Tiếp tục loạt bài viết của Báo Người cao tuổi đăng ngày 19/8/2015 về “Chuyện 10 năm đi kiện của các cụ bà làng Đọ”, hôm nay chúng tôi có dịp trở lại Bắc Ninh nhưng với vai trò là một người dân cầm đơn “gõ cửa quan” trong buổi tiếp công dân định kì ngày 15 háng tháng, được tận mắt chứng kiến những gương mặt khắc khổ của người dân nghèo, mang theo nỗi bất an, lo lắng suốt nhiều năm trời đi tìm câu trả lời công lý và thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp dân, khiếu nại và giải quyết khiếu nại của cán bộ địa phương.
Như thông tin đã đăng, vụ việc của bà Nhữ Thị Lưu (khu phố Đọ Xá, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) là một trong những vụ việc khó khăn và phức tạp, sau rất nhiều năm trời ròng rã khiếu nại không đạt kết quả.
Tiếp tục hành trình gửi đơn đề nghị, khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền, ngày 15/3/2016, bà Lưu một lần nữa xếp hàng, ghi tên vào sổ đăng ký tiếp công dân để gặp lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, đấu tranh, khiếu nại đòi lại công bằng, giải quyết đền bù thỏa đáng.
Bà Lưu nguyên là Phó Chủ tịch Hội nông dân, nguyên Phó Chủ tịch Hội phụ nữ, nguyên Ủy viên quản trị HTX hai khóa, là cá nhân được khen thưởng “Người tốt, việc tốt gương sáng Bắc Ninh, thi đua là yêu nước – yêu nước là thi đua” lần thứ nhất. Người phụ nữ đã có “kinh nghiệm” lâu năm trong quá trình khiếu nại này ở địa phương còn cho chúng tôi được biết: “Hôm nào có buổi tiếp công dân tôi cũng lên đây, đăng kí ghi tên vào sổ tiếp công dân, tuy nhiên từ năm 2010 bước sang 2011 cho tới nay là 6 năm tôi không được vào văn phòng tiếp công dân gặp cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh để giải quyết khiếu nại”.
Có lẽ, phải thực sự là quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của nhân dân thì họ mới sẵn sàng bỏ công sức, thời gian gần 20 năm trời để đi tìm một câu trả lời thỏa đáng nhất cho bản thân mình? Thế nhưng, đáp lại sự tin tưởng, mong ngóng của nhân dân là thái độ thiếu tôn trọng của cán bộ địa phương.
Mặc dù đến từ rất sớm, nhưng phải chờ hàng tiếng đồng hồ người dân mới được vào phòng tiếp dân gặp cán bộ giải quyết sau khi đã làm nhiều thủ tục và qua các “cửa” tiếp nhận đơn thư nhất định. Cán bộ tiếp công dân ngày hôm đó là Phó phòng tiếp dân và xử lý đơn thư, tuy nhiên tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp: không có bảng tên, chức vụ; không có giấy tờ, sổ sách ghi chép vấn đề khiếu nại, đơn thư của người dân; không phân loại đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị…
Phải chăng cơ quan chức năng không nghiêm túc trong quá trình xem xét giải quyết khiếu nại; không thực sự lắng nghe ý kiến của người dân để giải quyết dứt điểm vấn đề còn tồn đọng, coi thường và thiếu tôn trọng ý kiến của người dân, khiến khiếu kiện kéo dài ròng rã nhiều năm liền, gây bức xúc, lòng dân không khâm phục?
Trao đổi với chúng tôi về thái độ tiếp dân và khiếu nại, giải quyết khiếu nại của cán bộ UBND tỉnh Bắc Ninh, Luật sư Trần Xuân Tiền (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Lưu, trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Việc tiếp dân là hết sức quan trọng, được thể hiện trong Hiếp pháp, quy định của pháp luật và là quyền cơ bản công dân. Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo kiên quyết với các địa phương về công tác tiếp dân để giải quyết triệt để vụ việc còn tồn đọng.
Qua quá trình bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà Lưu và làm việc với cơ quan có thẩm quyền tỉnh Bắc Ninh, tôi thấy nhiều vấn đề còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Cụ thể như đội ngũ tiếp dân chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu công việc, đơn giản nhất là trong tác phong, lề lối làm việc: không đeo thẻ công chức, viên chức, phù hiệu theo quy định; không có giấy tờ ghi chép nội dung khiếu nại; không nắm rõ nội dung yêu cầu của nhân dân, từ đó dẫn đến việc tham mưu cho lãnh đạo, phân công phân cấp giải quyết không chính xác, không đúng, không trúng, gây mệt mỏi, tốn kém, bức xúc trong nhân dân.
Ngoài ra, vụ việc kéo dài đã nhiều năm nhưng khi người dân và luật sư muốn gặp lãnh đạo chủ chốt của tỉnh hết sức khó khăn mặc dù đã nhiều lần đặt lịch làm việc qua văn bản và điện thoại. Đây chính là biểu hiện của việc chính quyền không vì dân, không gần dân, khiến cho việc chỉ đạo, giải quyết không đồng bộ, triệt để, khiến vụ việc đơn giản trở thành phức tạp. Nhìn lại công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại trên cả nước đã thấy một số địa phương có đường dây nóng, email để giải quyết khiếu nại kịp thời và nhanh chóng. Vì vậy, thiết nghĩ lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh nên chăng cần chấn chỉnh, phân công, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ để công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại sao cho kịp thời, nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhất”.
Rõ ràng, thực trạng về tiếp dân, khiếu nại và giải quyết khiếu nại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thực sự là vấn đề nổi cộm, cần có biện pháp cụ thể để khắc phục và xử lý kịp thời, giữ vững lòng tin của nhân dân nhất là trước thềm bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Câu nói của bà Lưu làm tôi suy nghĩ và trăn trở sau đó rất lâu: “Sau nhiều năm cầm đơn gõ “cửa quan”, chồng tôi bảo tôi còn tiếp tục khiếu nại sẽ ly hôn, con tôi bảo sẽ từ mặt, nhưng tôi kiên quyết: bỏ chồng, bỏ con, chứ không bao giờ bỏ cuộc”. Nhân dân không bỏ cuộc, chẳng lẽ cơ quan nhà nước lại “bỏ cuộc” hay sao?