Câu hỏi: Anh tôi đang bị tạm giữ về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tôi muốn hỏi rằng tôi có thể thay anh tôi mời luật sư bào chữa được không? Pháp luật có giới hạn số lượng luật sư tham gia bào chữa cho một người không và thủ tục mời luật sư như thế nào? Mong luật sư giải đáp thắc mắc của tôi.
Luật sư trả lời:
- Luật sư tham gia tố tụng tại thời điểm nào?
Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Và luật sư có thể tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Theo đó, luật sư có thể tham gia tố tụng kể từ khi khởi tố bị can. Hoặc trong trường hợp anh bạn bị bắt, tạm giữ người thì Luật sư có thể tham gia tố tụng từ khi anh bạn có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ theo quy định tại Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Vì vậy, tại thời điểm anh bạn bị bắt tạm giữ luật sư hoàn toàn có thể tham gia với tư cách là người bào chữa cho anh của bạn.
- Ai có thể mời luật sư tham gia với tư cách là người bào chữa?
Căn cứ tại Điều 16 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc nhờ người khác bào chữa theo quy định tại Điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn.
Do vậy, bạn với tư cách là người thân thích của anh bạn hoàn toàn có thể mời luật sư để bào chữa cho anh bạn.
- Có thể mời nhiều luật sư tham gia bào chữa cho một người không?
Luật sư chia sẻ, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay không quy định giới hạn số lượng bị cáo mời Luật sư bào chữa tham gia vụ án hình sự. Căn cứ tại khoản 5 Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định “Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị buộc tội”. Quy định này là phù hợp với nguyên tắc Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội. Vì vậy, tùy theo tính chất, mức độ của vụ án hình sự thì anh bạn hoặc thân thích của anh bạn có thể cân nhắc mời số lượng Luật sư bào chữa phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích của anh bạn.
- Thủ tục mời luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư 70/2011/TT-BCA, Điều 3 và Điều 4 Thông tư 46/2019/TT-BCA thủ tục mời luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa như sau:
Bước 1: Khi người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có nhu cầu nhờ luật sư bào chữa thì Điều tra viên hướng dẫn viết giấy yêu cầu luật sư.
Trừ trường hợp người thân thích của người bị tạm giữ, bị can mời Luật sư thì phải làm đơn mời Luật sư và hợp đồng dịch vụ pháp lý với tổ chức hành nghề Luật sư.
Bước 2: Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.
Bước 3: Luật sư khi nhận được giấy yêu cầu luật sư bào chữa thì thực hiện thủ tục đăng ký bào chữa theo quy định tại Điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:
Theo đó, khi đăng ký bào chữa, luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội;
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa, nêu rõ lý do bằng văn bản.
Bước 4: Trong 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ đăng ký bào chữa từ luật sư thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo về việc đăng ký bào chữa.
- Những khó khăn khi thực hiện thủ tục mời luật sư?
Luật sư chia sẻ thêm, không thể phủ nhận rằng, sự tham gia của luật sư từ sớm có vai trò quan trong trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy pháp luật đã quy định cụ thể về quá trình thực hiện thủ tục mời luật sư nhưng thực tế còn tồn tại nhiều rào cản khiến quá trình mời luật sư diễn ra khó khăn cũng như ảnh hưởng đến việc bào chữa của luật sư cho thân chủ.
a. Những rào cản khách quan
Không ít các Luật sư chia sẻ, quá trình đăng ký bào chữa của luật sư vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ví dụ, cơ quan điều tra gây khó khăn, cản trở mặc dù luật sư đã nộp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan, khiến thời hạn để đăng ký bào chữa kéo dài. Từ đó, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ .
Hay các trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ chối việc đăng ký bào chữa của luật sư do cơ quan có thẩm quyền thông báo không rõ, không đầy đủ, chỉ mang tính “hình thức”, tượng trưng cho họ về quyền được bào chữa. Điều này dẫn đến họ không hiểu hoặc hiểu không rõ về quyền bào chữa của mình và từ chối luật sư bào chữa.
Bên cạnh đó, căn cứ tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về trường hợp chỉ định luật sư bào chữa, nhưng tâm lý của người bị buộc tội thường không tin tưởng vào luật sư do chỉ định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nên họ đã từ chối.
Ngoài ra, cũng có trường hợp người bị buộc tội từ chối luật sư bào chữa do gia đình mời vì một số nguyên nhân chủ quan (mặc dù đã hoàn thiện xong các thủ tục mời luật sư). Ví dụ như trường hợp của Bà Nguyễn Phương Hằng từ chối 8 luật sư bào chữa do gia đình bà Hằng mời kể từ khi bà Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam. Điều này gây mất thời gian cho luật sư và gia đình cũng như quyền lợi của bị can, bị cáo và người bị tạm giữ.
b. Những trở ngại chủ quan
Bên cạnh những trở ngại từ bên ngoài thì còn tồn tại những rào cản đến từ chính bản thân người luật sư.
Thứ nhất, là do trình độ chuyên môn của luật sư bào chữa còn hạn chế như ít kinh nghiệm, chưa tham gia vụ án hình sự, chưa tham gia tranh tụng, bào chữa tại phiên tòa… dẫn đến việc người bị buộc tội từ chối luật sư bào chữa vì nhận thấy chưa đáp ứng được mong muốn của họ. Bởi khi rơi vào vòng lao lý, tâm lý chung của người bị buộc tội là luôn mong muốn mình được bào chữa vô tội hoặc tội nhẹ hơn, án treo… đặc biệt là bị can, bị cáo những vụ án nghiêm trọng. Do đó, họ luôn muốn mời những luật sư có bề dày kinh nghiệm, có danh tiếng để bảo vệ cho mình.
Thứ hai, hiện nay có nhiều trường hợp, luật sư mang mục đích cá nhân, chạy theo xu hướng, chạy theo sự kiện để tham gia bào chữa cho người bị buộc tội. Điều này không những vi phạm đạo đức ứng xử nghề luật sư mà còn ảnh hưởng đến nhận thức của người dân về luật sư đó và cả nghề luật sư.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Lê Thị Lan Anh – Trần Thị Minh Hạnh