Việc tổ chức lại hệ thống Thi hành án dân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả là chủ trương đúng đắn, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Trong đó, mô hình Phòng Thi hành án dân sự khu vực, được thành lập trên cơ sở sáp nhập các Chi cục cấp huyện, nhằm tinh giản đầu mối và nâng cao năng lực chuyên môn. Tuy nhiên, từ thực tiễn tổ chức và triển khai nhiệm vụ tại địa phương, cho thấy mô hình này cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để bảo đảm vừa đúng định hướng cải cách, vừa sát thực tiễn và phù hợp với đặc thù của công tác thi hành án dân sự.
1. Khi Phòng khu vực làm việc nhưng không có quyền quyết định
Hiện nay, nhiều Phòng Thi hành án khu vực vẫn không có con dấu quốc huy, không có tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và cũng không có thẩm quyền ban hành quyết định thi hành án. Mọi quyết định đều phải chờ Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh phê duyệt – kể cả đối với các hồ sơ do Phòng trực tiếp thực hiện.
Điều này dẫn đến một nghịch lý: người trực tiếp xử lý công việc không có quyền quyết định, còn người ký quyết định thì không nắm chắc thực tiễn địa bàn. Hệ quả là chậm trễ, vênh trách nhiệm – quyền hạn, khó bảo vệ quyết định trước người dân, dễ gây ra khiếu nại vượt cấp.
2. Khi Trung ương phải “ôm” việc địa phương – Bất cập trong mô hình tổ chức THADS hiện nay
Sau khi Tổng cục và các Cục THADS cấp tỉnh bị giải thể, hệ thống tổ chức thi hành án chuyển sang mô hình mới: Cơ quan THADS tỉnh và các Phòng thi hành án khu vực.
Tuy nhiên, mô hình này đang bộc lộ một nghịch lý lớn. Theo đó, Phòng thi hành án khu vực – đơn vị trực tiếp tiếp xúc với vụ việc và người dân – lại không được giao thẩm quyền ban hành quyết định, kể cả trong các vụ việc đơn giản.
Do vậy, khi có tranh chấp, khiếu nại hay đề nghị xử lý, Phòng khu vực không có nghĩa vụ giải quyết như Chi cục trước đây. Mọi văn bản xử lý đều phải do Trưởng cơ quan THADS tỉnh ký. Chính điều này dẫn đến hệ quả: Trưởng tỉnh ký thay nhiều cấp, nhưng chỉ có một “đầu mối” chịu trách nhiệm, nên khi phát sinh khiếu nại tố cáo, tất cả đều đổ dồn về cấp tỉnh, rồi cấp trung ương. Một quyết định xử lý đơn giản ở cơ sở cũng có thể trở thành vụ việc khiếu nại kéo dài, gay gắt, vượt cấp.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp – cơ quan quản lý nhà nước – lại bị cuốn vào hàng loạt vụ việc cụ thể mà lẽ ra đã có thể giải quyết gọn từ tuyến dưới nếu được trao quyền phù hợp.
Phân quyền mà không phân trách nhiệm, giao việc nhưng không giao thẩm quyền – đó chính là nút thắt đang làm chậm cả hệ thống.
3. Cần một mô hình trao quyền thực chất
Muốn mô hình Phòng Thi hành án khu vực vận hành hiệu quả, cần mạnh dạn trao quyền thực chất, song hành với cơ chế kiểm tra chặt chẽ:
-
Cấp con dấu quốc huy và tài khoản riêng cho Phòng khu vực;
-
Phân quyền cho Trưởng phòng được ký các quyết định trong phạm vi vụ việc Phòng trực tiếp xử lý;
-
Quy định rõ trách nhiệm của Phòng trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại lần đầu;
-
Cục cấp tỉnh làm đầu mối kiểm tra, giám sát, hướng dẫn nghiệp vụ, không ôm toàn bộ quyền hành chính.
4. Đừng “trói tay” cấp cơ sở rồi mong hiệu quả
Có ý kiến lo ngại rằng nếu trao quyền cho cấp huyện thì dễ xảy ra vi phạm. Nhưng thực tế, sai phạm không đến từ việc có quyền hay không, mà đến từ cách giám sát và quản lý quyền lực đó.
Cấp huyện là nơi gần dân, nắm chắc tình hình thực tế, thường xuyên tiếp xúc với tiền – tài sản – mâu thuẫn. Nếu “trói tay” cấp này bằng cơ chế hành chính thụ động, thì hiệu quả không thể đến. Ngược lại, cần trao quyền đúng – kiểm tra chặt – đánh giá công tâm để vừa đảm bảo hiệu quả công vụ, vừa kiểm soát rủi ro.
5. Từ người từng gánh việc Nhà nước, đến người đồng hành cùng công lý
Tôi từng có hơn 15 năm làm Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện và gần 20 năm hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực này. Tôi hiểu rõ áp lực, trách nhiệm và thực tế mà chấp hành viên cơ sở đang gánh.
Dư luận có thể gọi họ là “người đi đòi nợ thuê cho Nhà nước”, nhưng thực chất, họ chính là người trực tiếp hiện thực hóa công lý — bằng các hành động cụ thể như kê biên, cưỡng chế, xử lý tài sản. Muốn họ làm tốt, thì không thể để họ hành nghề trong trạng thái “không có quyền – không có danh chính ngôn thuận”.
6. Hình hài không nói lên tất cả, nhưng nói lên nhiều điều
Trang phục, con dấu, tài khoản, quyền ký quyết định… tuy chỉ là yếu tố hành chính, nhưng lại là biểu tượng của quyền lực Nhà nước, của sự bảo vệ đối với người đang trực tiếp thực thi công lý.
Không thể mong chấp hành viên “ra trận” trong những vụ việc phức tạp mà lại không được trang bị đầy đủ công cụ pháp lý. Thi hành án là khâu cuối cùng trong chuỗi thực thi pháp luật, nơi mà người dân nhìn vào để đánh giá tính nghiêm minh của bản án và uy tín của bộ máy công quyền.
7. Kết luận
Mô hình Phòng Thi hành án dân sự khu vực là một hướng đi cần thiết, nhưng để “đủ mạnh” và “thực tiễn”, thì điều kiện tiên quyết là trao quyền thực chất.
Phải thay đổi tư duy tổ chức: thay vì gom quyền lên tỉnh – hãy phân quyền xuống cơ sở, đi kèm kiểm soát chặt chẽ.
Đội ngũ chấp hành viên đang làm việc dưới áp lực ngày một lớn. Nếu không trao quyền và cải tiến tổ chức, thì mô hình dù có tinh gọn đến đâu cũng chỉ là hình thức. Công lý không thể đến với dân nhanh chóng nếu bộ máy thực thi vẫn vận hành trong khuôn khổ hạn chế, thiếu chủ động.
Và hơn hết, cải cách phải bắt đầu từ những điều cụ thể: con người, quyền hạn, công cụ và niềm tin. Khi chấp hành viên yên tâm hành nghề – thì pháp luật mới có thể đi vào đời sống một cách công bằng, hiệu quả và thực chất.
Tác giả: Luật sư Trần Xuân Tiền
Nguyên Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi