Tại hội thảo “Triển khai Đề án phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao” do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức sáng qua (25/12) tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý đã “mổ xẻ” án lệ từ nhiều khía cạnh và nhận thấy “án lệ không thể thiếu” nếu muốn chấm dứt tình trạng “các vụ án cùng tình tiết được phán quyết theo các hướng khác nhau”.
Án tương tự nhau nhưng phán quyết khác nhau
Năm 2009, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội thụ lý 7 vụ án kinh doanh, thương mại về “tranh chấp hợp đồng tín dụng” (cụ thể là tranh chấp hợp đồng giao dịch vàng kiêm hợp đồng cấp hạn mức, kiêm hợp đồng cầm cố số dư tài khoản VNĐ/vàng) và đã đưa ra xét xử 2 vụ có cùng nguyên đơn là Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH Đông Dương.
Trong đó, một vụ bị đơn là ông Trần Đức Minh, một vụ bị đơn là bà Nguyễn Thị Vân Anh. Cấp sơ thẩm xét xử 2 vụ án này theo đường lối chung là chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và buộc các cá nhân và Công ty TNHH Đông Dương liên đới trả cho ACB dư nợ tiền VNĐ/vàng.
Phó chánh án Tòa án nhân dân TP.Hà Nội Tạ Quốc Hùng cho biết, hai vụ án đó có nội dung tương tự nhau, chỉ khác đối tượng bị đơn và số tiền phải trả cho nguyên đơn nhưng án phúc thẩm có 2 đường lối giải quyết khác nhau, khi hủy án sơ thẩm đối với vụ của ông Trần Đức Minh và sửa án sơ thẩm (tuyên bố hợp đồng giao dịch giữa hai bên vô hiệu) đối với vụ án của bà Nguyễn Thị Vân Anh.
Vì thế, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã phải xin ý kiến thống nhất đường lối xét xử đối với 5 vụ án còn lại (cũng có tình tiết tương tự) nhưng từ tháng 11/2010 đến nay, Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chung khiến Tòa án nhân dân TP.Hà Nội vẫn phải tạm đình chỉ các vụ án này.
Đó là thực trạng có thể nói là “quen thuộc” trong công tác xét xử hiện nay nên các thẩm phán cho rằng “việc sử dụng án lệ ở nước ta là một yêu cầu cấp bách” để có sự thống nhất trong đường lối xét xử, không để “công lý bị xoay vần” chỉ vì “các văn bản pháp luật còn thiếu, còn mâu thuẫn và chồng chéo, văn bản hướng dẫn, giải thích pháp luật chưa kịp thời và sự tùy tiện của các thẩm phán”.
Luật “sống” cho công tác xét xử
Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đã có một số hoạt động để triển khai án lệ vào công tác xét xử, dù, “nên hay không nên chấp nhận án lệ vẫn là vấn đề đang được tranh luận” và trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành, án lệ vẫn chưa được chính thức thừa nhận và được tòa án sử dụng.
Đề án “Phát triển triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao” (ban hành theo Quyết định 74/QĐ-TANDTC ngày 31/10/2012), mục tiêu phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao nhằm nâng cao chất lượng bản án, quyết định của ngành Tòa án nói chung, đặc biệt là Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao, góp phần đảm bảo việc áp dụng pháp luật đúng, thống nhất, từ đó đảm bảo sự bình đẳng của mọi tổ chức và công dân trước pháp luật.
Đề án cũng xác định quan điểm chỉ đạo, để hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử. Nâng cao trách nhiệm của thẩm phấn trong công tác xét xử tại phiên tòa cũng như tăng cường việc bồi dưỡng, đào tạo các chức danh tư pháp, bảo đảm các yêu cầu của cải cách tư pháp và đề ra một số giải pháp phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao, như kiến nghị xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật là cơ sở pháp lý cho việc phát triển án lệ, thiệt lập án lệ của Tòa án nhân dân tối cao, cải tiến cách viết và thông qua các bản án, quyết định của tòa án, đặc biệt là Quyết định Giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao, tăng cường việc sử dụng án lệ trong thực tiễn xét xử, thành lập bộ phận chuyên trách để tuyển tập án lệ.
Không ai phủ nhận được vai trò của án lệ trong thực tiễn xét xử vì như GS.TS.Lê Hồng Hạnh (Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp) nhận xét, “không hệ thống pháp luật nào có thể bao trùm hết mọi tình huống xã hội nên dùng án lệ bổ sung cho qui định pháp luật là cần thiết”.
Nhưng các chuyên gia pháp lý đều cho rằng, để án lệ có “chỗ đứng” trong văn hóa pháp lý Việt Nam, ngoài việc thống nhất mô hình phát triển án lệ để phát huy những yếu tố tích cực của nó trong thực tiễn xét xử ở Việt Nam, thì cũng cần định hướng về đào tạo nghề luật sư và đổi mới tư duy pháp lý về án lệ cho thẩm phán, luật gia.
Đặc biệt hoàn thiện pháp luật theo hướng giao quyền giải thích pháp luật cũng như tăng khả năng độc lập thực sự cho các thẩm phán để họ có thể áp dụng án lệ cũng chính là “sáng tạo pháp luật” bởi “không thể sáng tạo khi bị ràng buộc bởi bất kỳ mối quan hệ nào”.