Hiện nay, qua thực tế quan sát và tham gia các vụ án hình sự cho thấy có một số trường hợp bị cáo bỏ trốn và bị truy nã. Trường hợp này có hai tình huống xảy ra, đó là: bị caó bỏ trốn trước khi toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và bị cáo bỏ trốn khi toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng trước thời điểm mở phiên tòa. Việc người phạm tội bỏ trốn đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình giải quyết vụ án.
Trước hết, bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Toà án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Vậy bị cáo có quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Về quyền, theo quy định tại Điều 61 BLTTHS năm 2015 bị cáo có những quyền như sau: Nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, quyết định đình chỉ vụ án; bản án; quyết định của Toà án và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật TTHS 2015,…. Đặc biệt quyền tham gia phiên toà cũng là một trong số các quyền mà BLTTHS 2015 quy định thể hiện được sự quan trọng của việc tham gia phiên toà của bị can, bị cáo.
Bên cạnh đó bị cáo cũng có những nghĩa vụ như: Có mặt theo giấy triệu tập của Toà án. Trường hợp vắng mạt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì sẽ bị truy nã; Chấp hành quyết định, yêu cầu của Toà án.
Bị cáo là một chủ thể quan trọng phải có mặt trong phiên xét xử để có thể giải quyết vụ án. Tại Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa. Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
Tòa án được xét xử vắng mặt bị cáo trong trường hợp nào?
Khi ra quyết định truy nã thì cơ quan có thẩm quyền cần phải có đủ các điều kiện sau đây: Có đủ căn cứ xác định bị can, bị cáo đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả; Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn.
Sau khi có đủ căn cứ xác định bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu mà trước đó Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án đã ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam mà không bắt được thì Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Toà án ra quyết định truy nã.
Trường hợp chưa có lệnh bắt bị can; bị cáo để tạm giam thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam mà Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án ra ngay quyết định truy nã.
Khi chuẩn bị xét xử mà người phạm tội bỏ trốn thì việc truy nã sẽ được thực hiện theo trình tự được quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC như sau:
Trường hợp Viện kiểm sát đã ra quyết định truy tố bị can và đã giao bản cáo trạng cho bị can nhưng chưa chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án mà nhận được thông tin về việc bị can bỏ trốn, thì Viện kiểm sát vẫn chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án để thụ lý, xét xử và thông báo cho Tòa án biết việc bị can đã bỏ trốn để Tòa án yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can.
Trong trường hợp nhận được thông báo của Viện kiểm sát về việc bị can bỏ trốn sau khi đã được giao bản cáo trạng (không phân biệt hồ sơ vụ án đã được chuyển giao cho Tòa án hay chưa) cũng như trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nếu bị can bỏ trốn thì Tòa án yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can và vẫn tiến hành các công việc theo thủ tục chung.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 290 BLTTHS 2015 thì nếu bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả thì toà án có thể xét xử vắng mặt.
Như vậy, toà án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trốn và bị truy nã nhưng việc truy nã đó phải không có kết quả. Tuy nhiên để xét xử bị cáo đang bị truy nã thì trước đó Viện Kiểm sát phải có cáo trạng để truy tố, đề nghị xét xử đối với bị can đó. Còn trường hợp nếu Viện Kiểm sát không truy tố đối với bị can thì không có căn cứ để Toà án xét xử đối với bị can đó. Bên cạnh đó, nếu thời điểm đưa vụ án ra xét xử mà bị cáo vẫn bỏ trốn và chưa truy bắt được thì quá trình xét xử vẫn có thể diễn ra bình thường và bị cáo bỏ trốn sẽ mất đi các quyền lợi của mình.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Hoàng Thị Thương
Gmail: thuongx7hchtth@gmail.com.
Điện thoại: 0343191824