Những ngày qua, giá xăng dầu trong nước đang trên đà tăng liên tiếp trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới. Đặc biệt, do xung đột chính trị giữa Nga và Ukraina, nguồn cung xăng dầu bị thiếu hụt trong khi nhu cầu đi lại của người dân lại tăng cao. Do đó, bên cạnh tình trạng một số cây xăng phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động do không đủ nguồn cung, nhân lực phục vụ thì cũng có những cây xăng khác có dấu hiệu “găm hàng”, bán nhỏ giọt, chờ tăng giá.
Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này, và những hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu sẽ bị xử lý ra sao?
Theo quy định tại Điều 15 Luật Giá 2012 và khoản 1 Điều 3 Nghị định 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống. Trong đó, danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm xăng, dầu thành phẩm.
Từ quy định trên cho thấy, xăng, dầu là hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đối với những cây xăng cố tình “găm hàng”, đầu cơ chờ tăng giá nhằm trục lợi đều là những hành vi vi phạm pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Chế tài xử phạt hành chính được quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, Điều 31 Nghị định này nêu rõ, hành vi đầu cơ hàng hoá là hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính. Mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm là từ 5 triệu đồng, cao nhất lên đến 100 triệu đồng, nếu giá trị hàng hoá từ 1 tỉ đồng trở lên.
Điều 32 Nghị định trên cũng liệt kê các trường hợp đối với hành vi găm hàng, cụ thể là: Cắt giảm địa điểm bán hàng; cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ) khác với thời gian trước đó; quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó; cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó. Với hành vi vi phạm này, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định nêu trên đối với cá nhân.
Ngoài ra, trong trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi đầu cơ, găm hàng thu lợi lớn, có dấu hiệu hình sự thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đầu cơ theo Điều 196 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Hành vi khách quan của tội này là lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính.
Theo đó, mức phạt cao nhất áp dụng cho cá nhân là phạt tiền từ 1,5 tỉ đồng đến 5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm; ngoài ra người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với pháp nhân thương mại, mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 4 tỉ đến 9 tỉ đồng, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Bên cạnh đó, đối với hành vi cố tình không bán hoặc bán ít xăng cho khách hàng nhưng không phải nhằm mục đích đầu cơ, găm hàng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu đến 20 triệu đồng theo quy định tại điểm b, c khoản 4, Điều 35 Nghị định 99/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Trước tình trạng giá xăng dầu tăng đột biến, cùng với đó tình trạng gian lận, găm hàng, đầu cơ nhằm trục lợi của các cửa hàng xăng dầu cũng tăng lên, cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường cần khẩn trương vào cuộc để kiểm tra, xác minh, tìm hiểu nguyên nhân tình trạng này, từ đó tiến hành xử lý thật nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết có thể đề nghị Sở Công Thương rút giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đối với cơ sở kinh doanh cố ý thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Mặt khác, dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, gây ra không ít khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Việc găm hàng, đầu cơ trục lợi không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, gây ra tâm lý bất ổn, lo lắng cho người dân mà còn gây xáo trộn thị trường, tác động tiêu cực đến hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cơ sở kinh doanh xăng dầu, để họ hiểu rằng mục tiêu của hoạt động kinh doanh không chỉ dừng lại ở việc kiếm lời, tăng lợi nhuận mà họ còn có trách nhiệm cung cấp hàng hoá bình ổn giá, nhằm chia sẻ khó khăn với nhà nước và người dân.
Ngoài ra, để góp phần hạn chế, giảm thiểu tình trạng trên, cần sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng các cấp trong việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc buôn bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các địa phương, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn và góp phần ổn định tình hình thị trường xăng dầu trên cả nước.
Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ quan điểm của mình về tình trạng trên cũng như chế tài áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại báo Zing news:
Đầu cơ, găm hàng chờ xăng tăng giá có thể bị phạt 100 triệu đồng – Pháp luật – ZINGNEWS.VN
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội