Thi hành án Dân sự tồn đọng
Thi hành án dân sự có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp nói chung và trong quá trình giải quyết vụ án nói riêng . Hoạt động Thi hành án dân sự là hoạt động cuối cùng bảo đảm cho bản án, quyết định của Toà án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế XHCN, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và nhà nước góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường hiệu lực hiệu quả của bộ máy nhà nước . Quyết định, bản án của toà án chỉ thực sự có giá trị khi được thi hành xong trong thực tế . Chính vì tầm quan trọng như vậy của Thi hành án dân sự nên hiến pháp năm 1992 đã qui định “các bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế , tổ chức xã hội , các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi người dân tôn trọng những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh thi hành”.
Thế nhưng thực tế thi hành pháp luật đang tồn đọng trên dưói 30 vạn vụ việc- một con số nhức nhối đến khó tin, tồn tại suốt nhiều năm qua, bất chấp sự hô hào, chỉ đạo quyết liệt từ các cơ quan nhà nước. Theo thống kê của các cơ quan Thi hành án dân sự thì chưa đầy 50% bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành. Năm 2005 cả nước có 327.658 vụ tồn đọng chiếm 58,38%, năm 2006 có 331.092 vụ tồn đọng chiếm 54,99% , năm 2007 có 331.433 vụ chiếm 48,04%, năm 2008 có 313.248 vụ , chuyển sang năm 2009 có 292.000 vụ việc tồn đọng.
Nguyên nhân Thi hành án Dân sự tồn đọng
Nguyên nhân án tồn đọng những năm qua có nhiều, đó là những hạn chế bất cập trong trình tự thủ tục thi hành án, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong Thi hành án dân sự, bản án tuyên không rõ, không khả thi, người phải thi hành án không rõ địa chỉ, không có điều kiện thi hành án, không có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, việc hoãn thi hành án , kháng nghị thi hành án còn chưa chính xác; sự chỉ đạo của các ban chỉ đạo Thi hành án dân sự chưa kịp thời, có khi chưa đúng luật gây ra ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi hành án, trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, tác phong lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ chấp hành viên còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Việc quan tâm của Đảng, nhà nước về cơ chế chính sách , về xây dựng thể chế pháp luật, về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa thu hút được nhân lực có trình độ cao, các cử nhân luật được đào tạo chính qui vào cơ quan thi hành án rất ít, nhất là ở Thành phố lớn (nơi có nhiều án và loại án phức tạp). Hiện tượng chảy máu chất xám tại cơ quan Thi hành án dân sự đang diễn ra, bất chấp việc Cục Thi hành án dân sự có qui định phải có thời gian công tác nhất định mới cho chuyển khỏi nghành .
Nguyên nhân quan trọng là nội tại các cơ quan Thi hành án dân sự, mà yếu tố con người – yếu tố quyết định cần phải xem xét . Với biên chế khoảng 8.000 người , trong đó có 3.000 Chấp hành viên hàng năm thi hành xong hàng trăm ngàn bản án và cũng để lại bao mất mát cán bộ (mỗi năm có khỏng 40 trường hợp bị kỷ luật, bị truy tố về hình sự do cố ý làm trái, ra quyết định thi hành án trái pháp luật, nhận hối lộ …) mà hậu quả là những khiếu kiện gay gắt bức xúc rất khó giải quyết, là xói mòn lòng tin của người dân đối với các cơ quan Thi hành án dân sự.
Trả lời báo chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói “Một vấn đề mà người dân rất quan tâm đó là Thi hành án dân sự. Tôi cho đây là vấn đề chăn chở lớn nhất của bất kỳ người nào nhận trách nhiệm Bộ trưởng bộ Tư pháp” ông cũng khẳng định: “hiện nay có tình trạng Thi hành án dân sự đạt mức rất khiêm tốn, phải làm sao nâng được cái tâm và cái tầm của cán bộ thi hành án”. Với chăn chở của người đứng đầu Bộ Tư pháp, cơ quan được chính phủ giao chịu trách nhiệm giúp chính phủ trong việc tổ chức Thi hành án dân sự chắc chắn sẽ có sự chỉ đạo quyết liệt và thu được kết quả tích cực trong công tác Thi hành án dân sự theo luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực từ 01/7/2009.
Là người có nhiều năm quản lý chỉ đạo và tổ chức thi hành án tại cơ quan Thi hành án dân sự, nay làm cho Công ty luật có dịch vụ thu nợ cho các cá nhân và pháp nhân, tôi thấu hiểu những khó khăn vất vả và những tai tiếng không đáng có mà cơ quan Thi hành án dân sự đang phải chịu trong xã hội mà hệ thống pháp luật đang hoàn thiện và nền kinh tế đang chuyển đổi từng ngày.
Tôi thấy một nguyên nhân mà ít người quan tâm đó là sự tham gia quá ít của luật sư đối với hoat động Thi hành án dân sự.
Luật sư là lực lượng có trình độ pháp lý cao, đang phát triển rất nhanh và đang được xã hội khẳng định và tôn vinh. Luật sư có chức năng xã hội cao cả là tham gia bảo vệ công lý, góp phần bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ các quyền tự do dân chủ của cá nhân, tổ chức, bảo vệ pháp chế XHCN; thông qua việc tham gia quá trình tố tụng , thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác .
Luật luật sư và luật Trợ giúp pháp lý cũng qui định và khuyến khích luật sư tham gia trợ giúp pháp lý cho người nghèo, các đối tượng chính sách và các đối tượng được trợ giúp pháp lý khác theo cam kết của các tổ chức quốc tế tài trợ kinh phí theo dự án hỗ trợ pháp lý cho đối tượng là vị thành niên, phụ nữ bị bạo lực gia đình, người mới ra tù tái trở lại cộng đồng , người bị nhiễm HIV…
Thi hành án dân sự là một loại việc được trợ giúp pháp lý. Thế nhưng việc truyền thông còn hạn chế, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan chưa được quan tâm nên Thi hành án dân sự là khoảng trống về pháp luật của những người kém may mắn này, họ thường không có trình độ nên dễ mắc vào vòng lao lý, khi đó họ không biết kêu ai, dựa vào ai mà họ chỉ biết âm thầm chờ đợi kết quả thi hành án từ cơ quan Thi hành án dân sự trong tâm trạng như người ngồi chờ sung rụng. Chính sự thiếu hiểu biết pháp luật là nguyên nhân sâu xa dẫn đến kết quả thi hánh án kém hiệu quả. Người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không hiểu pháp luật về thi hành án nên không biết bảo vệ quyền lợi hợp pháp, không tự giác chấp hành pháp luật, nên các cơ quan thi hành án thường tuỳ tiện đưa ra rất nhiều lý do không thuyết phục về việc dây dưa trì hoãn thi hành án mà nguyên nhân bắt đầu từ cơ quan thi hành án, từ Chấp hành viên.
Cũng cần xem xét khía cạnh luật sư, luật sư cũng là một nghề nên họ có quyền lựa chọn cho mình dịch vụ pháp lý phù hợp với khả năng và cuộc sống của họ vậy nên trong thực tế có rất ít luật sư quan tâm đến Thi hành án dân sự (“nghề đòi nợ thuê” , nghề khô, khó, khổ).
Sẽ là rất ý nghĩa khi 5300 luật sư trong cả nước và hơn 2000 người đang tập sự hành nghề luật sư quan tâm và đóng góp cho công tác Thi hành án dân sự để góp phần nâng cao tính pháp chế XHCN, bảo vệ quyền hợp pháp của đương sự, những khách hàng mà các luật sư đã bỏ bao công sức để bảo vệ quyền lợi của họ trước cơ quan tố tụng, góp phần đưa thành quả của luật sư không chỉ dừng lại trên gíây mà bằng kết quả thi hành án.
Xã hội hoá là quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước, sự tham gia của các tổ chức chính trị , tổ chức chính – xã hội nghề nghiệp , sự tham gia của tư nhân vào công tác Thi hành án dân sự (Quốc hội đã có Nghị quyết về thí điểm thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương từ khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực đến năm 2012) là rất cần thiết và là bước tiến mới trong giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác thi hành án dân sự.
Nên chăng Bộ tư pháp, Tổng cục THADS và Liên đoàn luật sư cần có cơ chế phối hợp để làm tốt công tác THADS – Công tác đầy khó khăn vất vả nhưng cũng rất đỗi tự hào .