Hiện nay, bên cạnh những trường hợp tố cáo có tính xây dựng và tích cực trong việc chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể, và cá nhân, thì thực tế công tác giải quyết tố cáo từ trước đến nay cũng cho thấy vẫn còn nhiều trường hợp tố cáo không rõ ràng. Một số trường hợp xuất phát từ những thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở pháp lý, hoặc là hành động tố cáo nhằm mục đích cá nhân khi không đạt được mục tiêu từ việc giải quyết khiếu nại. Đáng lưu ý là có những tố cáo sai sự thật, bịa đặt nội dung, gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh tại địa phương và tạo ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Để hạn chế tình trạng tố cáo bừa bãi, thiếu căn cứ, bài viết dưới đây xin chia sẻ đến bạn đọc những thông tin cần thiết về tố cáo và quy định liên quan.
1. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo
Để khuyến khích người dân tham gia tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tố cáo cũng như tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia tố cáo, Luật Tố cáo năm 2018 đã quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo như sau:
- Người tố cáo có các quyền sau đây:
a) Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của Luật này;
b) Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;
c) Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;
d) Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết;
đ) Rút tố cáo;
e) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;
g) Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật này;
b) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;
d) Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;
đ) Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện tố cáo.
Thực hiện tố cáo là quyền của công dân nhưng để đảm bảo tính chính xác và khách quan khi thực hiện tố cáo cũng như loại bỏ các vụ tố cáo vô căn cứ, bảo vệ danh dự của những người bị tố cáo oan sai thì Luật Tố cáo năm 2018 cũng đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện tố cáo, nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan của quá trình tố cáo và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.
Căn cứ theo Điều 8 Luật Tố cáo quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo
- Cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo.
- Thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc giải quyết tố cáo.
- Tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo.
- Làm mất, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu vụ việc tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.
- Không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho người tố cáo, người bị tố cáo.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.
- Can thiệp trái pháp luật, cản trở việc giải quyết tố cáo.
- Đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo.
- Bao che người bị tố cáo.
- Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo.
- Mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo.
- Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
- Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.
3. Chế tài áp dụng đối với người có hành vi tố cáo sai sự thật
Đối với người có hành vi tố cáo sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
– Về trách nhiệm hình sự:
Người có hành vi tố cáo sai sự thật có thể sẽ bị xử lý theo Điều 156 Bộ luật Hình sự về Tội vu khống. Người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng cho đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm, tùy theo mức độ vi phạm.
Ngoài ra, người tố cáo sai sự thật có hành vi lợi dụng việc tố cáo để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì có thể bị xử lý về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người phạm tội bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.
– Về xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng cho đến 20.000.000 đồng đối với: hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
– Về trách nhiệm dân sự
Người có hành vi tố cáo sai sự thật sẽ phải bồi thường thiệt hại theo do hành vi tố cáo sai sự thật gây ra.
Căn cứ theo điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 thì thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
– Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức
Cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Trường hợp cá nhân rút đơn tố cáo khi biết tố cáo sai sự thật thì có bị xử lý không.
Trong trường hợp cá nhân rút đơn tố cáo khi nhận ra tố cáo sai sự thật, hành vi này vẫn có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi. Đối với những trường hợp tố cáo sai và gây hậu quả nghiêm trọng cho người bị tố cáo, người tố cáo sai sự thật có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống. Bên cạnh trách nhiệm hình sự, nếu hành vi này gây ra thiệt hại cụ thể về danh dự, nhân phẩm hoặc gây tổn thất về vật chất cho người bị tố cáo, người tố cáo sai còn phải bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự.
5. Người bị tố cáo sai sự thật có quyền yêu cầu người tố cáo phải bồi thường thiệt hại đối với hành vi gây ra không. Việc bồi thường khi tố cáo sai thông tin sự thật như thế nào?
Nếu người tố cáo cung cấp thông tin sai lệch gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị tố cáo, thì người bị tố cáo có quyền yêu cầu người tố cáo bồi thường thiệt hại do hành vi tố cáo sai sự thật gây ra.
Căn cứ theo điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 thì thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Mời các độc giả tham khảo:
Làm hơn 100 đơn tố cáo sai sự thật, hai vợ chồng ở Phú Yên bị khởi tố(https://tienphong.vn/lam-hon-100-don-to-cao-sai-su-that-hai-vo-chong-o-phu-yen-bi-khoi-to-post1678844.tpo)
Khởi tố hai vợ chồng tội lợi dụng tự do dân chủ(https://nhandan.vn/khoi-to-bat-giam-2-vo-chong-lam-104-don-khieu-nai-to-cao-can-bo-sai-su-that-post834807.html)
Bắt giam đối tượng soạn thảo, lan truyền nhiều đơn tố cáo sai sự thật(https://suckhoedoisong.vn/bat-giam-doi-tuong-soan-thao-lan-truyen-nhieu-don-to-cao-sai-su-that-169240802172407371.htm)
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi