhái, buôn lậu,… thì cơ quan chức năng có quyền tịch thu toàn bộ hàng hoá và tiến hành xác minh, làm rõ và tiến hành xử lý theo quy định. Theo đó, chủ shop quần áo có thể bị truy tố về các tội nhu: Tội trốn thuế với mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm (Điều 200 BLHS); Tội buôn bán hàng giả với mức phạt tù lên đến 15 năm (Điều 192 BLHS); Tội buôn lậu với mức phạt cao nhất là 20 năm tù (Điều 188 BLHS).
Ngoài trách nhiệm hình sự, những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật còn phải bồi thường thiệt hại đến sức khoẻ, danh dự nhân phẩm và thiệt hại về tinh thần của nạn nhân. Cách xác định thiệt hại được quy định tại các Điều 590, 592 Bộ luật dân sự 2015. Bên cạnh đó, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định; mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Hành vi trộm đồ trong cửa hàng là một điều sai trái, nhưng thay vì được nhắc nhở, giải quyết một cách khéo léo, nhân văn, M. lại phải chịu sự trừng phạt khủng khiếp cả về thể chất lẫn tinh thần, gây bàng hoàng và bức xúc trong dư luận xã hội. Là một học sinh mới chỉ 17 tuổi, độ tuổi chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần cũng như chưa nhận thức đầy đủ về đời sống xã hội nên việc mắc sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Người lớn phải hiểu và nhận thức được điều ấy để có cách giáo dục phù hợp, tạo điều kiện cho trẻ biết nhận ra lỗi lầm và sửa sai, phát triển và hoàn thiện bản thân. Sự tổn thương tâm lý nặng nề đối với cô bé nữ sinh có lẽ sẽ khó có thể hồi phục được trong một khoảng thời gian dài. Điều cô bé cần nhất lúc này chính là sự quan tâm, động viên của gia đình và bạn bè, cũng như sự bao dung của dư luận xã hội.
Còn đối với chị M.H., hành vi đăng clip lên mạng xã hội có thể là vô thưởng vô phạt, thậm chí là để ra oai, thể hiện sự trừng phạt đối với kẻ trộm, nhưng hậu quả là thật. Chỉ vì mất số tài sản không đáng kể mà sự hành hạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của cô gái trẻ, điều họ cho rằng đó là việc “dạy dỗ”, “giáo dục” đã gây ra hậu quả mà họ không bao giờ tưởng tượng được. Giờ đây, giá trị tài sản mất mát không chỉ dừng lại ở con số 160.000 đồng mà còn nhân lên hàng trăm, hàng nghìn lần; mọi thanh danh, uy tín cũng sụp đổ chỉ trong phút chốc. Từ một người chủ cửa hàng quần áo, là người bị thiệt hại về tài sản do hành vi ăn trộm của nữ sinh gây ra, qua cách hành xử coi thường pháp luật, vượt quá mọi giới hạn đạo đức, ứng xử của con người mà cái giá to lớn M.H. phải trả là sự chuyển hoá từ “bị hại” trong phút chốc trở thành “bị can”. Nhưng chuyện gì đã xảy ra, có hối hận cũng không thể sửa chữa, khi biết tỉnh ngộ thì mọi chuyện đã quá muộn, đây là bài học cho tất cả những ông chủ, bà chủ trong kinh doanh về văn hoá trong ứng xử; về sự khoan dung, độ lượng trong cách hành xử, giải quyết vụ việc; cũng là bài học cho tất cả chúng ta về cách đối nhân xử thế giữa người với người trong xã hội sao cho chuẩn mực, văn minh, lịch sự, hợp tình, hợp lý.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Website: https://dongdoilaw.vn
Người viết: Lệ Mai – CTV pháp lý
Bài viết được hoàn thiện qua sự hướng dẫn của Luật sư Trần Xuân Tiền.
SĐT: 0362616926 – Email: mmaivk22@gmail.com