- Khái niệm” Thừa phát lại”:
– Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (sau đây viết tắt là Nghị định 08/2020/NĐ-CP):
“ Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan”
- Điều kiện bổ nhiệm Thừa phát lại:
Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại như sau:
– Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.
– Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.
– Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.
– Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại.
– Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.
- Công việc Thừa phát lại được làm:
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Thừa phát lại được làm các công việc sau:
– Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu.
– Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
– Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
– Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự.
Cụ thể về các công việc mà thừa phát lại được làm như sau:
* Thẩm quyền, phạm vi tống đạt của Thừa phát lại:
Điều 32 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định Thừa phát lại thực hiện tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu sau đây:
– Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự;
– Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
* Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng của Thừa phát lại:
Khoản 1, Điều 36 và Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng của Thừa phát lại, như sau:
– Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp sau:
Một là những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
Hai là vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng bao gồm: xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng; làm lộ bí mật nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước; vi phạm quy định ra, vào, đi lại trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự; vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự.
Ba là vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội.
Bốn là xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.
Năm là ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
Sáu là ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng.
Bảy là ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ.
Tám là ghi nhận sự kiện, hành vi không do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.
Chín là các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
– Lưu ý:
+) Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
+) Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
+) Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.
* Thẩm quyền, phạm vi xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại:
Điều 43 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, phạm vi xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại như sau:
– Một là thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
– Hai là khi thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
* Thẩm quyền thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự của Thừa phát lại:
Điều 51 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ quy định về thẩm quyền tổ chức thi hành án của Thừa phát lại như sau:
– Một là, Thừa phát lại được quyền tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định sau đây:
+) Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện); bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
+) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện; bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định sơ thẩm, chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
+) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
– Hai là, Thừa phát lại không tổ chức thi hành phần bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.
4.Lịch sử, quá trình hình thành, phát triển chế định pháp luật thừa phát lại ở Việt Nam:
Về mặt lịch sử thì Thừa phát lại (Thừa hành viên) không xa lạ gì với người dân Việt Nam. Tại Việt Nam, Thừa phát lại đã từng tồn tại dưới nhiều tên gọi như: “Chưởng Tòa (miền Bắc); Mõ Tòa (miền Trung) và Thừa phát lại (miền Nam) Chế định Thừa phát lại đã hình thành, tồn tại ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến năm 1950 và sau đó còn tiếp tục tồn tại dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975). Ngày 5/6/1862, đại diện triều đình nhà Nguyễn đã ký kết với đại diện của Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất (Nam Kỳ lục tỉnh). Thực dân Pháp đã tiến hành phân chia lại địa giới hành chính, thiết lập chính quyền cai trị, hệ thống Tòa án và cùng với đó là việc áp dụng hệ thống luật của Pháp vào sáu tỉnh Nam Kỳ nước ta”. Đây là giai đoạn đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của chế định pháp luật về Thừa phát lại tại Việt Nam.
Tuy nhiên, khi mới xuất hiện tại Việt Nam, chế định pháp luật về Thừa phát lại chỉ tồn tại ở Nam Kỳ. Phải đến khi triều đình nhà Nguyễn tiếp tục ký kết các Hòa ước và Hiệp ước song phương với Pháp thì hệ thống pháp luật của Pháp, trong đó có chế định Thừa phát lại mới được triển khai trên toàn bộ lãnh thổ của Việt Nam. Các quy định về Thừa phát lại trong giai đoạn này được quy định trong các văn bản pháp luật như: “Bộ dân sự tố tụng Nam Việt ban hành kèm Nghị định ngày 16/3/1910 (ở Nam Kỳ); Bộ dân luật Trung năm 1936 ban hành kèm Bộ hộ sự, thương sự tố tụng Trung Việt (ở Trung Kỳ); Bộ dân luật Bắc năm 1931, kèm theo Bộ dân sự tố tụng Bắc (ở Bắc Kỳ)”. Mặt khác, các quy định về Thừa phát lại tại Việt Nam trong thời kỳ này bị ảnh hưởng trên khuôn mẫu của các Bộ Dân luật Pháp năm 1804 và Bộ Dân sự tố tụng Pháp năm 1807. Hay có thể nói, thực dân “Pháp đã áp dụng nguyên mô hình Thừa phát lại của Cộng hòa Pháp ở nước ta và mô hình này đã tồn tại trong suốt thời kỳ Pháp thuộc”. Một số quy định chung về Thừa phát lại trong giai đoạn này như: Thừa phát lại là công lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm và quản lý; Thừa phát lại được hưởng thù lao do khách hàng trả dựa trên biểu giá được pháp luật quy định; tại phiên tòa, Thừa phát lại thực hiện các nhiệm vụ như thông báo tòa khai mạc, gọi các đương sự, nhân chứng, triệu tập đương sự, lập các văn bản theo quy định của pháp luật, tống đạt các loại giấy tờ… Ngoài ra, Thừa phát lại còn có một số quyền hạn như: “Tại phiên Tòa, họ là hiệu dịch viên, thừa tác viên làm công việc báo tin Tòa đăng đường, Tòa bế mạc hay trong lúc xét xử gọi các đương sự, chứng nhân, cùng thi hành mệnh lệnh giữ trật tự của Chánh thẩm cho không khí được uy nghiêm. Ngoài pháp đình, Thừa phát lại có bổn phận tống đạt và thi hành mọi giấy tờ về tư pháp. Tống đạt trát đòi hoặc triệu hoán trạng ra trước Tòa dân sự để dự phiên xử, tống đạt giấy đòi nợ, đuổi nhà, thiết lập các tờ công chứng, thi hành án văn trục xuất, phát mại động sản hoặc bất động sản…” Chế định Thừa phát lại đã được quy định trong các văn bản pháp luật như: Bộ luật dân sự tố tụng Việt Nam năm 1910; Bộ Dân luật Trung năm 1936-1939; Bộ Hộ sự; Thương sự tố tụng năm 1942; Bộ luật dân sự Bắc năm 1931; Bộ Dân sự tố tụng Bắc năm 1917.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hệ thống cơ quan tư pháp mới được thiết lập trong cả nước, chế định Thừa phát lại tồn tại trước đó được duy trì và chịu sự quản lý của ban Công lại thuộc phòng Giám đốc hộ nội vụ của Bộ Tư pháp.
Đến ngày 24/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành sắc lệnh 13 quy định về tổ chức của tòa án các ngạch thẩm phán, trong đó, khoản 3, Điều 3 Sắc lệnh quy định: “Ban Tư pháp xã có quyền thi hành những mệnh lệnh của thẩm phán cấp trên, bao gồm các bản án, quyết định của tòa án”.
Ngày 19/7/1946, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Điều 3 của Sắc lệnh này quy định: Trong các thị xã, khu phố, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký đều chịu trách nhiệm thi hành những lệnh, mệnh lệnh hoặc án của các Tòa án, ở những nơi nào đã có Thừa phát lại riêng thì đương sự có quyền nhờ Thừa phát lại thi hành mệnh lệnh. Về thẩm quyền, trách nhiệm của Thừa phát lại trong thi hành án, Điều 1 của Sắc lệnh trên quy định: Các bản sao hoặc trích lục bản án do các phòng lục sự phát cho các đương sự để thi hành các án, hoặc mệnh lệnh các tòa án hộ đều phải có thể thức thi hành, ấn định như sau: “Vậy, Chủ tich Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa truyền cho các Thừa phát lại theo yêu cầu của đương sự thi hành bản án này, các ông chưởng lý và biện lý kiểm sát việc thi hành án, cai trị chỉ huy binh lực giúp đỡ mỗi khi đương sự chiếu luật yêu cầu…”. Như vậy, Sắc lệnh 130/SL ngày 19/7/1946 chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại trong chế độ mới. Sau năm 1954, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc với hai hệ thống pháp luật khác nhau. Miền Bắc dưới định hướng xã hội chủ nghĩa nên hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa từng bước được xây dựng. Ngày 22/5/1959, Sắc lệnh số 85/SL về cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng được ban hành, và việc thi hành án dân sự trước đây do Thừa phát lại và Ban tư pháp xã thực hiện được chuyển giao cho Thẩm phán Tòa án cấp huyện thực hiện dưới sự chỉ đạo của Chánh án. Đây là một sự thay đổi rất lớn của cơ chế tổ chức hoạt động thi hành án dân sự tại Việt Nam. Bởi từ chỗ căn cứ vào yêu cầu của đương sự để thi hành án dân sự thì nay đã là trách nhiệm của Tòa án. Nói cách khác, Tòa án chủ động tiến hành các hoạt động thi hành án dân sự mà không cần chờ đợi yêu cầu từ phía người được thi hành án. Chế định pháp luật về Thừa phát lại tại miền Bắc đến giai đoạn này tạm thời bị chấm dứt. Còn tại miền Nam, “Hiệp định Élysée ngày 8/3/1949 giữa chính quyền Pháp và chính quyền Bảo Đại được ký kết, Tổng trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị định số 111 ngày 4/2/1950 quy định chi tiết về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại. Cụ thể, nhiệm vụ của Thừa phát lại gồm bốn công việc sau: làm các truyền phiếu (giấy mời, giấy triệu tập); làm các việc lục tống về tư pháp hay không thuộc tư pháp; thi hành các bản án, công văn; công việc nội bộ trong các Tòa án”. Trong giai đoạn này, tại miền Nam, pháp luật quy định: “mỗi văn phòng Thừa phát lại có một Thừa phát lại và một Thư ký trưởng hữu thệ – là những người được thay thế Thừa phát lại thực thụ để thực hiện các hành vi tố tụng theo luật định. Số lượng Thừa phát lại là 36 người, trong đó có 18 Thừa phát lại thực thụ và 18 Thư ký trưởng. Ở các tỉnh không có văn phòng Thừa phát lại, công việc của Thừa phát lại được giao cho các Cảnh sát trưởng hoặc Phó cảnh sát trưởng (Trưởng ty cảnh sát) hoặc các Quận trưởng tạm thời kiêm nhiệm do Nghị định của Tổng trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm và các viên chức này được thu lệ phí như Thừa phát lại”. Sau đó, “nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại đã được ghi nhận cụ thể ở Bộ luật dân sự và thương sự tố tụng, Bộ luật hình sự tố tụng do chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ban hành năm 1972”.
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa được xây dựng và áp dụng trên phạm vi cả nước. Điểm nhấn đáng chú ý trong giai đoạn này là Hiến pháp năm 1980 được ban hành và đã thúc đẩy hàng loạt đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước trong đó có Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 1981. Luật đã giao cho Bộ Tư pháp đảm nhiệm công tác quản lý Tòa án địa phương về mặt tổ chức và bao gồm cả việc quản lý công tác thi hành án dân sự . Bên cạnh đó, ngày 22/11/1981, Nghị định số 143/HĐBT được ban hành đã quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp. Theo đó, “Bộ Tư pháp có chức năng quản lý các Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức, trong đó bao gồm cả việc quản lý công tác thi hành án dân sự” . Như vậy, kể từ ngày 1/1/1982, Tòa án nhân dân tối cao đã bàn giao nhiệm vụ quản lý công tác thi hành án dân sự trên phạm vi toàn quốc sang Bộ Tư pháp. Ngoài ra, Thông tư liên ngành số 472 ngày 18/7/1982 của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về “quản lý công tác thi hành án trong thời kỳ trước mắt” đã quy định cụ thể ở địa phương tại các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có phòng thi hành án nằm trong cơ cấu, bộ máy và biên chế của Tòa án để giúp Chánh án chỉ đạo công tác thi hành án dân sự. Ở các Tòa án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có các Chấp hành viên hoặc cán bộ làm công tác thi hành án dưới sự chỉ đạo của Chánh án. Ngày 28/8/1989, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989 được ban hành và đã đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử pháp luật thi hành án dân sự tại Việt Nam. Tuy nhiên, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989 quy định Chấp hành viên mới là người được pháp luật cho phép tổ chức thi hành các bản án, quyết định. Ngoài ra, không có bất cứ quy định gì liên quan đến Thừa phát lại. Như vậy, trong thời kỳ này, tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự tại Việt Nam là khép kín và phụ thuộc vào Tòa án nhân dân. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng thì chế định pháp luật về Thừa phát lại tại đây cũng đã chấm dứt.
Ngày 6/12/1992, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bàn giao công tác thi hành án từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ. Kể từ ngày 1/7/1993, các cơ quan thi hành án dân sự chính thức hoạt động cho đến hiện nay. Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 được ban hành đã cụ thể hóa cơ cấu tổ chức của các cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý thi hành án dân sự cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh Chấp hành viên. Tuy nhiên, giống với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989 thì chỉ có Chấp hành viên mới là chủ thể duy nhất có thẩm quyền thi hành án dân sự. Vì thế, chế định pháp luật về Thừa phát lại vẫn chưa được khôi phục trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Đến năm 2004, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 được ban hành trên cơ sở sửa đổi, bổ sung từ Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993. Tuy vậy, cũng giống với các quy định trước đó, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 vẫn chưa có bất cứ quy định gì về Thừa phát lại. Vì vậy, công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn này tiếp tục được giao cho các cơ quan thi hành án dân sự. Mặc dù vậy, qua tổng kết hoạt động thi hành án dân sự và nhận thức rõ những khó khăn, vướng mắc và tầm quan trọng của thi hành án dân sự, ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 49/NQ-TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó xác định rõ trọng tâm: “Từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án…”, đồng thời xác định nhiệm vụ cấp bách: “Nghiên cứu chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên); trước mắt, có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”. Mặt khác, để cụ thể hóa tinh thần chủ trương của Nghị quyết số 49, Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 đã quy định rất rõ: “Để triển khai chủ trương xã hội hóa một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương”. Đây là chủ trương rất quan trọng và là tiền đề cho việc khôi phục chế định pháp luật về Thừa phát lại tại Việt Nam thời gian sau đó.Trong giai đoạn này, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được ban hành. Mặc dù vậy, Luật này chỉ quy định các vấn đề về thi hành án dân sự liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên.
Năm 2009, Chính phủ đã xây dựng đề án tổ chức Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 24/7/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong nghị định này, những vấn đề quan trọng như văn phòng Thừa phát lại, phạm vi, thủ tục, quyền hạn… đều đã được quy định cụ thể. Tuy nhiên, do chỉ được tiến hành thí điểm nên quyền hạn của Thừa phát lại còn khá hạn hẹp. Theo đó, Thừa phát lại chỉ được quyền tiến hành các hoạt động: tống đạt văn bản của cơ quan thi hành án dân sự và của Tòa án; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án dân sự; và trực tiếp thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự. Sau đó, năm 2012, tiếp tục thực hiện thí điểm và mở rộng việc thực hiện chế định Thừa phát lại ra một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đó, Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến hết ngày 31/12/2015. Từ thời điểm này, chế định pháp luật về Thừa phát lại đã được mở rộng ra 13 tỉnh, thành phố. Đồng thời, sau một thời gian triển khai thí điểm, nhận thấy Nghị định số 61/2009/NĐ-CP bộc lộ không ít hạn chế, bất cập nên Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy, Nghị định 135/2013/NĐ-CP vẫn tiếp tục duy trì 4 nhóm quyền hạn của Thừa phát lại trên tinh thần của Nghị định 61/2009/NĐ-CP trước đây. Trong giai đoạn này, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung vào năm 2014. Đồng thời với đó, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự được ban hành. Mặc dù vậy, Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2014 và Nghị định 62/2015/NĐ-CP chỉ quy định những vấn đề liên quan đến hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên. Vì vậy, những vấn đề liên quan đến Thừa phát lại vẫn chủ yếu được quy định trong Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP và một số văn bản pháp luật hướng dẫn khác. Đến cuối năm 2015, Quốc hội khóa XIII chính thức thông qua Nghị quyết về việc chấm dứt thực hiện thí điểm và cho phép thực hiện chế định Thừa phát lại trên phạm vi cả nước kể từ 1/1/2016. Tuy nhiên, cho đến nay, luật về Thừa phát lại vẫn chưa được ban hành nên hoạt động của Thừa phát lại vẫn đang gặp không ít khó khăn và đồng thời, điều này còn làm cho Thừa phát lại chưa thực sự tạo được sự tin tưởng, tín nhiệm đối với khách hàng.
Đỗ Hoàng Trung – 0328661283- TTS Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi