Trong quá trình kinh doanh, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm tài sản (nghĩa vụ của doanh nghiệp phải trả tiền cho các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác). Vì vậy, trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp là vấn đề rất quan trọng cần lưu ý khi có ý định thành lập doanh nghiệp và quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Pháp luật quy định hai chế độ chịu trách nhiệm đối với doanh nghiệp là: trách nhiệm vô hạn, trách nhiệm hữu hạn. Bài viết sau đây sẽ tập trung tìm hiểu về trách nhiệm vô hạn đối với tài sản và nghĩa vụ khác của doanh nghiệp tư nhân.
-
Khái niệm về trách nhiệm vô hạn
Trách nhiệm vô hạn được hiểu là trách nhiệm tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp, theo đó chủ sở hữu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ và khoản nợ bằng toàn bộ tài sản của mình, kể cả tài sản không được huy động vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
-
Thời điểm chịu trách nhiệm vô hạn của doanh nghiệp tư nhân
Thời điểm chủ doanh nghiệp tư nhân bắt đầu phải chịu trách nhiệm vô hạn là thời điểm doanh nghiệp tư nhân được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm mà doanh nghiệp tư nhân bị áp dụng chế độ trách nhiệm vô hạn là thời điểm doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản mà tài sản còn lại của doanh nghiệp không đủ thanh toán các khoản nợ cho các chủ nợ của doanh nghiệp.
-
Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong chế độ trách nhiệm vô hạn đối với doanh nghiệp tư nhân
Căn cứ vào các điều 190, 191, 192, 193 Luật Doanh nghiệp 2020, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân có các quyền sau:
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp tư nhân của mình.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
Pháp luật quy định các nghĩa vụ cho doanh nghiệp tư nhân như sau. Căn cứ theo khoản 1 điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy, chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân sẽ phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ và khoản nợ của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của mình, bao gồm tài sản được huy động và không được huy động vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì toàn bộ vốn để thành lập nên doanh nghiệp tư nhân chỉ do một cá nhân đầu tư nên tài sản được sử dụng vào mục đích kinh doanh không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, giữa doanh nghiệp tư nhân và chủ sở hữu không có sự tách bạch về tài sản. Việc này không thỏa mãn điểm c khoản 1 điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 nên doanh nghiệp tư nhân sẽ không có tư cách pháp nhân. Vì doanh nghiệp tư nhân không có tài sản riêng nên chủ doanh nghiệp tư nhân không chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi số vốn đã đăng ký mà còn phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu mà không đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân trong trường hợp số vốn đầu tư đã đăng ký không đủ để thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ khác. Ở đây, chủ doanh nghiệp tư nhân đã phải chịu trách nhiệm vô hạn về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm cả tài sản dân sự và tài sản thương mại.
Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định một số nghĩa vụ khác cho doanh nghiệp tư nhân:
Trong thời hạn cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân.
Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác.
3. Mặt tích cực và mặt hạn chế của chế độ trách nhiệm vô hạn đối với doanh nghiệp tư nhân
Chế độ trách nhiệm vô hạn đối với doanh nghiệp tư nhân có những mặt tích cực và hạn chế khác nhau đối với mỗi chủ thể. Chế độ trách nhiệm vô hạn có những tích cực sau:
Thứ nhất, vì toàn bộ vốn của doanh nghiệp tư nhân do chủ sở hữu góp vốn nên chủ sở hữu có toàn quyền quyết định mọi hoạt động của công ty và hưởng mọi lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh công ty (khoản 1 điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020). Như vậy, quyết định của chủ doanh nghiệp sẽ thông qua nhanh hơn, dễ dàng đến bước thực hành. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân có một quyền đặc biệt là quyền cho thuê doanh nghiệp tư nhân (điều 191 Luật Doanh nghiệp 2020). Bản chất của quyền cho thuê doanh nghiệp là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân sẽ chuyển giao quyền chiếm hữu và sử dụng toàn bộ doanh nghiệp cho người khác trong một khoảng thời gian, nhưng quyền sở hữu doanh nghiệp tư nhân vẫn thuộc về chủ sở hữu. Vì vậy, trách nhiệm vô hạn vẫn thuộc về chủ sở hữu, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng về người cho thuê cũng như hợp đồng cho thuê.
Thứ hai, chế độ chịu trách nhiệm vô hạn tạo sự “an toàn” đối với các chủ nợ. Khoản 3, 4 điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Như vậy, chủ nợ có khả năng đòi được nợ cao hơn vì tài sản để thanh toán các khoản nợ không chỉ giới hạn trong số vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân mà còn là toàn bộ tài sản của chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, chế độ chịu trách nhiệm vô hạn cũng có hạn chế nhất định đối với chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân. Vì doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân và chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình nên khi xảy ra vấn đề, chủ sở hữu sẽ phải chịu rất nhiều rủi ro. Khi xảy ra vấn đề hoặc khi doanh nghiệp tư nhân bị tuyên bố phá sản, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân sẽ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản mà mình có, và vì doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, chủ sở hữu sẽ phải một mình chịu toàn bộ trách nhiệm mà không có sự phân tán rủi ro cùng những chủ thể khác như những doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.
Hiện nay, Luật Phá sản đã mở ra một hướng khác cho chủ doanh nghiệp tư nhân trong việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình. Điều 110 Luật Phá sản 2014 quy định: Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản quy định tại các điều 105, 106 và 107 của Luật này không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ, trừ trường hợp người tham gia thủ tục phá sản có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân bị tuyên bố phá sản mà chủ doanh nghiệp không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ thì chủ doanh nghiệp có thể thương lượng, thỏa thuận với chủ nợ về nghĩa vụ và thời hạn thực hiện nghĩa vụ của mình.
-
Kết luận
Tóm lại, pháp luật đã quy định rất nhiều quyền và nghĩa vụ về trách nhiệm vô hạn của doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân phải chịu nhiều rủi ro song chế độ trách nhiệm vô hạn cũng quy định nhiều quyền lợi cho chủ sở hữu, mỗi người cần xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng trong việc thành lập doanh nghiệp.
Lưu Khánh Vi – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi