Thưa luật sư, tôi và chồng tôi kết hôn năm 2005, chúng tôi đều là người Việt Nam nhưng sinh sống và kết hôn tại nước ngoài. Trong khoảng thời gian hôn nhân, giữa hai chúng tôi xảy ra rất nhiều tranh cãi, dù đã cố gắng hàn gắn nhưng vẫn không thể hòa giải. Đến năm 2022, hai chúng tôi thống nhất ly hôn, vấn đề con cái và tài sản chung sẽ thỏa thuận sau. Tuy nhiên trong khoảng thời gian này, tôi phát hiện chồng tôi đã lấy tiền chung của hai vợ chồng mua 2 mảnh đất ở Hà Nội nhưng giấu tôi (vợ chồng tôi kinh doanh cửa hàng ăn chung). Vậy luật sư cho hỏi, trong trường hợp này thì chúng tôi cần nộp đơn ly hôn ở đâu và cần thủ tục gì? Thêm vào đó, nếu phân chia tài sản thì sẽ chia như thế nào, tôi có được hưởng 2 mảnh đất chồng tôi mua ở Hà Nội không? (Chúng tôi có 1 con trai 8 tuổi, tài sản chung hiện tại bao gồm 1 nhà hàng và 1 căn nhà ở Mỹ)
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi. Chúng tôi xin trả lời bạn như sau:
1.Đăng ký kết hôn ở nước ngoài có thể thực hiện thủ tục ly hôn ở Việt Nam?
Theo quy định tại Điều 34 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được ghi vào Sổ hộ tịch, nếu tại thời điểm kết hôn các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam. Do đó, việc xác lập hôn nhân tại nước ngoài cần phải được thực hiện thủ tục ghi chú vào Sổ hộ tịch để hôn nhân đó được công nhận tại Việt Nam.
Như vậy, trong trường hợp vợ chồng bạn đã thực hiện ghi chú vào Sổ hộ tịch tại Việt Nam thì bạn có thể thực hiện thủ tục ly hôn tại Việt Nam, còn trong trường hợp vợ chồng bạn chưa thực hiện thủ tục nêu trên thì hôn nhân của bạn chưa được công nhận tại Việt Nam và bạn không phải thực hiện thủ tục ly hôn tại Việt Nam.
2. Thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam
Trường hợp của bạn là trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài nhưng bạn không nói rõ cụ thể vợ chồng bạn đang thường trú ở Việt Nam hay ở nước ngoài, vậy nên chúng tôi sẽ trả lời theo hai trường hợp như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về ly hôn có yếu tố nước ngoài:
Trường hợp 1, vào thời điểm ly hôn vợ chồng bạn không thường trú ở Việt Nam nhưng có nơi thường trú chung là nước sở tại thì thủ tục ly hôn sẽ theo pháp luật của nước sở tại – nước bạn đang sinh sống và kết hôn.
Trường hợp 2, vợ chồng bạn có nơi thường trú chung ở Việt Nam hoặc không có nơi thường trú chung thì thủ tục ly hôn sẽ giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
Theo pháp luật Việt Nam, thủ tục giải quyết ly hôn như sau:
Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài: Tòa án có thẩm quyền giải yêu cầu ly hôn có yếu tố nước ngoài là Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam giải quyết việc ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam theo quy định tại Khoản 4 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Thủ tục ly hôn:
Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh/thành phố có thẩm quyền
Bước 2: Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ trong thời hạn khoảng 7-15 ngày, Tòa án kiểm tra đơn và nếu đầy đủ thì Tòa thông báo nộp tiền tạm ứng án phí.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án
Bước 4: Tòa án sẽ triệu tập và tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật
3. Chia tài sản khi ly hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam
Đối với việc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn theo pháp luật Việt Nam, theo nguyên tắc tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì đối với tài sản của vợ chồng sẽ giải quyết tài sản theo thỏa thuận của hai vợ chồng trừ trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được thì giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Đối với tài sản là bất động sản thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó theo quy định tại Khoản 3 Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Do đó, đối với bất động sản ở Việt Nam (hai mảnh đất) sẽ giải quyết theo pháp luật của Việt Nam, bất động sản ở nước ngoài (một nhà hàng và một căn nhà) sẽ giải quyết theo pháp luật nước ngoài.
Vì vậy, trong thời kỳ hôn nhân chồng bạn lấy tài sản chung của vợ chồng đi mua đất tại Việt Nam thì khi ly hôn sẽ giải quyết theo pháp luật Việt Nam. Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Vậy nên quyền sử dụng 2 mảnh đất trên là tài sản chung của vợ chồng bạn. Khi ly hôn quyền sử dụng đất được chia theo Khoản 2 Điều 62 Luật này như sau:
a) Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thỏa thuận của hai bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng;
b) Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định tại điểm a khoản này;
c) Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo quy định tại Điều 59 của Luật này;
d) Đối với loại đất khác thì được chia theo quy định của pháp luật về đất đai.
Từ những quy định trên, khi thực hiện thủ tục ly hôn bạn phải xem nơi thường trú chung của vợ chồng bạn đang ở Việt Nam hay nước sở tại. Trong trường hợp bạn ly hôn theo pháp luật Việt Nam thì trong quá trình chia tài sản khi ly hôn bạn và chồng bạn có thể thỏa thuận với nhau để đôi bên cùng được hưởng lợi ích của mình. Nếu trong trường hợp vợ chồng bạn không thỏa thuận được thì sẽ chia theo quy định của pháp luật.
4. Việc chăm nom, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
Đối với việc ai sẽ là người nuôi con sau khi ly hôn thì căn cứ tại Khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014, Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Vì vậy, trong trường hợp con bạn đã 8 tuổi thì khi ly hôn Tòa án sẽ dựa trên nguyện vọng của con bạn để quyết định ai là người nuôi con.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Ngô Ngọc Hiếu, Lê Thị Lan Anh , Nguyễn Phương Hoa
Tham vấn: Luật sư Trần Xuân Tiền