Mọi người thường biết đến Luật sư với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của nền tư pháp; góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế người Luật sư còn giữ vai trò là người thầy, người dẫn dắt thế hệ sau, thế hệ tiếp nối – những sinh viên yêu thích, đam mê với nghề luật. Từ đó, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước để tạo ra những giá trị cho nền tư pháp, cho xã hội công bằng, văn minh.
Đối với những sinh viên có niềm đam mê muốn theo nghề luật thì có một người thầy có tâm, có tầm dẵn dắt mình là một điều đáng quý, giúp họ tiếp thu, vận dụng những kiến thức đã học tập ở trường và những kinh nghiệm, bài học từ những Luật sư đi trước để bảo vệ “những người trong thế yếu”.
Dưới đây là Thư ngỏ do sinh viên tại Văn phòng luật sư Đồng Đội viết đã thể hiện điều này một cách rất rõ ràng:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
___***____
THƯ NGỎ
Kính gửi: – Chánh án Tòa án nhân dân thành phố H.;
– Bí thư huyện ủy huyện T.;
Chúng tôi là sinh viên Đại học Luật Hà Nội và hiện đang thực tập tại Văn phòng luật sư Đồng Đội. Chúng tôi viết thư này để trình bày với Ông về việc tiếp công dân tại TAND huyện T. ngày 25/10/2016 như sau:
Thứ nhất, theo quy định về tiếp công dân được niêm yết công khai thì thời gian tiếp công dân của TAND huyện T. là 13 giờ 20 phút và cán bộ tiếp công dân phải là Thẩm phán còn Thư ký Tòa án chỉ được thực hiện việc nhận đơn và vào sổ.
Tuy nhiên, đến tận 14 giờ 30 phút vẫn không có cán bộ Tòa án nào trực tại phòng tiếp công dân làm cho chúng tôi và có cả những người dân khác phải mệt mỏi chờ đợi và bức xúc; nếu không ý kiến chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục phải chờ đợi. Thậm chí, khi vào làm việc, chúng tôi không được gặp người có trách nhiệm tiếp công dân theo đúng quy định mà lại gặp Thư kí Tòa án. Như vậy, TAND huyện T. đã tiếp công dân không đúng quy định.
Phải chăng TAND huyện T. đang “hành dân” trong khi những người dân như chúng tôi phải bỏ công bỏ việc đến tòa án cơ quan thực thi công lý chỉ mong công việc được giải quyết nhanh chóng.
Thứ hai, chúng tôi có tới Tòa án nhân dân huyện T. để nộp đơn ly hôn thay cho chị Đặng Thị T. Do hoàn cảnh vừa mới sinh con nhỏ mới chỉ 1 tháng và liên tục bị chồng bạo hành về tinh thần nên chị T không đủ sức khỏe để có thể tự mình thực hiện thủ tục ly hôn nên chị T mới phải nhờ đến sự giúp đỡ của chúng tôi.
Tuy nhiên, Thư ký tòa yêu cầu chị T phải đến tận Tòa chỉ để có mặt khi Tòa án tiếp nhận đơn trong khi đầy đủ hồ sơ và đã được trình bày rất rõ ràng về hoàn cảnh hết sức khó khăn của chị mà theo Thư ký tòa án đây là nguyên tắc luật quy định, là “cơ chế” của Tòa án.
Tuy chỉ là sinh viên nhưng chúng tôi hiểu rằng nguyên tắc được đặt ra để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân trong từng trường hợp cụ thể. Và áp dụng cho trường hợp này là quá máy móc, cứng nhắc, gây khó dễ cho đương sự. Còn sự mập mờ của “cơ chế” mà Tòa nhắc đến là gì? phải chăng có “tiêu cực” ở đây?
Thứ ba, chúng tôi đã phải ánh ngay lại sự việc với Chánh án TAND huyện T. về thái độ tiếp công dân của Thư ký Tòa nhưng Chánh án đã không quan tâm, xử lý ngay mà bảo chờ đồng thời còn lời nói đỡ, bênh vực cho cấp dưới.
Hiện nay theo Khoản 1 Điều 190 BLTTDS năm 2015 thì nhà làm luật còn thêm hình thức nộp trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Cho thấy, quá trình cải cách tư pháp đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho người dân có thể thực hiện quyền khởi kiện của mình và thành phố H. cũng đã nhanh chóng áp dụng điểm tiến bộ này BLTTDS năm 2015 vào thực tiễn. Vậy mà pháp luật dù cải cách nhưng cán bộ TAND huyện T. dường như vẫn “chưa chịu cải cách”, thật là điều đáng tiếc.
Kính thưa, chúng tôi là những sinh viên luật, cử nhân luật trẻ mong muốn được tiếp xúc với thực tế để học hỏi, trau dồi kinh nghiệm. Trong quá trình thực tập, chúng tôi đã tiếp xúc với chị Đặng Thị T, người phụ nữ trẻ, xinh đẹp, tài giỏi và có chồng là Trung úy công an huyện T. Tưởng chừng cuộc sống gia đình hạnh phúc nhưng qua những tâm sự chị về hoàn cảnh gia đình chúng tôi mới thấu hiểu và vô cùng cảm thông cho chị. Còn gì bất hạnh hơn khi thường xuyên bị chồng có lời lẽ xúc phạm nhân phẩm, danh dự một cách thậm tệ, bố mẹ chồng liên tục đuổi ra khỏi nhà dù vừa mới sinh con, buộc lòng chị T phải mang con về nhà mẹ để chăm sóc, nuôi dưỡng. Ly hôn chính là sự giải thoát cho người phụ nữ không may mắn này.
Người dân gõ cửa đến các cơ quan Tòa án để với hi vọng đây sẽ là nơi mà cán cân công lý được thực thi, nơi quyền lợi chính đáng của người dân được bảo vệ. Bản thân mới chỉ là sinh viên nhưng chúng tôi không ngần ngại đường xa và mưa gió từ Linh Đàm về tận TAND huyện T với mong muốn có thể giúp đỡ được người không may mắn như chị T. Nhưng trước sự thờ ơ, vô cảm, máy móc của cán bộ Tòa án huyện T. nơi đây và sự mập mờ của “cơ chế” mà Tòa nhắc đến. Liệu niềm tin của người dân vào cơ quan pháp luật, niềm tin của những người mới chỉ là sinh viên vào cán cân công lý mà mình đang theo đuổi theo liệu có còn không ?
Với thư này, chúng tôi kính mong Quí Ông xem xét lại thái độ tiếp công dân của cán bộ TAND huyện T., yêu cầu có những cán bộ Tòa có thái độ tôn trọng , xử sự phù hợp với người dân, tạo điều kiện cho chúng tôi có thể giúp đỡ người dân bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn !
NGƯỜI VIẾT THƯ
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội