Trong nền kinh tế hội nhập và phát triển có rất nhiều quan hệ phát sinh và chịu sử điều chỉnh bằng các qui phạm pháp luật nhưng không mấy ai có thể thấu hiểu hết được các qui định của pháp luật (nhất là thực tại hệ thống pháp luật Việt Nam như “rừng”, vừa thiếu vừa thừa; Nghị định,Thông tư hướng dẫn quá chậm, không rõ ràng và nhiều mâu thuẫn, Luật vừa ban hành đã thấy cần bổ sung sửa chữa…), việc áp dụng qui phạm pháp luật trong quá trình quản lý nhà nước bằng pháp luật còn tùy tiện, nhiều sai sót do năng lực, trình độ và cả vấn để tiêu cực, cá nhân. Vậy nên có câu chuyện phải trả học phí đắt cho việc không hiểu pháp luật khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế, hành chính, đăng ký sở hữu trí tuệ …hoặc bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật, xử lý hình sự … oan, sai mà không biết kêu ai.
Do vậy, việc tìm đến ông “thầy” trong lĩnh vực pháp luật là một nhu cầu cần thiết. Và những năm gần đây dịch vụ pháp lý do luật sư cung cấp đang ngày một tăng lên tại Việt Nam – nghề luật sư đang phát triển “nóng”. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không biết cách làm thế nào để tìm được một luật sư đáng tin cậy, chuyên nghiệp khi họ cần.
Trên thực tế, một tỷ lệ không nhỏ những người đã từng thuê luật sư tại Việt Nam không hài lòng với luật sư mà mình đã thuê, nhiều người còn rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” sau khi đã ký hợp đồng thuê luật sư, thậm chí có người còn nghĩ đến việc kiện chính luật sư của mình để đòi lại tiền thù lao đã trả.
Vì vậy việc tìm một luật sư đáng tin cậy để giúp đỡ hiệu quả đối với các vấn đề pháp lý cụ thể của bạn có thể không dễ dàng. Đừng nghĩ rằng bạn có thể tìm được một luật sư tốt bằng cách đơn giản là chỉ tìm kiếm trong sổ điện thoại hoặc đọc một quảng cáo. Không có đủ thông tin trong các nguồn đó để giúp bạn đưa ra một quyết định khôn ngoan.
Kinh nghiệm sau đây có thể giúp bạn tìm được một luật sư đáng tin cậy và chuyên nghiệp.
Khi cần phải tìm cho mình một luật sư, hầu hết chúng ta đều nghĩ ngay đến việc tìm một luật sư giỏi. Nhưng thế nào là một luật sư giỏi thì ngay cả nội bộ giới luật sư cũng chưa thể đưa ra được một câu trả lời thống nhất. Điều này một phần do lịch sử hình thành và phát triển của nghề luật sư tại Việt Nam chưa dài, phần khác do trong đội ngũ luật sư hiện nay của Việt Nam có sự khác nhau rất lớn về trình độ, bằng cấp chuyên môn, kinh nghiệm, hiểu biết xã hội và quan điểm, triết lý hành nghề, điều kiện hành nghề, môi trường hành nghề…( luật sư tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh). Có luật sư sẵn sàng đương đầu với các thế lực để giành lại công lý cho thân chủ, trong khi có luật sư chỉ lấy việc “chạy”, cốt sao kiếm được nhiều tiền làm triết lý hành nghề. Tuy nhiên, bằng trực giác và sự nhạy cảm của mình, bạn có thể biết được một luật sư có đáng tin cậy, chuyên nghiệp hay không sau một vài lần tiếp xúc, trao đổi công việc với luật sư.
Rất nhiều người từ trước tới nay chưa từng làm việc với một luật sư, do đó họ không biết kỳ vọng những gì từ một luật sư. Trước hết và quan trọng nhất, bạn nên kỳ vọng ở luật sư sự thẳng thắn, lời tư vấn trung thực. Luật sư của bạn nên chỉ ra cho bạn những điểm mạnh và điểm yếu đối với tư cách của bạn trong vụ việc và giúp bạn có một cái nhìn thực tế, khách quan về kết quả tiềm năng. Trong quá trình cung cấp dịch vụ, luật sư phải thường xuyên thông báo tình hình, kết quả giải quyết cho bạn và gửi cho bạn bản sao các văn bản liên quan đến vụ việc của bạn. Nếu một luật sư cam kết, đảm bảo về một kết quả giải quyết vụ việc của bạn, hãy chọn một luật sư khác. Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư không cho phép luật sư đảm bảo, cam kết về kết quả giải quyết một vụ việc cụ thể, do đó, hãy cảnh giác nếu điều này xảy ra.
Đừng kỳ vọng rằng luật sư của bạn phải hành động như là một nhà tâm lý học, cố vấn tài chính, thuế, hoặc phải đưa ra lời khuyên nào khác ngoài chuyên môn của anh ta. Nếu bạn cần tư vấn trong các lĩnh vực khác, hãy tham khảo ý kiến của một chuyên gia trong lĩnh vực đó.
Xác định chuyên ngành của luật sư mà bạn cần
Mặc dù tại Việt Nam, mỗi luật sư có chứng chỉ hành nghề đều được phép cung cấp dịch vụ pháp lý không hạn chế ở một chuyên nghành luật nào. Tuy nhiên, các luật sư đều có xu hướng chuyên môn hóa ở một vài lĩnh vực nhất định. Một luật sư có uy tín trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chưa hẳn đã là một luật sư tốt đối với vụ việc hình sự của bạn và ngược lại. Tương tự, một luật sư chưa có kinh nghiệm tranh tụng khó có thể giúp bạn hiệu quả trong vụ việc tại tòa án.
Thông qua sự giới thiệu của bạn bè, người quen
Có thể nhận xét một cách chủ quan rằng, đây là phương thức duy nhất mà nhiều người đã từng áp dụng để tìm luật sư cho mình. Khi chưa có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với luật sư thì phần lớn những thông tin hiếm hoi về một luật sư nào đó mà chúng ta có được là do bạn bè, người quen của chúng ta cung cấp. Những thông tin đó có thể do người giới thiệu đã từng có cơ hội tiếp xúc, làm việc trực tiếp với luật sư đó có được, hoặc do họ có được qua những nguồn khác như qua báo chí, hoặc được người khác kể lại. Đây là một nguồn thông tin tốt, tuy nhiên đừng đưa ra quyết định về việc thuê một luật sư nào đó mà chỉ dựa vào sự giới thiệu của người khác. Những người khác nhau sẽ có nhận xét khác nhau về phong cách và nhân cách của một luật sư; không nên quyết định việc thuê một luật sư cho đến khi bạn đã trực tiếp gặp, trò chuyện, thảo luận với luật sư đó về vụ việc của bạn, và hãy xem bạn có cảm thấy cảm thấy thoải mái khi làm việc với luật sư đó hay không.
Nguồn thông tin khác về luật sư
Tại Việt Nam chưa có các tổ chức cung cấp dịch vụ giới thiệu luật sư chuyên nghiệp như tại một số nước phát triển. Các đoàn Luật sư, Liên đoàn luật sư cũng chưa duy trì một danh sách hoàn chỉnh các luật sư thành viên để mọi người có thể tham khảo.
Tại các nước phát triển, internet là một nguồn cực kỳ tốt để định vị một luật sư vì nhiều website duy trì các thư mục của các luật sư toàn quốc và hầu hết các tổ chức hành nghề luật sư tại các nước này đều có website. Bạn cũng có thể biết khá rõ về bằng cấp, kinh nghiệm của từng luật sư thông qua website của tổ chức hành nghề luật sư mà luật sư đó đang làm việc. Khi bạn đã có trong tay tên tuổi của một luật sư,thường là bạn có thể tìm thấy những thông tin về họ qua bất kỳ công cụ tìm kiếm trực tuyến nào.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, số lượng các tổ chức hành nghề luật sư có website chưa nhiều, hơn nữa, trong số các website đó cũng không có nhiều trang có mục giới thiệu về các luật sư thành viên, luật sư cộng sự của tổ chức hành nghề luật sư đó. Do vậy, internet mới chỉ được sử dụng chủ yếu làm nguồn thông tin tham khảo, cùng với báo chí, truyền hình, về các tin tức, bài viết liên quan đến luật sư mà bạn quan tâm. Tương tự với việc qua người quen giới thiệu, nếu bạn chỉ dựa vào những thông tin, đánh giá mà bạn tìm thấy trên internet hay báo chí để đi đến quyết định thuê một luật sư nào đó, có thể bạn phải hối tiếc về quyết định đó của mình vì như đã nói, mỗi người sẽ có cái nhìn, sự đánh giá khác nhau về trình độ, nhân cách của một luật sư, chưa kể đến việc nhiều bài báo ca ngợi một luật sư nào đó có thể được viết theo “đơn đặt hàng”.
Gặp gỡ trực tiếp một vài luật sư
Cuộc nói chuyện trực tiếp đầu tiên với một luật sư mà bạn đang xem xét việc thuê là vô cùng quan trọng. Khi đi gặp luật sư, hãy mang theo bạn tất cả các tài liệu và thông tin khác liên quan đến vấn đề của bạn. Hãy chuẩn bị một danh sách các câu hỏi khi bạn đến gặp luật sư – chẳng hạn như: luật liên quan đến vụ việc của bạn thuộc chuyên ngành luật gì? Kết quả giải quyết thực tế có thể sẽ ra sao? Quan điểm của luật sư về phương thức xử lý vụ việc của bạn là gì? Luật sư đề xuất một phương án tấn công hay ôn hòa, thận trọng? Hãy xem xét mức độ thoải mái của bạn khi gặp luật sư và khả năng tương thích về cá tính. Bạn có được một cảm giác tin tưởng đối với luật sư hay không? luật sư có vẻ hiểu biết về những gì cô ta hoặc anh ta đã nói không? luật sư có vẻ tự tin, hiểu biết về vụ việc, lĩnh vực liên quan đến vụ việc của bạn hay không? Bạn không nên quyết định việc thuê ngay luật sư đầu tiên mà bạn gặp. Hay cố gắng thu xếp cuộc gặp với ít nhất hai luật sư, sau đó hãy quyết định bạn sẽ chọn luật sư nào.
Nhân cách của luật sư
Hãy dành sự quan tâm đặc biệt đến triển vọng quan hệ cá nhân giữa bạn và luật sư của bạn. Bất kể là luật sư đó có kinh nghiệm thế nào hoặc được người khác ca tụng ra sao, nếu bạn cảm thấy khó chịu, không thoải mái khi gặp gỡ, làm việc với luật sư đó trong một hai lần gặp đầu tiên, bạn sẽ không bao giờ có được một mối quan hệ khách hàng- luật sư lý tưởng. Hãy tin tưởng vào trực giác, bản năng của bạn và tìm kiếm một luật sư có sự tương thích với cá tính riêng của bạn. Tất nhiên là cũng cần phải đánh giá thêm về các mặt khác như: kinh nghiệm của luật sư, mối quan hệ cá nhân, khả năng tiếp cận (luật sư còn thời gian để tiếp nhận vụ việc của bạn hay không).
Cần phân biệt giữa luật sư và tổ chức hành nghề luật sư
Khi tìm luật sư cho mình, bạn cũng nên phân biệt hai khái niệm luật sư và tổ chức hành nghề luật sư (công ty luật hoặc văn phòng luật sư). Bạn có thể nghe nói nhiều hoặc được giới thiệu về một văn phòng luật sư nào đó và mong muốn họ giao vụ việc của mình vào tay họ, hãy hỏi họ luật sư cụ thể nào của họ sẽ là người trực tiếp giải quyết vụ việc của bạn và đề nghị họ cho bạn gặp gỡ trực tiếp với luật sư đó. Có thể người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư mà bạn đã tiếp xúc là một luật sư đáng tin cậy, theo bạn cảm nhận, nhưng luật sư được phân công trực tiếp giải quyết vụ việc lại không có được niềm tin ở bạn khi tiếp xúc hoặc ngược lại. Trong trường hợp này, bạn hãy yêu cầu được lựa chọn luật sư mà bạn tin tưởng hơn làm luật sư của bạn vì xét cho cùng, luật sư của bạn là luật sư trực tiếp giải quyết vụ việc cho bạn, chứ không phải tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề.
Cũng phải lưu ý đến một thực tế là có luật sư giỏi, tổ chức hành nghề có uy tín lâu năm quá nhiều việc nên họ thu phí cao nhưng dịch vụ chưa hẳn đã tốt vì họ phải “chạy sô” ngược lại luật sư mới hành nghề có ý chí quyết tâm cao, có bản lính nghề nghiệp, quyết tâm sống bằng nghề, yêu nghề có niềm tin thắng lợi ở chính mình và khát vọng thành công trong hoạt động hành nghề sẽ có kết quả rất tốt.
Tóm lại để tìm cho mình một luật sư đáng tin cậy có đức, có tài, đáp ứng yêu cầu dịch vụ pháp lý rất cần có cái nhìn đầy đủ tổng hợp và sớm nhận thức đánh giá chất lượng luật sư ngay từ việc tiếp xúc ban đầu và quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý. Bạn phải trả lời được câu hỏi văn phòng luật sư, công ty luật bạn cần đó có uy tín và năng lực không, lĩnh vực bạn cần có luật sư chuyên sâu nhiều kinh nghiệm hay không,thù lao luật sư có hợp lý không, cách tính phí như thế nào …( bạn có thể yêu cầu bên cung cấp dịch vụ pháp lý giới thiệu kết quả hoạt động kinh doanh 2 năm gần nhất, những vụ việc tương tự mà họ đã làm, kết quả mà họ đem lại).
Chúc bạn sớm tìm được một luật sư cho riêng mình !
(Bài viết có sử dụng tài liệu của đồng nghiệp)
Luật sư Trần Xuân Tiền – VPLS Đồng Đội.