“Tín dụng đen” – hình thức cho vay nặng lãi nguy hiểm đã xuất hiện từ lâu, nhưng cho đến thời điểm này đã biến tướng thành nhiều kiểu vay với những điều kiện thế chấp vô cùng nhẫn tâm và phi đạo đức: thế chấp bằng hình ảnh, clip “nóng” của người vay.
Mới đây, đường dây cho vay thế chấp mới được công an Quận Nam Từ Liêm phát hiện, trong đó có đến 1000 khách hàng vay tiền với tài sản thế chấp là ảnh khiêu dâm. Nếu như trước đây, người vay tín dụng dùng thông tin cá nhân như chứng minh thư, hay sổ đỏ và các giấy tờ giá trị khác để làm tài sản thế chấp, và trong trường hợp đến hạn chưa trả đủ thì chủ nợ sẽ gọi điện cho họ, thậm chí bạn bè, người thân để đe dọa, gây sức ép trả nợ. Thì đến bây giờ, thủ đoạn cho vay đã phát triển tinh vi hơn, việc cung cấp hình ảnh, clip nhạy cảm là điều kiện bắt buộc để vay được tiền, và chủ nợ dùng chính thông tin đó để đòi nợ, khống chế con nợ và đẩy họ vào bước đường cùng.
Nạn nhân của những vụ việc này đa phần là những cô gái có nhu cầu vay tiền nhưng lại không có bất kỳ tài sản thế chấp nào, vì vậy mà họ chấp nhận vay tiền với mức lãi suất cắt cổ và tín chấp bằng chính hình ảnh nhạy cảm của mình, thậm chí mang tính chất khiêu dâm. Những nạn nhân trên yên tâm cho rằng, bên cho vay sẽ xóa ảnh, clip của mình sau khi số tiền vay sẽ được trả như họ đã hứa hẹn, nhưng trên thực tế, họ không lường trước được những hệ lụy bi đát, chua chát mà họ phải gánh chịu khi quyết định sử dụng dịch vụ cho vay kiểu này. Sự đánh đổi lớn nhất mà nạn nhân phải gánh chịu là phải đi “bán dâm” để lấy tiền trả nợ.
Trên phương diện pháp lý, “thế chấp tài sản” là một trong những biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự, tuy nhiên, đối tượng để thế chấp là tài sản, bao gồm vật hoặc quyền tài sản, và phải đảm bảo các thuộc tính có thể quản lý, sử dụng, định đoạt. Còn thông tin cá nhân, hình ảnh, clip thuộc về quan hệ nhân thân, không phải là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp pháp. Việc thế chấp cho khoản vay bằng hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân là thủ đoạn, cách thức của các đối tượng cho vay để uy hiếp, đe dọa tinh thần nạn nhân; đây vừa là hành vi vi phạm pháp luật, vừa là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức, chuẩn mực xã hội.
Quyền nhân thân, danh dự, nhân phẩm của con người luôn được Hiến pháp, pháp luật bảo vệ. Vì vậy, đối với hành vi xâm hại đến quyền con người sẽ phải chịu chế tài xử phạt của pháp luật. Cụ thể, hành vi đe dọa tung hình ảnh nhạy cảm của người vay với mục đích đòi nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 BLHS 2015 với mức phạt lên đến 20 năm tù khi cưỡng đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên; phạt tiền lên đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Nếu đối tượng có hành vi dùng vũ lực để buộc con nợ phải trả tiền hay giao các tài sản khác thì còn có thể bị xử lý về tội “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 168 Bộ luật này, mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Ngoài ra, các đối tượng cho vay thế chấp với lãi suất cho vay cắt cổ, cao gấp hàng chục lần so với lãi suất 20%/năm theo quy định tại Điều 469 BLDS 2015 sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Căn cứ vào khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 15 triệu đồng; nếu thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; nếu thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, căn cứ theo Điều 201 BLHS 2015.
Đối với những trường hợp các nạn nhân do không có tiền trả nợ mà buộc phải bán dâm, lệ thuộc hoàn toàn về tinh thần đối với người cho vay thì căn cứ vào Điều 143 BLHS 2015, các đối tượng sẽ bị xử lý hình sự về tội “Cưỡng dâm”. Hơn nữa, nếu các hình ảnh, clip nhạy cảm của nạn nhân bị chủ nợ tung lên mạng thì đối tượng vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”, căn cứ vào Điều 326 BLHS, mức chế tài cao nhất của tội danh này lên đến 15 năm tù.
Từ những phân tích pháp lý về hành vi, chế tài xử phạt, có thể thấy pháp luật có những chế tài rất khắc nghiệt cho những hành vi vi phạm nói trên. Tuy nhiên, hình thức cho vay nặng lãi, vay tín chấp vẫn luôn tồn tại trong đời sống xã hội và có xu hướng phát triển tiêu cực, sai lệch chuẩn mực các giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Hình thức cho vay nói trên xuất phát có lẽ từ nhu cầu của đa số người vay: họ muốn vay một khoản tiền nhất định nhưng không có tài sản nào để thế chấp. Chỉ với thủ tục đơn giản, bằng cách gửi ảnh, các clip khỏa thân, kèm theo chứng minh nhân dân là có thể dễ dàng vay một khoản tiền đủ đáp ứng nhu cầu của người dùng. Trong xã hội hiện đại, có một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ hiện nay có tư tưởng nhàn hạ, không muốn bỏ công sức lao động để kiếm tiền mà chỉ thích hưởng thụ, theo đuổi lối sống quý tộc, xa hoa nên đã bất chấp nguy hiểm rình rập để tìm đến những dịch vụ cho vay thế chấp như thế này. Tuy nhiên, cũng có nhiều cô gái trẻ, có học thức vì quá túng quẫn, khó khăn nhất thời trong mùa dịch Covid mà đã tự sa mình vào cái bẫy nguy hiểm của vay tín chấp, để rồi cái bẫy đó ngày càng lún sâu không thể thoát ra được nữa.
Qua những vụ việc thực tế mà các nhà làm luật hay Luật sư đã giải quyết, một trong những nguyên nhân nữa dẫn tới việc các cô gái trẻ phải đi vay thế chấp bằng ảnh “nóng” của mình là do bị các tổ chức cho vay qua “app” thúc nợ. Đây là cũng là một hình thức cho vay dưới dạng vay tín chấp núp bóng tín dụng đen và hầu hết các hình thức này đều là vay nặng lãi. Cũng chính vì vậy mà cứ từng ngày, khi “lãi mẹ đẻ lãi con”, các nạn nhân cứ xoay vòng vay app nọ, trả app kia, đồng thời liên tục bị chủ nợ gọi điện đe dọa đòi tiền, thì đã có nhiều trường hợp túng quẫn đến nỗi phải tự vẫn, số còn lại tìm đến hình thức vay dùng ảnh “nóng” thế chấp để trả nợ cho app vay tiền, vì chính bản thân họ cũng không còn tài sản gì để thế chấp vay thêm được nữa.
Lỗi từ phía người đi vay đã đành, nhưng lỗi từ phía những đối tượng cho vay còn đáng lên án hơn. Họ dùng chính những hình ảnh của nạn nhân để “siết nợ”, xâm phạm đời tư cá nhân, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của nạn nhân, thậm chí đẩy họ vào con đường phạm pháp. Với những thông tin nhạy cảm như vậy, chắc chắn rằng nạn nhân không thể chia sẻ, lên tiếng mà chỉ có thể âm thầm cắn răng chịu đựng và thực hiện theo những yêu cầu của chủ nợ, thậm chí phải bán dâm để có tiền trả cho họ mà không còn cách nào khác. Hành vi này thể hiện sự suy đồi nghiêm trọng về đạo đức, văn hóa, rẻ rúng giá trị nhân phẩm con người, trái với thuần phong mĩ tục của dân tộc.
Cũng cần phải lưu ý rằng, tình trạng cho vay bằng hình ảnh nhạy cảm, khiêu dâm của người vay đã xuất hiện tại Trung Quốc từ năm 2016 và đã được cảnh báo trên rất nhiều các trang báo, các phương tiện thông tin đại chúng của nước ta. Những xu thế du nhập từ nước ngoài, dù tốt hay xấu cũng cần có những đánh giá, nhận định rõ ràng từ các cơ quan chuyên trách để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với xã hội và để có phương án ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, khi vấn nạn này đã xuất hiện tại nước ta, đáng lo ngại rằng có đến hàng nghìn cô gái trẻ đã tham gia và bất đắc dĩ trở thành nạn nhân, mà họ càng cố gắng vùng vẫy thì lại càng vô vọng.
Trước thực trạng và những hệ lụy khôn lường từ hình thức cho vay thế chấp nêu trên, hơn nữa là khó khăn về kinh tế nói chung của bộ phận lớn người dân tại thời điểm này, rất cần có những chính sách hỗ trợ từ nhà nước trong việc tăng cường các khoản vay tiêu dùng của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu cho người dân trong các trường hợp cần thiết.
Hơn nữa, cần có các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết, kiến thức cho người dân nhận diện mức độ nguy hiểm của các tổ chức cho vay núp bóng tín dụng đen. Đồng thời, các cơ quan báo chí cần thường xuyên đăng tải cho người dân được biết về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các tổ chức này cũng như các giải pháp ứng phó, để người dân tự bảo vệ bản thân, không để mình trở thành nạn nhân của những băng nhóm tín dụng đen nguy hiểm.
Nhà nước và các cơ quan chức năng cần có các quy định chặt chẽ hơn nữa về các hoạt động tín dụng của các công ty tài chính cũng như hoạt động cho vay tiền qua mạng, để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những công ty, cá nhân có dấu hiệu của việc cho vay nặng lãi hay các hành vi khác xâm phạm đến quyền nhân thân, danh dự, nhân phẩm con người. Tuy nhiên, dù sao thì“phòng bệnh” bao giờ cũng hơn “chữa bệnh”, đối với những vấn nạn đã xảy ra và có cảnh báo nguy hiểm từ ngước ngoài, các cơ quan chức năng cần đánh giá mức độ và đưa ra đề xuất phương án, hoạch định mang tính dự báo để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa và có phương án xử lý nhanh nhạy nhất khi đối mặt với nguy cơ làn sóng tệ nạn mới có thể du nhập ở nước ta.
Sự nguy hiểm của loại hình dịch vụ cho vay thế chấp bằng hình ảnh nạn nhân và những hệ lụy tiêu cực đến sức khỏe, tính mạng và danh dự, nhân phẩm của họ chính là bài học cảnh tỉnh cho cả xã hội, đặc biệt là đối với một bộ phận giới trẻ với tư tưởng mới hiện nay. Cần thay đổi ngay lối suy nghĩ “không làm mà vẫn có ăn”; tỉnh táo trước mọi cám dỗ của cuộc đời và luôn kiếm tiền bằng chính sức lực của mình, bởi thành công chỉ đến khi bản thân ta biết cố gắng và luôn phấn đấu, nỗ lực làm việc. Trách nhiệm cũng đặt ra cho gia đình và người thân của chính những nạn nhân ấy trong việc thường xuyên quan tâm và giám sát, bởi vốn dĩ đây là những chuyện vô cùng nhạy cảm, khó để chia sẻ, mở lòng. Vì vậy, nếu thấy có dấu hiệu bất thường hay xuất hiện những khoản vay không rõ ràng, gia đình cần có phương án giải quyết ngay lập tức, tránh để chuyện bé xé ra to, có như vậy thì những đối tượng trên sẽ không bao giờ có cơ hội lợi dụng để làm giàu bất chính, và cũng sẽ không xảy ra tình trạng nhiều cô gái trở thành nạn nhân của những vụ việc đau xót kể trên.
https://youtu.be/Mzt6Fqc7IUg
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Website: https://dongdoilaw.vn
Người viết – CTV pháp lý: Lương Lệ Mai
SĐT: 0362616926
Email: mmaivk22@gmail.com